Tổng thống Mỹ củng cố quan hệ đồng minh với các nước Arab

Khánh Duy 21/05/2017 18:33

Tại quốc gia nơi có vùng đất thiêng liêng nhất của cộng đồng người Hồi giáo, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng bậc nhất từ trước đến nay của mình để kêu gọi sự đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cùng lúc thúc đẩy xây dựng mối quan hệ với các lãnh đạo Arab.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Nhà vua Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa tại Riyadh. (Nguồn: AP).

Trong hôm 21/5, ngày thứ hai trong chuyến công du đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ rằng ông đã đạt được bước tiến trong thỏa thuận với các nước Vùng Vịnh về vấn đề cấp vốn cho chiến dịch chống khủng bố.

Trong một biên bản ghi nhớ ký kết với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh công bố tại Arab Saudi, các bên có mặt đã cam kết sẽ cắt đứt nguồn tài chính tuồn cho chủ nghĩa khủng bố, bao gồm cả từ các cá nhân.

Phía Nhà Trắng không lập tức công bố tài liệu này, tuy nhiên cố vấn Dina Powell cho hay bà hy vọng thỏa thuận ký kết với Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và UAE này sẽ “cam kết toàn diện nhất trong việc cắt đứt nguồn tài chính cho các tổ chức khủng bố”.

Bài phát biểu của Tổng thống Trump, được xem là tâm điểm của chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Arab Saudi, sẽ được phát đi trước lãnh đạo của 50 quốc gia Hồi giáo để tuyên bố về thách thức đến từ chủ nghĩa cực đoan và thúc giục giới lãnh đạo Arab “quét sạch những kẻ khủng bố”; theo AP

Tổng thống Trump, người từng đưa ra những luận điệu phản đối người Hồi giáo trong chiến dịch tranh cử của mình, sẽ phải dịu giọng trong chuyến công du này.

Bài phát biểu đoàn kết cộng đồng Hồi giáo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang làm mới mối quan hệ với các đồng minh Arab, và ông Trump trước đó đã gặp gỡ với nhiều lãnh đạo của các quốc gia này, trong đó có cả Ai Cập và Qatar, trước khi tham gia đàm phán bàn tròn với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.

Trong hôm Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Trump cũng có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Ông El-Sisi đã có lời mời ông Trump tới thăm Ai Cập, thêm rằng: “Ông mang một cá tính đặc biệt mà có khả năng làm được những điều không thể”. Ông Trump đáp lại: “Tôi đồng ý”.

Tuy nhiên, đây sẽ là chuyến đi đầy khó khăn với ông Trump bởi ông dường như không phải một sứ giả hợp lý để trao cành ô liu cho thế giới Hồi giáo.

Trong chiến dịch của mình, ông Trump từng nói rằng: “Tôi nghĩ người Hồi giáo ghét chúng ta”. Và chỉ một tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông đã ký kết một chỉ thị cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn - gồm Iran, Iraq, Syria, Sudan, Libya, Somalia và Yemen - đến nước Mỹ, một quyết định làm dấy lên các cuộc biểu tình tại sân bay trên khắp nước Mỹ và cả bên ngoài Nhà Trắng.

Lệnh cấm sau đó bị các tòa án trong nước Mỹ chặn lại, và một chỉ thị thứ hai sau đó loại bỏ Iraq khỏi danh sách cấm, cũng bị tòa án liên bang chặn lại.

Giới chức Nhà Trắng cho hay họ xem chuyến công du của ông Trump, và bài phát biểu quan trọng của ông, là một đối trọng với bài phát biểu ra mắt của Tổng thống Barack Obama trước kia tới thế giới Hồi giáo năm 2009 ở Cairo, Ai Cập.

Lúc bấy giờ, Tổng thống Obama từng kêu gọi sự thấu hiểu lẫn nhau và cả một số sai lầm của nước Mỹ trong khu vực. Bài phát biểu đó từng bị nhiều đảng viên Cộng hòa cùng một số đồng minh Mỹ ở khu vực Trung Đông chỉ trích là có hơi hướng một lời xin lỗi.

Kể từ đó, giới lãnh đạo Arab Saudi tỏ ra lạnh nhạt với ông Obama, và Nhà vua Salman của nước này thậm chí còn không đón tiếp ông ở sân bay trong chuyến thăm cuối cùng trước khi hết nhiệm kỳ.

Nhưng trong hôm thứ Bảy tuần trước, Nhà vua 81 tuổi này, dù phải chống gậy, vẫn đi bộ dọc tấm thảm đỏ để đón tiếp Tổng thống Trump tới thăm Arab Saudi. Trong một buổi lễ đón tiếp tại Cung điện Hoàng gia, Nhà vua còn trao tặng Tổng thống Trump chiếc vòng Abdulaziz al Saud, một sự vinh danh ở mức độ cao nhất.

Chặng dừng chân tại Arab Saudi đã đánh dấu bước khởi đầu trong chuyến công du đầy tham vọng qua 5 quốc gia cả ở Trung Đông và châu Âu của Tổng thống Trump. Ông là vị Tổng thống Mỹ duy nhất lựa chọn Arab Saudi - hay bất kỳ quốc gia tập trung đông người Hồi giáo nào - làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Tổng thống Trump tới thủ phủ Riyadh của Arab Saudi trong lúc đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ sau quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey cùng cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc các cố vấn của ông liên hệ với giới chức Nga. Và chuyến công du lần này được xem là cơ hội hiếm hoi để ông xoay chuyển tình hình hỗn loạn trong nước.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ rời khỏi Arab Saudi, nơi có thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo, vào sáng ngày 22/5 để tới chặng dừng chân tiếp theo, Israel.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Mỹ củng cố quan hệ đồng minh với các nước Arab

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO