Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ căng như dây đàn

03/06/2016 00:19

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Đức đang lao vào tình trạng căng thẳng cực độ sau khi giới lập pháp Đức thông qua một nghị quyết trong hôm 2/6 công nhận cuộc thảm sát người Armenia trong Thế chiến I là hành động diệt chủng, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng cuộc bỏ phiếu sẽ thử thách “tình bạn” giữa Berlin và Ankara.

Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ căng như dây đàn

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng nghị quyết của Đức là thử thách tình bạn giữa hai nước (Nguồn: AP).

Nghị quyết có tên “Tưởng nhớ vụ diệt chủng người Armenia và các cộng đồng thiểu số Thiên chúa giáo trong năm 1915 và 1916”. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức trong thời điểm mà Đức và Liên minh châu Âu (EU) đang phải dựa vào sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết làn sóng người di cư, và cả hai phía đều đang bất đồng trong vấn đề nhân quyền và nhiều vấn đề khác.

Armenia từ lâu đã tìm kiếm sự công nhận của quốc tế về hành động “diệt chủng” này, nhưng chính quyền Ankara đã bác bỏ việc sử dụng cụm từ trên để mô tả vụ việc đã xảy ra hơn một thế kỳ qua và cho rằng đó là một thảm kịch mà trong đó phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mức thương vong tương tự.

Trước khi nghị quyết được thông qua vào chiều 2/6, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng tăng cường sức ép bằng việc cảnh báo rằng nghị quyết của Đức có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa đôi bên. Và chỉ vài giờ trước khi Quốc hội liên bang Đức tổ chức bỏ phiếu, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã nói rằng nó “sẽ là một thử thách tình bằng hữu” giữa hai quốc gia.

“Một số quốc gia mà chúng tôi coi là bạn, khi họ đang gặp khó khăn trong chính sách nội địa, lại cố gắng chuyển sự quan tâm khỏi đó” - ông Yildirim nói - “Nghị quyết này là một ví dụ điển hình”.

Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra một tuyên bố, trong đó nói nghị quyết trên là “không thể chấp nhận được”. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thì cảnh báo rằng việc thông qua nghị quyết này “sẽ làm tổn hại mối quan hệ tương lai - quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị, thương mại và cả quốc phòng - giữa hai nước”.

Thế nhưng, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại ủng hộ nghị quyết này, một người phát ngôn của bà cho hay, dù cho bà không tham gia cuộc bỏ phiếu này. Phó thủ tướng Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steimeier cũng không tham gia cuộc bỏ phiếu.

Một phần trách nhiệm của Đức

Cho đến nay, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bất đồng sâu sắc liên quan đến vụ thảm sát nọ. Phía Armenia nói rằng 1,5 triệu người dân của họ đã bị sát hại trong khoảng 1915 đến 1917. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay nói rằng chỉ có khoảng 300.000 - 500.000 người Armenia thiệt mạng và số lượng tương tự người thiệt mạng đối với phía họ.

Đến nay, có trên 20 quốc gia, trong đó gồm cả Pháp và Nga, đã công nhận vụ thảm sát ở Armenia là hành động diệt chủng.

Đề cập trực tiếp tới hành động diệt chủng đối với người Armenia, nghị quyết của Đức nói rằng: “Số phận của họ đã cho thấy một điển hình về sự hủy diệt, sự thanh trừng và thực chất là hành động diệt chủng”.

Nghị quyết cũng nói rằng “Đức mang một phân trách nhiệm trong các sự kiện đó”, một điểm mà cựu Thủ tướng Đức Joachim Gauck từng nêu ra hồi năm ngoái nhân sự kiện tưởng niệm 100 năm ngày xảy ra vụ thảm sát.

Vấn đề này ngay cả ở nước Đức cũng hết sức nhạy cảm, do nước này đang có mối quan hệ đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia từng giúp họ trong chương trình cung cấp lao động trong khoảng những năm 1960 và 1970. Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, một số tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc biểu tình và gửi thư tới các nhà lập pháp ở Đức để họ bác bỏ nghị quyết này

Cộng đồng người Kurd sinh sống ở Đức còn khơi dậy một chiến dịch đáp trả, trong đó liên tiếp gửi thư điện tử tới Quốc hội Đức để thúc giục họ bỏ qua nghị quyết. Trong khi đó, Tổng thống Armenia Serge Sarkissian cũng nhập cuộc, kêu gọi giới lập pháp Đức giữu vững quan điểm.

“Sẽ là không công bằng nếu như không gọi vụ diệt chủng người Armenia là hành động diệt chủng chỉ bởi nó khiến một cuộc gia khác tức giận” - ông Sarkissian nói với tờ Bild của Đức - “Tôi tin rằng các chính trị gia Đức cũng có quan điểm tương tự và sẽ không bị đe dọa”.

Như đã nói, Nghị quyết gây tranh cãi trên được thông qua trong bối cảnh nước Đức nói riêng và EU nói chung đang phải dựa vào chính Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề khủng hoảng di cư. Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, một số chuyên gia đã bắt đầu thể hiện quan ngại rằng Ankara sẽ phá bỏ thỏa thuận giải quyết khủng hoảng di cư mà họ từng ký kết với EU - một hành động mà Ankara từng dọa dẫm nhiều lần trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ căng như dây đàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO