Một gia đình Mỹ bị phiến quân bắt cóc: Hành trình 5 năm giải cứu

Khánh Duy 15/10/2017 07:00

Bị nhồi lên sau một chiếc xe và chuyển ra khỏi khu vực các bộ lạc ở Tây bắc Pakistan, một người phụ nữ Mỹ cùng chồng gốc Canada đang ở trong khoảnh khắc cuối cùng của 5 năm bị phiến quân bắt làm con tin thì tiếng súng bỗng vang lên. Một trong số những kẻ bắt giữ họ hô lên: Giết con tin ngay!

Gia đình Coleman và Boyle xuất hiện trong một đoạn video mà phiến quân Taliban công bố. Nguồn: NYTimes.

Nhóm phiến quân nọ, mạng lưới Haqqani có liên hệ với Taliban, lập tức nhận ra rằng chúng đang bị quân đội Pakistan bao vây. Cuộc đọ súng chấm dứt, các binh sĩ chính phủ đưa gia đình được giải cứu lên xe và sau đó lên trực thăng tới thẳng Islamabad. Họ cuối cùng đã được an toàn.

Quân đội Pakistan, dựa trên các thông tin tình báo mà Mỹ thu được từ máy bay không người lái, đã thực hiện thành công chiến dịch giải cứu con tin đầy kịch tính trong hôm 12-10 vừa qua.

Cuộc đọ súng chớp nhoáng được xem là hồi kết cho 5 năm bị phiến quân giam cầm của bà Caitlan Coleman, 31 tuổi, cùng chồng, ông Joshua Boyle, 34 tuổi, những người bị bắt cóc vào tháng 10-2012 bởi mạng lưới phiến quân khét tiếng Haqani. Bà Coleman, người đang mang thai lúc bị bắt cóc, đã hạ sinh 3 người con trong lúc bị giam giữ.

Trong một số đoạn video công bố bởi Haqqani hồi năm ngoái, bà Coleman, người đến từ miền Trung bang Pennsylvania (Mỹ), đã cầu xin được sống.
Gia đình này được chuyển tới Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Islamabad của Pakistan vào cuối hôm 12-10. Quân đội Pakistan cam kết sẽ tổ chức hồi hương cho họ, trong khi giới chức Mỹ tìm cách đưa gia đình này ra khỏi khu vực Nam Á. Hành trình trở về trở nên phức tạp hơn sau khi ông Boyle từ chối lên chiếc chuyên cơ quân sự C-130 của Mỹ để tới căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, nơi mà quân đội Mỹ bị cáo buộc lạm dụng những tù nhân bị giam giữ.

Nỗ lực giải cứu bất thành
Sau khi tổ chức đám cưới năm 2011, Coleman và Boyle đã bỏ ra vài tháng để đi du lịch ở Trung Mỹ trước khi thực hiện hành trình khám phá qua Nga và Trung Á. Họ đã từng muốn rời khỏi Afghanistan vào khoảng cuối năm 2012 do lúc đó bà Coleman đang mang thai, nhưng lại bị bắt cóc vào tháng 10 cùng năm trong lúc đang du lịch ở tỉnh Wardak - một thành trì của phiến quân gần thủ đô Kabul.

Để đổi lấy sự tự do cho gia đình này, mạng lưới Haqqani từng yêu cầu trả tự do cho Anas Haqqani, một trong những thủ lĩnh của chúng. Chính phủ Afghanistan đã bắt giữ kẻ này vào năm 2014 và đã bị tuyên án tử hình. Haqqani từng dọa sẽ hành quyết gia đình này nếu kẻ tử tù trên bị đem đi xử tử.

Những nỗ lực giải cứu gia đình này trước đây đều thất bại. Tháng 1-2016, Colin Rutherford, một công dân Canada, đã được trả tự do sau khi Qatar dàn xếp một cuộc trao đổi tù binh với Chính phủ Afghanistan. Giới chức Mỹ lúc bấy giờ hy vọng rằng trường hợp của Rutherford sẽ bắt đầu cho hàng loạt vụ trả tự do khác, trong đó có cả gia đình bà Coleman.

Nhưng điều đó chưa từng xảy ra, do nhiều lý do mà đến nay vẫn chưa được làm rõ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách khởi động đàm phán với Taliban nhưng đều đổ bể sau khi quân đội Mỹ tiêu diệt Mullah Akhtar Muhammad Mansour, thủ lĩnh Taliban, trong một cuộc không kích vào tháng 5/2016.

Việc bà Coleman đang mang thai càng khiến cho sức ép đối với chính quyền Mỹ gia tăng, bởi Haqqani liên tiếp đe dọa sẽ sát hại toàn bộ gia đình, kể cả những đứa trẻ chưa được sinh ra.

Kết hôn với kẻ khủng bố
Trường hợp của gia đình này lúc bấy giờ thu được sự quan tâm đặc biệt của Canada, nhưng không phải ai cũng tỏ ra thương cảm cho họ. Điều này hoàn toàn có nguyên nhân.

Do có hứng thú khó hiểu trong việc tìm hiểu đạo Hồi và chủ nghĩa khủng bố, ông Boyle trước đây từng kết hôn với người chị của Omar Khadr, một công dân Canada bị quân đội Mỹ bắt giữ ở Afghanistan năm 2002 khi mới 15 tuổi và bị giam trong nhà tù Guantanamo suốt 10 năm liền. Kẻ này được trả tự do năm 2012.

Boyle lúc bấy giờ tình nguyện làm người phát ngôn cho gia đình của Khadr. Cha của Khadr bị lực lượng Pakistan tiêu diệt năm 2003 gần biên giới với Afghanistan. Trùm khủng bố Osama bin Laden cũng là một vị khách mời tại lễ đính hôn giữa Boyle và chị gái của Khadr, Zaynab, người phụ nữ từng công khai ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và cưới ông Boyle vào năm 2009. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này chấm dứt sau 1 năm.

Năm 2009, nhà riêng của cha mẹ ông Boyle ở Ottawa (Canada) bị trộm, nhưng các lỗ đạn bắn được phát hiện trong ngôi nhà khiến chính quyền nghi ngờ rằng vụ việc có liên quan tới bà vợ đầu tiên của ông Boyle.

Thành tựu của chính quyền Tổng thống Trump

Kết thúc 5 năm bị bắt làm con tin của gia đình trên là một thắng lợi của giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ và chương trình giải cứu con tin của FBI. Nhóm làm việc này đã được thành lập dưới thời chính quyền Obama để cải thiện các nỗ lực giải cứu con tin và đảm bảo rằng gia đình các nạn nhân nhận được thông tin kịp thời.

Mạng lưới Haqqani hiện được tin rằng vẫn đang cầm tù một giáo sư Mỹ, Kevin King, người bị bắt cóc hồi tháng 8-2016. Trong một đoạn video công bố năm nay, ông King đã cầu xin Tổng thống Donald Trump giải cứu ông: “Hãy rủ lòng thương và giải cứu tôi”.

Một công dân Mỹ khác, Paul Overby, cũng mất tích vào hồi tháng 5/2014 khi đang cố gắng thực hiện cuộc phỏng vấn thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani.

Chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được một số thành công lớn trong việc giải cứu con tin Mỹ bị bắt cóc ở nước ngoài. Tháng 4 vừa qua, một phụ nữ mang 2 quốc tịch Mỹ-Ai Cập đã được trả tự do sau gần 3 năm bị giam giữ. Một công dân Mỹ khác, Otto Warmbier, sinh viên, cũng được Triều Tiên trả tự do, nhưng chết sau đó vài ngày.

Giám đốc CIA, Mike Pompeo, cũng cố gắng mở ra một kênh đối thoại hậu trường với Chính phủ Syria nhằm giải cứu Austin Tice, một nhà báo Mỹ và là cựu sĩ quan thủy quân lục chiến, đang bị giam giữ ở Syria. Nơi ở chính xác của người này hiện tại vẫn chưa rõ, nhưng giới chức Mỹ tin rằng Chính phủ Syria biết rõ người này đang bị giam giữ ở đâu.


Binh sĩ Pakistan.

Quan hệ Mỹ-Pakistan
Vụ việc gia đình Coleman và Boyle được trả tự do là nhờ một phần vào hành động quyết đoán của quân đội Pakistan, và nó xuất hiện ngay trong lúc mà quan hệ giữa nước này và Mỹ đang trở nên căng thẳng hết sức, sau khi Mỹ tuyên bố Pakistan là một quốc gia che giấu chủ nghĩa khủng bố.

Trong một bài phát biểu vào tối hôm 11-10, Tổng thống Trump đã hoan nghênh nỗ lực của phía Pakistan. “Nước Mỹ lại được tôn trọng một lần nữa”- ông Trump nói trong một bài phát biểu về kế hoạch cải cách thuế ở Harrisburg, Pennsylvania. “Một sự kiện đã xảy ra trong ngày hôm nay, trong đó một quốc gia hoàn toàn không tôn trọng chúng ta đã thông báo một tin tức cực kỳ quan trọng”.

Tổng thống Trump không hề chỉ đích danh đến 2 con tin Coleman, Boyle hay Pakistan, nhưng tuyên bố trên là rất đáng chú ý, đặc biệt là với một vị Tổng thống thường xuyên phàn nàn về việc người tiền nhiệm Barack Obama chia sẻ các thông tin bí mật quan trọng- ví dụ như các kế hoạch chiến đấu chống lại phiến quân IS - cho nước khác.

Quân đội Pakistan cho hay họ đã giải cứu gia đình trên “nhờ vào một chiến dịch được thực hiện dựa vào các thông tin tình báo”. Các máy bay do thám không người lái của Mỹ trước đó đã phát hiện ra một phương tiện chở gia đình này đang di chuyển tới vùng ngoại ô của Kohat, một thành phố ở Tây bắc Pakistan. Theo giới chức Pakistan thì đây là khu vực sâu nhất mà máy bay do thám Mỹ từng thâm nhập trong không phận nước này.

Mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ hiện vẫn đang ở mức độ lạnh nhạt nhất từ trước đến nay. Mỹ đã cáo buộc quân đội và cơ quan tình báo nước này cung cấp nơi trú ẩn hoặc cố tình phớt lờ những kẻ phiến quân. Quan hệ hai nước cũng căng thẳng hơn do vai trò của Pakistan ở Afghanistan.

Trong tuyên bố về việc giải cứu các con tin, quân đội Pakistan nói: “Thành công này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo kịp thời và cam kết của Pakistan trong việc hợp tác để chống lại một kẻ thù chung”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một gia đình Mỹ bị phiến quân bắt cóc: Hành trình 5 năm giải cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO