Quan hệ Mỹ - Triều Tiên: Cuộc khẩu chiến nguy hiểm

Khánh Duy 26/09/2017 20:48

Triều Tiên dường như đã tăng cường phòng thủ ở khu vực bờ biển phía Đông nước này- Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm 26/9 cho hay, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên chiến và rằng họ sẽ bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ bay gần bán đảo Triều Tiên.

Mẫu máy bay ném bom B1-B mà Mỹ triển khai sát bán đảo Triều Tiên (Nguồn: BusinessInsider).

Căng thẳng bắt đầu gia tăng kể từ khi Triều Tiên thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần 6 và là lần mạnh nhất trong hôm 3/9, tuy nhiên khẩu chiến căng thẳng giữa Mỹ và nước này gia tăng trong những ngày gần đây.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nói rằng các bình luận trên Twitter của ông Trump, trong đó nói rằng ông Ri và lãnh đạo Kim Jong-un “sẽ không tồn tại lâu” nếu hành động như đe dọa, là một lời tuyên bố chiến tranh và rằng Bình Nhưỡng có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả.

Ngăn chặn việc sử dụng vũ lực

Hãng thông tấn Yonhap cho rằng Triều Tiên cũng đang tăng cường phòng thủ bằng cách di chuyển máy bay chiến đấu tới bờ biển phía Đông và đang đưa ra nhiều biện pháp khác sau khi các máy bay ném bom của Mỹ bay sát bán đảo Triều Tiên vào thời điểm cuối tuần qua.

Báo cáo chưa được xác nhận của Yonhap nói rằng Mỹ dường như đã công bố tuyến đường bay của các máy bay ném bom này một cách có chủ đích bởi phái Triều Tiên dường như không nắm được. Hiện Cơ quan tình báo Hàn Quốc vẫn chưa thể xác nhận thông tin này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ri nói rằng Triều Tiên có quyền đưa ra biện pháp đáp trả, trong đó bao gồm bắn hạ các máy bay ném bom của Mỹ.

“Toàn thế giới nên nhớ rằng chính Mỹ là bên đầu tiên tuyên bố chiến tranh đối với đất nước chúng tôi”- ông Ri Yong Ho nói trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ tại New York hôm đầu tuần.

Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói rằng một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên sẽ không có bên chiến thắng.

“Chúng tôi hy vọng rằng giới chính trị gia Mỹ và Triều Tiên có đủ đánh giá chính trị để nhận thức rằng sử dụng vũ lực quân sự sẽ không bao giờ là một cách để giải quyết vấn đề Triều Tiên và các mối quan ngại của họ”- ông Lục Khảng nói.

Trong khi kêu gọi tổ chức đối thoại để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc cũng tuân thủ Nghị quyết trừng phạt mà LHQ áp đặt đối với Triều Tiên.

Tại Moscow, Bộ Ngoại giao Nga cho hay họ đang làm việc để tìm kiếm một giải pháp chính trị và rằng việc sử dụng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên phần lớn là rất mệt mỏi.

Trong chuyến công du Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng các nỗ lực ngoại giao để giải quyết khủng hoảng vấn tiếp diễn.

“Các bạn đã thấy các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua trong đó tăng sức ép kinh tế và ngoại giao với Triều Tiên, cùng lúc chúng tôi vẫn duy trì khả năng ngăn chặn những mối đe dọa nguy hiểm nhất từ Triều Tiên”- ông Mattis nói trước báo giới tại New Delhi.

Rủi ro tính toán sai lầm

Các máy bay ném bom B-1B Lancer của không quân Mỹ, được hộ tống bởi phi cơ chiến đấu, đã bay qua phía Đông của Triều Tiên trong một hành động phô trương sức mạnh sau một cuộc khẩu chiến căng thẳng giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Vụ thử hạt nhân diễn ra hôm 3/9 của Triều Tiên đã khiến nước này bị áp đặt thêm lớp lệnh trừng phạt mới, sau khi Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua một nghị quyết lên án vụ thử này.

Triều Tiên nói rằng họ cần chương trình vũ khí để tự vệ trước cuộc xâm lược của Mỹ và thường xuyên đe dọa tiêu diệt Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, các luận điệu đe dọa giữa hai bên đã lên tới mức độ bất bình thường, làm dấy lên lo ngại rằng cả hai phía có thể tính toán sai lầm, dẫn tới xung đột.

Tuần trước, lời đe dọa tiêu diệt hoàn toàn Triều Tiên, đất nước gồm 26 triệu dân, mà Tổng thống Trump đưa ra đã lập tức bị lãnh đạo Kim Jong-un đáp trả kịch liệt.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, H R McMaster đã bảo vệ tuyên bố của ông Trump, và nói rằng ông đồng tình rằng rủi ro trong tình huống này là lãnh đạo Kim Jong-un có thể chưa nhận ra sự nguy hiểm mà ông và đất nước ông phải đối mặt. Tuy nhiên, ông McMaster cũng thừa nhận rằng sẽ có rất nhiều rủi ro nếu như Mỹ đưa ra các lựa chọn quân sự.

“Chúng tôi không nghĩ rằng có một giải pháp quân sự đơn giản cho vấn đề này”- ông McMaster, người tin vào nỗ lực quốc tế để giải quyết khủng hoảng Triều Tiên nói và thêm rằng “Một cuộc tấn công chính xác không thể giải quyết vấn đề, hay một cuộc vây hãm quân sự cũng vậy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ Mỹ - Triều Tiên: Cuộc khẩu chiến nguy hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO