Brexit vào thời điểm đầy kịch tính

Thế Tuấn (Theo Reuters Sky News) 24/10/2019 06:00

Tới thời điểm này, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) được cho là đầy kịch tính. Trong ngày 22/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng cảnh báo nếu các Nghị sĩ bỏ phiếu chống lại thời gian biểu để thúc đẩy “thỏa thuận ly hôn” với EU tại Quốc hội trong tuần này, ông sẽ từ bỏ dự luật và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Đây được coi là động thái “cực kỳ cứng rắn sau khi đã lùi một bước” của ông B.Johnson.

Brexit vào thời điểm đầy kịch tính

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở London, ngày 19/10. Ảnh: AFP/TTXVN.

Phát biểu tại Quốc hội ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng, ông Johnson cho biết: “Nếu Quốc hội không cho phép Brexit diễn ra và quyết định trì hoãn, Chính phủ sẽ tiếp tục hành động trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Dự luật (Brexit) sẽ bị rút lại và chúng ta sẽ phải tiến đến một cuộc tổng tuyển cử. Tôi sẽ kêu gọi trong cuộc bầu cử đó là: Hãy để Brexit xảy ra”- ông B.Johnson tuyên bố.

Cùng ngày, một nguồn tin đảng đối lập cho biết Công đảng sẽ chỉ ủng hộ một cuộc bầu cử trước thời hạn nếu chính phủ và EU nhất trí gia hạn Brexit đủ lâu để tiến hành bầu cử, và kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ bị loại trừ. Công đảng từ lâu cho biết họ muốn một cuộc bầu cử mới, song đến nay vẫn không ủng hộ lời kêu gọi của ông Johnson về một cuộc bầu cử vì lo ngại có thể dẫn đến việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/10, khoảng một triệu người đã biểu tình ở London kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề Brexit. Cuộc biểu tình lần này cho thấy sự chia rẽ của nước Anh trước việc đi hay ở lại EU, mà điều đó càng khiến Thủ tướng B.Johnson thêm bối rối, đồng thời “tiếp lửa cho tinh thần các Nghị sĩ”- nói như nhận định của trang Guardian.

“Thỏa thuận ly hôn” mới mà Thủ tướng B.Johnson vừa đạt được với EU tuần trước được coi là một bước lùi của ông. Trước đó, ông B.Johnson từng tuyên bố “thà chết” chứ nhất định không lui Brexit vào thời điểm chót là 31/10. Tuy nhiên, trước sức ép dữ dội từ Hạ viện, Thủ tướng nước Anh đã phải gửi một bức thư (mà ông không ký tên) tới lãnh đạo EU đề nghị lui Brexit, tuy nhiên không phải là “quá lâu”, tới 3 tháng như Hạ viện Anh đòi hỏi.

Trước động thái “lui bước” của Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện John Bercow đã yêu cầu Chính phủ không đưa thoả thuận Brexit của Thủ tướng Boris Johnson ra bỏ phiếu lần nữa vì như vậy là đặt cùng một câu hỏi hai lần. Thay vào đó, ông Bercow nói Chính phủ có thể “đi qua Quốc hội” để có điều luật cần thiết cho Brexit trước, thay vì đưa thoả thuận Brexit ra để các nghị sĩ bỏ phiếu “có” hoặc “không”- theo Reuters.

Nhắc lại, ngày 19/10, ông B.Johnson vấp phải thất bại lớn khi thỏa thuận của ông với EU không được Hạ viện chấp thuận. Thay vào đó, Hạ viện tiếp tục yêu cầu Thủ tướng đề nghị EU cho thêm thời hạn để thực hiện Brexit. Và cũng chính vì thế mà cũng trong ngày 19/10, ông B.Johnson phải gửi bức thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để xin gia hạn Brexit. Bức thư không ký tên Thủ tướng được hiểu rằng đó là một cách “bày tỏ” với EU cũng như người dân nước Anh rằng ông không muốn xin gia hạn, mà bị Quốc hội ép buộc phải làm như vậy- một phân tích trên Sky News. Lá thư có câu: “Chính phủ sẽ đưa ra dự luật mới vào tuần sau để thông qua thỏa thuận rút khỏi EU”.

Tuy nhiên, theo ông Michel Barnier- Trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit thì “chưa rõ EU có cho Anh thêm thời gian hay không, vì Chủ tịch Donald Tusk sẽ cân nhắc bức thư sau”. Vẫn tờ Sky News bình luận: EU sẽ không vội phản hồi, mà có thể muốn đợi xem tình hình diễn biến ra sao ở Quốc hội Anh trong những ngày tới.

Việc Hạ viện Anh “dội một gáo nước lạnh” lên Thủ tướng sau khi bỏ phiếu thông qua một đề nghị sửa đổi yêu cầu hoãn lại việc ủng hộ thoả thuận Brexit mà ông B.Johnson đã có được với EU cho thấy tình hình những ngày tới sẽ rất căng thẳng, cho dù số phiếu “thuận - chống” không quá chênh lệch: 322 phiếu thuận, 306 phiếu chống. Ngay sau khi số phiếu được công bố, ông B.Johnson đã tuyên bố: “Tôi sẽ không thương lượng gia hạn một lần nữa với EU, và luật pháp cũng không bắt tôi phải làm vậy. Trì hoãn thêm nữa sẽ có hại cho đất nước này”.

Nhưng sau đó chính ông đã phải gửi một bức thư xin lui thời hạn Brexit tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho dù bức thư đó không có chữ ký của Thủ tướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit vào thời điểm đầy kịch tính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO