Philippines: Khủng hoảng Marawi bước sang tháng thứ 3

Linh Chi 24/07/2017 09:30

Hai tháng kể từ khi những kẻ phiến quân Hồi giáo mở đầu cuộc tấn công nhằm vào một trong những thành phố lớn nhất miền Nam Philippines, chiến sự đến nay vẫn tiếp diễn, trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố rằng ông sẵn sàng chờ đợi cả năm để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.

Binh sỹ chính phủ Philippines hộ tống thường dân sơ tán khỏi Marawi. (Nguồn: PhilStar).

Chiến sự chưa dứt

Giới tướng lĩnh cao cấp của Philippines thừa nhận rằng họ đã đánh giá thấp kẻ thù của mình và đang phải vật lộn với chiến dịch tiêu diệt những kẻ phiến quân thân IS để tái chiếm thành phố Marawi.

Hồi cuối tuần qua, giới lập pháp nước này cuối cùng đã phê chuẩn đề xuất kéo dài thiết quân luật mà ông Duterte đang áp dụng trên toàn bộ đảo Mindanao, miền Nam nước này, đến hết năm nay, trao quyền lực lớn hơn cho các lực lượng an ninh để họ có thể tiêu diệt những kẻ phiến quân không chỉ ở Marawi mà trên khắp miền Nam.

Nhưng người ta vẫn chưa rõ Tổng thống Duterte đã lên kế hoạch như thế nào để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan sau khi quân đội của ông tái chiếm được Marawi - nơi chỉ còn 70 tay súng phiến quân cầm cự và từng là một khu vực thương mại hết sức năng động.

Tính đến nay, chiến sự ở Marawi đã khiến trên 500 người thiệt mạng, trong đó gồm 45 thường dân và 105 binh sỹ chính phủ. Sau khi bỏ lỡ nhiều thời hạn chót mà chưa tái chiếm được thành phố này, quân đội Philippines nói rằng các lựa chọn của họ rất hạn chế do phiến quân nắm trong tay nhiều con tin.

Tổng thống Duterte, trong khi đó, đã yêu cầu quân đội tránh gây thương vong đối với thường dân.

“Tôi đã nói với họ là “không tấn công”. Điều quan trọng là chúng tôi không muốn giết nhầm người dân” - Tổng thống Duterte nói - “Nếu chúng tôi phải đợi thêm một năm nữa, thì hãy cứ chờ đợi thôi”.

Miền Nam Philippines trong suốt nhiều thập kỷ qua đã chịu nạn phiến quân nổi dậy và cướp bóc hoành hành. Nhưng mức độ căng thẳng của chiến sự ở Marawi cùng sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài bên cạnh các tay súng phiến quân địa phương đã làm dấy lên nhiều lo ngại rằng khu vực này có thể trở thành một thành trì mới của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Đông Nam Á khi chúng mất dần lãnh thổ ở Iraq và Syria.

Phiến quân đến từ các nước láng giềng, Malaysia và Indonesa, cũng được cho là đang chiến đấu ở Marawi. Hiện có khoảng 5 triệu người Hồi giáo đang sinh sống ở Philippines, chủ yếu là ở Mindanao.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng sau khi tái chiếm được Marawi, chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát khu vực này, mở rộng mạng lưới để phát hiện các trại huấn luyện của phiến quân hay chuyển động của những kẻ này. “Chúng tôi cần trang thiết bị liên lạc, thiết bị liên lạc công nghệ cao để có thể kiểm soát điện thoại di động của kẻ thù. Chúng tôi cũng cần cả máy bay không người lái”, ông Lorenzana nói trước Quốc hội.

Chiến lược tổng thể

Giới chuyên gia an ninh cho rằng chính phủ Philippines cần có một chiến lược tổng thể sau khi đã thất bại trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan ở Mindanao dù đã được cảnh báo từ trước.

“Mọi việc đã thay đổi rất nhiều… đất nước chúng ta cũng cần phải thay đổi” - Rodolfo Mendoza, cựu sỹ quan tình báo cảnh sát kiêm nhà phaant tích, nhận định - “Chúng ta phải chống lại sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố, bằng công tác tình báo và phản gián, ngăn chặn chúng từ gốc rễ”.

Được biết, cuộc tấn công vào Marawi được lên kế hoạch và thực hiện bởi một nhóm khá mới, Dawla Islamiya, hay còn gọi là Maute, tổ chức phiến quân đang mong muốn được IS công nhận là một chi nhánh khu vực của chúng. Cầm đầu bởi một cặp anh em, Maute muốn thành lập một “Wilayat”, hay một tỉnh của IS, ở tỉnh Lanao del Sur, nơi mà chúng đã tham gia vào các cuộc chiến dài ngày với lực lượng chính phủ từ năm 2016.

Cuộc chiến ở Marawi đã được tuyên truyền trên khắp các mạng lưới phiến quân trên thế giới, và giới chuyên gia cho rằng điều này có thể thu hút thêm nhiều chiến binh nước ngoài tới khu vực Đông Nam Á.

“Nó đã tạo cảm hứng cho những kẻ cực đoan trẻ tuổi trên khắp khu vực tham gia vào” - Viện phân tích Chính sách Xung đột (IPAC) nói trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Richard Javad Heydarian, chuyên gia khoa học chính trị thuộc trường ĐH De La Salle ở Manila, nói rằng quân đội Philippines nên tìm cách vô hiệu hóa anh em nhà Maute để ngăn chặn hoạt động chiêu mộ binh sỹ và ngăn chặn những kẻ phiến quân tái lập nhóm. Thêm vào đó, họ cũng nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và Australia, các bên hiện đang hỗ trợ về mặt tác chiến và theo dõi cho Philippines.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Philippines: Khủng hoảng Marawi bước sang tháng thứ 3

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO