Người bảo hộ thành Palmyra

Khánh Duy 06/03/2016 00:31

Cách đây 2.000 năm, một bức tượng sư tử đá được dựng lên hướng mặt vào thành phố cổ Palmyra của Syria. Sau khi được khai quật hồi những năm 1970, nó đã trở thành một biểu tượng của thành phố và được du khách quý mến. Thế nhưng chú sư tử mang theo một câu chuyện đầy ý nghĩa đằng sau nó lại trở thành mục tiêu phá hủy đầu tiên mà phiến quân IS nhằm vào.

Người bảo hộ thành Palmyra

Sư tử xuất hiện trong tranh tuyên truyền ở Iraq từ thời Saddam Hussein. (Nguồn: BBC).

Chuyện kể rằng có hơn 300 từ viết theo chữ Ả rập để mô tả về tượng sư tử này. Đó là cách mà người ta nói về tầm quan trọng của nó trong lịch sử của vùng Trung Đông. Đối với bộ lạc Bedouin, loài sư tử đại diện cho mối nguy hiểm lớn nhất trong thế giới tự nhiên – cho đến khi cá thể cuối cùng của loài này trong khu vực bị chết vào khoảng thế kỷ 19.

Sư tử từng được những cộng đồng người trong khu vực tôn thờ, và bởi vậy mà tượng sư tử al-Lat được chế tác cao gấp đôi người bình thình, trọng lượng tới 15 tấn, và là sản phẩm của rất nhiều nghệ nhân của đế chế Palmyra cổ đại. Với đôi mắt xoáy vòng cùng một dọc tinh thể chạy dọc phần xương gò má, tượng sư tử thể hiện rõ sự uy nghiêm của một chiến binh hoang dã, nhưng nó cũng là một biểu tượng đầy tình yêu.

Bên dưới chú sư tử trên là một chú linh dương có sừng. Chú linh dương nằm phủ phục dưới móng vuốt sắc nhọn của chú sư tử, nhưng dường như lại rất an toàn. Đó là biểu tượng của sự bảo vệ, người bảo vệ của thành Palmyra.

Thế nhưng không ai có thể bảo vệ tượng sư tử này khi tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xâm chiếm thành cổ Palmyra hồi tháng 5/2015. Trong suốt hơn 1.000 năm, chú sư tử này đã bị chôn vùi dưới tàn tích của thành phố cổ đại, dù nhiều phần vẫn được sử dụng như phần đá neeng cho các kiến trúc khác. Nhưng giờ, dưới sự phá hoại của IS, người bảo vệ thành Palmyra đã vĩnh viễn biến mất.

Truyền thuyết ở Trung Đông

Tượng sư tử được mô tả bằng 300 từ Ả rập mà người Trung Đông cổ đại dùng để mô tả về loài sư tử: Ghazhanfar, Haidera, Laith, Malik al-ghaab, Nebraz, Basel, Jasaas, Assad... mỗi từ để chỉ một trạng thái khác nhau của sư tử. Ví dụ, Hattam là kẻ hủy diệt, Rihab là sự khiếp sợ, Ghazhanfar là chiến binh…

Tượng sư tử được nhà khảo cổ học nổi tiếng người Ba Lan Michal Gawlikowski khai quật hồi năm 1977, và sau đó được nhà điêu khắc Jozef Gazy phục chế. Đến năm 2005, tượng sư tử lại bị mất cân bằng và người ta lại điều một đội ngũ chuyên gia Ba Lan đến để phục chế nó lần nữa. Và cuối cùng, nó được đặt ngay trước cổng viện bảo tàng Palmyra.

Dọc phần móng vuốt bên trái của chú sư tử là một dòng văn tự cổ của Palmyra, nói rằng: “Al-Labet sẽ phù hộ cho bất cứ ai không gây đổ máu trên thánh địa này”. Được biết bức tượng được đặt tên theo nữ thần al-Lat, một vị thần được thờ cúng rộng rãi trong giới Ả rập, là hậu duệ của các vị nữ thần vùng Lưỡng hà như Ishtar Inanna.

“Ishtar Inanna là nữ thần của chiến tranh và tình yêu”- ông Agusta McMahon, giảng viên khảo cổ học của trường ĐH Cambridge, Anh cho hay- “Thật thú vị khi phát hiện ra sự liên hệ mật thiết giữa một con sư tử và một biểu tượng nữ giới như vậy, và chưa có vị nam thần nào có một chú sư tử cả”.

Đó là điểm độc nhất của bức tượng, bởi ngay cả các vị vua trong thế giới Ả rập cổ đại cũng chưa từng gắn liền với hình tượng sư tử, mà phải đến khoảng năm 3.500 trước Công nguyên, một số lãnh đạo vùng Lưỡng hà mới bắt đầu tự mô tả về mình gắn liền với loài vật này. Theo giới khảo cổ, loài sư tử lúc đó không tượng trưng cho sự giết chóc, mà là để thể hiện sức mạnh và sự khó đoán của các vị vua.

Người bảo hộ thành Palmyra - 1

Sư tử al-Lat, một biểu tượng của sức mạnh và là người bảo vệ
thành Palmyra, đã bị phá hủy hồi năm ngoái.

Sư tử trong thế giới Ả rập

Truyền thống này tiếp tục cho đến thời Trung cổ và thời cận đại, khi các bức họa của giới Hồi giáo thường có cảnh săn bắn, hoặc các hoàng tử dũng cảm chiến đấu với sư tử. Loài vật này thường mang ý nghĩa là đối thủ mạnh nhất của họ. Và đến tận ngày nay, nhiều gia đình vẫn muốn đặt tên cho con cái họ theo đặc tính của loài thú ăn thịt đáng sợ này- Osama là một ví dụ.

Một ví dụ khác không kém phần thú vị chính là gia đình của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà trong đó al-Assad có nghĩa là “sư tử”. Và còn có thêm nhiều câu chuyện khác kể rằng cách đây nhiều thế hệ, gia tộc al-Assad đã tự lấy tên này. Một trong những câu chuyện kể rằng ông Sulayman, ông cố của Tổng thống Bashar al-Assad, đã được đặt cho cái tên al-Wahhish, tức “thú hoang”, bởi dám khuấy động cuộc chiến với đế chế Ottoman.

Ở Iraq cũng tương tự, Saddam Hussein trước kia thậm chí cũng thường xuyên được xuất hiện trên mặt báo hoặc các bảng thông cáo trong thành phố, trong đó ông xuất hiện như một vị vua của đế chế Assyria hùng mạnh, cưỡi trên lưng ngựa, dưới dẫm đạp lên sư tử trong khi tay đang giương cung tên ngắm bắn vào tên lửa của Mỹ.

Quay trở lại với chuyện về tượng sư tử ở tàn tích Palmyra, Sư tử al-Lat, từ lâu đã trở thành một biểu tượng của đế chế cổ đại Palmyra, và nay thì nhận được sự mến mộ của du khách khắp 5 châu. Những năm 1990, người ta còn tổ chức một cuộc triển lãm ở Đức, mà trong đó đã cho ra mắt các bức tượng thu nhỏ của chú sư tử trên. Nhưng đến năm 2015, bức tượng đã đi vào dĩ vãng.

Vào tháng 5/2015, khi IS đánh chiếm Palmyra, chúng đã cho phá hủy hàng loạt các di tích khảo cổ có giá trị của nhân loại, và trong đó có cả tượng sư tử al-Lat. Khi trở lại tàn tích Palmyra sau này, một số nhà khảo cổ chỉ còn thấy ở nơi trước đây nó đứng một đống đất vụn. Nhiều nhà khảo cổ hiện đã tìm cách khôi phục al-Lat từ khuôn mẫu trước đây, nhưng dù thành công, thì nó cũng chỉ là một bản sao của chú sư tử từng là biểu tượng cho sự bảo vệ của một đế chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người bảo hộ thành Palmyra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO