Hoảng hốt dẫn tới thảm họa

Ngọc Mai 03/04/2020 09:00

Tại Iran, mới đây ít nhất 300 người tử vong và 1.000 người bị ngộ độc vì tin lời đồn uống Methanol để chống virus Corona- theo AP. Người ta cho rằng do quá lo sợ Covid-19 trong khi chưa có thuốc điều trị nên nhiều người đã tìm đến những loại thuốc không được chỉ định. Nhiều người Iran tin rằng Methanol là thuốc “chống virus Corona”, nên đã gây ra thảm họa.

Hoảng hốt dẫn tới thảm họa

Các phòng thí nghiệm đang nỗ lực điều chế vaccine chống SARS-CoV-2.

Cũng tại Iran, chỉ vì tin lời đồn “uống rượu chống virus Corona”, nên 27 người đã tử vong. Trong số các nạn nhân tử vong vì uống rượu lậu có 20 người tại tỉnh Khuzestan phía Tây Nam và 7 người tại vùng Alborz ở phía Bắc Iran. Đáng chú ý, uống rượu là hành vi bị nghiêm cấm ở Iran, trừ những người thuộc nhóm tôn giáo thiểu số ngoài đạo Hồi. Ông Ali Ehsanpour - đại diện Trường Đại học Y khoa Jundishapur tại Ahvaz, thủ phủ tỉnh Khuzestan, cho hay có đến 218 nhập viện vì ngộ độc rượu. Theo ông, các trường hợp ngộ độc xuất phát từ lời đồn cho rằng “uống rượu có thể trị virus Corona một cách hiệu quả”.

Theo công tố viên Mohammad Aghayari của vùng Alborz, những người tử vong trước đó đã uống rượu vì “tin lầm vào nội dung trên mạng, cho rằng có thể chống virus Corona”.

Cuối tháng 3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thêm một lần nữa cảnh báo chính quyền các nước không nên cho phép điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng những loại thuốc chưa được khoa học chứng minh có hiệu quả đối với bệnh này. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra cảnh báo trên giữa lúc số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng nhanh- theo South China Morning Post. “Chúng tôi kêu gọi tất cả cá nhân và quốc gia không dùng những phương pháp điều trị mà chưa được chứng minh hiệu quả trong việc điều trị Covid-19. Trong lịch sử y khoa đã có những trường hợp cho thấy thuốc có tác dụng trên nghiên cứu hoặc trong ống thử nghiệm, nhưng không có tác dụng ở người hoặc thực tế gây tổn hại”- ông Tedros nhấn mạnh và dẫn chứng trong đại dịch Ebola gần đây nhất, vài loại thuốc được cho là hiệu quả nhưng thực tế không có hữu hiệu như những loại thuốc khác khi được so sánh trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng. “Chúng ta phải theo sau bằng chứng. Không có đường tắt” - ông nói.

Tương tự, với Chloroquine - một loại thuốc trị sốt rét- được cho là có thể điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì cũng không có cơ sở khoa học.

Trong cuộc chạy đua chống lại SARS-CoV-2, nhiều quốc gia trên thế giới đã đầu tư lớn cho việc tìm kiếm vaccine và thuốc điều trị. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thật rõ rệt. Do phát triển một loại thuốc mới phải mất nhiều năm nên hiện nay các nhà khoa học đang chạy đua tái sử dụng các loại thuốc hoặc chất sẵn có với mong muốn nhanh chóng sản xuất ra một loại thuốc kháng Covid-19. Hiện WHO đã xác định 4 loại thuốc tiềm năng và bắt đầu một thử nghiệm về các thuốc này.

Theo South China Morning Post, 4 loại thuốc này bao gồm Remdesivir- thuốc thử nghiệm điều trị Ebola; Một loại thuốc kết hợp giữa 2 thuốc điều trị HIV là Lopinavir và Ritonavir; Một loại thuốc kết hợp khác của lopinavir và Ritonavir cùng với Interferon beta; và thuốc trị sốt rét Chloroquine.

Trong đó, Remdesivir, của công ty công nghệ sinh học Gilead Sciences, được xem là “ứng cử viên tương đối hứa hẹn”. Các nhà khoa học thế giới đang tiến hành 5 thử nghiệm lâm sàng lớn về loại thuốc này. Kết quả của 2 trong 5 thử nghiệm sẽ có vào đầu tháng 4. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thuốc tiêm tĩnh mạch này đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn virus Corona sinh sôi thêm. Dù vậy, vẫn cần đến các thử nghiệm lâm sàng để xác định tính hiệu quả và độ an toàn của thuốc. Trong khi đó, theo thông tin trên web của WHO, các thử nghiệm trước đây về thuốc Remdesivir trong điều trị Ebola cho thấy nó đã làm cho người dùng bị nhiễm độc gan.

Ở một diễn biến khác, trong khi một số ý kiến cho rằng Chloroquine có thể ức chế SARS-CoV-2 thì nhà virus học Rossman lại cho rằng, Chloroquine có hiệu quả tốt trong điều trị sốt rét nhưng đó là một cơ chế khác hơn nhiều cái chúng ta biết về chống các loại virus. Chloroquine thiếu bằng chứng thuyết phục để là một thuốc kháng virus ở người và sẽ đòi hỏi phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Như vậy, trong lúc chưa có thuốc đặc trị Covid-19, thì lời khuyên sáng suốt nhất là khi phải điều trị cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoảng hốt dẫn tới thảm họa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO