Thổ Nhĩ Kỳ cố tình gây căng thẳng với Nga?

Khánh Duy 15/12/2015 09:13

Sự việc mới xảy ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegea mà trong đó một tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ khiêu khích một chiến hạm Nga, thông thường có thể được xem là một tai nạn. Nhưng trong bối cảnh vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ hồi tháng trước, thì sự việc lại được coi là một hành động khiêu khích; theo một tướng lĩnh quân đội Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ cố tình gây căng thẳng với Nga?

Khu trục hạm tên lửa định hướng Smetlivy của Nga
buộc phải bắn cảnh cáo để tránh va chạm tàu Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: RT).

Sau vụ việc máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ trên không phận Syria hôm 24/11, căng thẳng liên tục gia tăng giữa Moscow và Ankara mà chủ yếu do các hành động của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại cần phải gia tăng căng thẳng với nước Nga, một trong những đối tác lớn nhất của họ? Theo ý kiến chuyên gia, tất cả mọi chuyện đằng sau nó đều là vì các lợi ích về mặt chính trị.

Theo vị quan chức quân đội đã nghỉ hưu của Nga - Thượng tướng Leonid Ivashov - chính quyền Ankara đang cố gắng gia tăng căng thẳng với Moscow nhằm làm giảm uy tín và giảm sự ủng hộ của công chúng đối với nước Nga, đồng thời củng cố quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong khối NATO. Và sự việc mới đây nhất chính là một kế hoạch được vạch sẵn để giúp Ankara đạt được mục đích đó.

“Tôi cho rằng kế hoạch này có thể được vạch sẵn bởi đội ngũ cố vấn của ông Erdogan nhằm đẩy Nga vào chỗ trở thành kẻ hung hăng trong con mắt cộng đồng quốc tế, nếu như sự việc vừa qua trở thành một thảm họa” - trả lời phỏng vấn trên REN TV, ông Ivashov nói thêm rằng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hưởng lợi nếu như sự việc trên diễn ra theo hướng xung đột.

Hôm Chủ nhật vừa qua (13/12), tàu khu trục tên lửa định hướng Smetlivy của Nga, đang neo đậu gần khu vực đảo Lemnos của Hy Lạp, đã buộc phải bắn nhiều phát cảnh cáo nhằm tránh va chạm với một tàu cá đang áp sát họ. Các phát bắn cảnh cáo được đưa ra như một biện pháp cuối cùng, do tàu cá của phía Thổ Nhĩ Kỳ không đáp trả các nỗ lực liên lạc bằng điện đài, thậm chí cố tình phớt lờ pháo sáng của chiến hạm Smetlivy.

Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga đã cảnh báo phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ về “khả năng xảy ra các hậu quả gây tổn hại do các hành động của Ankara đối với quân đội Nga, trong đó có cả chiến dịch quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria”.

“Các mối quan ngại sâu sắc đã được đưa ra sau một hành động khiêu khích khác của phía Thổ Nhĩ Kỳ đối với tàu tuần tra Smetlivy của Nga trên biển Aegea. Sự việc đã buộc tàu Smetlivy phải bắn cảnh báo nhằm tránh bị va chạm với tàu Thổ Nhĩ Kỳ” - Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Sự việc trên biển Aegea đã trở thành một sự việc nghiêm trọng. Nếu như các ngư dân có mặt trên tàu cá này bị thương vong, có khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ có cớ để đưa ra một hành động đáp trả nào đó với phía Nga mà ông này cho là cần thiết.
Giới chuyên gia nhận định, trong trường hợp đó, có khả năng ông Erdogan sẽ đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hết sức mạnh tay, như có thể đóng cửa eo biển Bosporus và Dardanelles đối với các tàu của Nga.

Sự việc hôm Chủ nhật vừa qua là động thái mới nhất trong số hàng loạt các bê bối mà Thổ Nhĩ Kỳ vướng phải trong thời gian qua. Các vụ bê bối đó bao gồm cả việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom của Nga đang không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên không phận Syria, bị tố mua bán dầu mỏ “bẩn” với IS và đơn phương điều quân lực sang lãnh thổ nước láng giềng Iraq.

Hôm 24/11, một phi cơ chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga và cho rằng máy bay Nga đã vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Nga sau đó đưa ra bằng chứng cho thấy Su-24 không hề băng qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phi công còn sống sót xác nhận rằng họ không hề nhận được bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào từ lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 12, chính quyền Ankara tiếp tục điều lực lượng binh sỹ cùng xe tăng và pháo kích sang tỉnh Nineveh của Iraq, mà theo họ nói là để huấn luyện các chiến binh người Kurd chống tổ chức khủng bố IS. Đây là hành động đơn phương mà không hỏi ý kiến hoặc thông báo trước cho chính quyền Baghdad. Chính quyền Iraq sau đó thúc giục Ankara lập tức rút lực lượng này khỏi khu vực miền Bắc Iraq và tránh lặp lại các hành động trên trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thổ Nhĩ Kỳ cố tình gây căng thẳng với Nga?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO