Tranh cử Tổng thống Mỹ: Đầu tiên là tiền đâu?

Hoàng Oanh 16/03/2016 09:05

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang ở trong giai đoạn quan trọng nhất trước khi bước vào cuộc đấu cuối. Sau ngày “siêu thứ Ba” (năm  nay đúng vào ngày 1/3) và “siêu thứ Bảy” (5/3), hai ứng cử viên vượt lên trước các “đồng chí” ở hai đảng là tỉ phú Donald Trump (Cộng hòa) và cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton (Dân chủ). Đối với cả hai ứng cử viên này, việc đáng quan tâm hơn cả là làm sao huy động được những nguồn lực mới để có thể tiến hành vận động tranh cử một cách hữu hiệu nhất.

Tranh cử Tổng thống Mỹ: Đầu tiên là tiền đâu?

Hai ứng cử viên đứng đầu cuộc đua tranh cử vào Nhà Trắng
Hillary Clinton (đảng Dân chủ) và Donald Trump (đảng Cộng hòa).

Theo tạp chí Forbes, năm nay, cách “làm tiền” của các ứng cử viên tổng thống Mỹ có nhiều điểm đổi mới khác trước. Thí dụ, bà Clinton đang rất chú trọng tới việc tổ chức các buổi dạ hội thượng lưu với giá vé vào cửa từ 10 nghìn tới 30 nghìn USD. Trong trường hợp của bà, hình thức thu ngân này rất có triển vọng vì hiện không ít người muốn bỏ từng ấy tiền ra để có cơ hội được trò chuyện và cùng chụp ảnh với cựu đệ nhất phu nhân kiêm cựu ngoại trưởng. Điều này cho thấy, danh vị, kinh nghiệm quá khứ và các mối quan hệ là những yếu tố quan trọng trong quá trình thu hút những mạnh thường quân.

Tuy nhiên, đó không phải là những yếu tố chủ đạo duy nhất. Giới tinh hoa tài chính và các công ty liên lục địa sẵn sàng nới hầu bao cho cả những ứng cử viên chưa có danh phận lớn nếu như họ lại là “người của công chúng”, được các tầng lớp xã hội rộng rãi quan tâm tới. Sau khi ứng cử viên Bernie Sanders giành được thắng lợi ở bang New Hampshire trong ngày “siêu thứ Ba”, ủy ban vận động bầu cử của ông đã nhận được khá nhiều tiền ủng hộ từ các cá nhân cũng như từ các nhóm lợi ích khác nhau. Chính điều này đã giúp ông trong ngày “siêu thứ Bảy” (5-1) giành được thắng lợi trước bà Hillary Clinton tại bang Kansas và Nebraska. Tại bang thứ ba mà đảng Dân chủ tiến hành bỏ phiếu trong ngày “siêu thứ Bảy”, Louisiana, bà Clinton đã giành được chiến thắng với 71% số phiếu ủng hộ. Như vậy là khoảng cách giữa cựu đệ nhất phu nhân với ông Sanders đã bị rút ngắn nhưng vẫn ở mức khá xa, khiến cho hy vọng làm ứng cử viên tổng thống từ phía đảng Dân chủ của ông nghị sĩ vẫn khó có thể trở thành hiện thực.

Thực tế cho thấy, những ứng cử viên tổng thống Mỹ ở độ tuổi còn tương đối trẻ và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm cạnh tranh trên chính trường thường cố gắng nhận được thêm nguồn tài chính từ Quỹ vận động tranh cử tổng thống của nhà nước. Tuy nhiên, nguồn tiền này không đóng vai trò quan trọng trong bầu cử. Đạo luật liên bang năm 1971 đã đề ra những yêu cầu khá ngặt nghèo cho các ứng cử viên muốn được hỗ trợ tài chính. Họ cần phải trình bản báo cáo chi tiết về những gì đã thu nhận được, trong đó phải chỉ rõ tên các cá nhân hay tổ chức đóng vai trò mạnh thường quân. Yêu cầu này khiến nhiều người e ngại. Thứ nhất, đó là vì hỗ trợ của Qũy luôn là quá ít so với những đóng góp từ các cá nhân, hơn nữa, tài trợ liên bang lại không bao giờ được tính theo tỉ lệ lạm phát. Thứ hai, những nhà tài trợ hậu hĩnh nhất luôn muốn được ẩn danh. Thứ ba, luật pháp Mỹ buộc các ứng cử viên phải hạn chế chi phí cho các cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở từng bang.

Tại Mỹ hiện đang hoạt động ba liên minh lớn cho phép giới tinh hoa doanh nghiệp tài trợ cho các chiến dịch vận động tranh cử: Hiệp hội Quốc gia các doanh nhân (NAM - National Associations of Manufactures), Hội Thương gia (CC - Chamber of Commerce) và Bàn tròn kinh doanh (BRT - Business Roundtable). Các tổ chức này giúp xác định ứng cử viên mà cơ hội đầu tư có thể mang lại nhiều triển vọng nhất. Mỗi một tổ chức xây dựng một hệ thống khách hàng riêng ở nhiều cấp: super top priority là các công ty xuyên lục địa với đóng góp từ 2 triệu USD trở lên, top priority là các doanh nghiệp lớn với đóng góp từ 300 nghìn USD trở lên và middle priority là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với đóng góp từ 80 nghìn USD trở lên.

Tiếp cận trực tiếp với khách hàng của top priority được thực hiện thông qua Ủy ban liên hợp hành động chính trị mà trong khuôn khổ của nó có một nhóm chuyên gia nghiên cứu và phân tích các ứng cử viên tổng thống. Về phần mình, các khách hàng từ top priority và middle priority tiến hành các đầu tư tài chính qua các ủy ban của Bàn tròn Thương mại. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của NAM, CC và BRT đã thành lập các ủy ban đặc biệt khác nhau cho những xu thế khác nhau. Ngoài ra, NAM và CC có thể tự tổ chức các nhóm lobbi cho khách hàng. Các cuộc thương lượng đã dẫn tới việc thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất chất bán dẫn (Semiconductor Industry Association), hiện đang là một trong những nhà tài trợ hùng hậu nhất cho đảng Cộng hòa. Cũng theo cách tương tự đã thành lập Hiệp hội Quốc gia các nhà đầu tư bất động sản, Liên hiệp hội các nhà xây dựng và Ủy ban Quốc gia hỗ trợ cho các nhà kinh doanh xe hơi…

Việc tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử của đại đa số các ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay đang được thực hiện thông qua các ủy ban đặc biệt của NAM. Theo số liệu của Trung tâm chính trị có trách nhiệm, những mạnh thường quân lớn nhất của bà Hillary Clinton - là các hãng Emily's List, Citigroup Inc., DLA Piper, Goldman Sachs, Facebook, Microsoft, JPMorgan Chase&Co – đã thổi vào quỹ vận động tranh cử của bà hơn 400 triệu USD.

Giữ khoảng cách đối với các nhà tài trợ lớn, đó là nhu cầu chính trị bắt buộc đối với bất cứ một người Dân chủ nào, về mặt chính thức luôn phải định hướng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ. Rất khó lý giải với cử tri về việc có thể cùng một lúc lên tiếng phê phán phố Wall vừa nhận tiền từ các công ty liên lục địa.

Bà Clinton còn nhận tiền theo sơ đồ “Tiền công ty” (firm cash) – đó là khi ứng cử viên đăng ký quỹ tranh cử của mình với tư cách khách hàng của một hãng luật chuyên về dịch vụ lobbi. Chiến lược tài chính cho ủy ban tranh cử của bà Clinton được xây dựng nhờ những gương mặt hàng đầu của hãng K.Street như Tony Podesta, Steve Emlendorf và Dick Gephardt. Thực chất là, những nhà tài trợ có thể đăng ký như những khách hàng muốn được lobbi, còn công ty sẽ thuê bà Hillary Clinton như một nhà tư vấn cho khách hàng mới đó. Và như vậy công ty có thể chuyển số tiền thu được vào quỹ vận động tranh cử của bà cựu đệ nhất phu nhân như những khoản đóng góp mà không vi phạm đạo luật liên bang về điều chỉnh hoạt động lobbi. Cũng theo cách đó, Podesta và Emlendorph chỉ trong vòng hai tháng đã thu thập được cho bà Clinton hơn 700 nghìn USD…

Các ứng cử viên Cộng hòa Ted Cruz và Marco Rubio đã nhận tài trợ trực tiếp từ các mạnh thường quân top priority thông qua hai ủy ban then chốt của NAM và ba ủy ban của CC. Đảng Cộng hòa ít quan tâm hơn tới việc những khoản đóng góp lớn được tiếp nhận thế nào trong dư luận xã hội rộng rãi. Trong thời gian gần đây, nhiều người Cộng hòa sử dụng hệ thống tài trợ đan xen dưới dạng nhận đóng góp đầu tư từ các mạnh thường quân. Trong quá trình này ngân hàng có thể đóng vai trò môi giới giữa tổ chức với các ứng cử viên, cũng như với vai trò nhà tài trợ có quyền lợi. Thí dụ như hãng Abraxas Petroleum đã chuyển tiền vào quỹ vận động tranh cử của thượng nghị sĩ Ted Cruz dưới dạng tiền đầu tư thông qua Plainscapital Bank. Và một trong những ngân hàng lớn nhất ở Maiami đã mở cho Marko Rubio nguồn cho vay đầu tư trị giá 2,8 triệu USD. Người dẫn đầu vòng bỏ phiếu sơ bộ trong Đảng Cộng hòa Donald Trump hiện sử dụng cả những khả năng của NAM lẫn hệ thống cho vay đầu tư. Ưu thế của tỉ phú này là khả năng tự bỏ tiền túi ra để chạy mà không phải vay nợ bất kỳ công ty hay tổ chức nào. Về bản chất, các nhà quản lý từ các công ty của Trump đăng ký tại các ủy ban của NAM và CC rồi chuyển tiền thẳng cho chiến dịch vận động tranh cử của sếp mình. Tỉ phú cũng bằng cách tương tự đã nhận được khoản cho vay đầu tư để thanh toán chi phí cho thời gian lên sóng.

Một nguồn đầu tư khác, đó là các nhóm sắc tộc. Trong ba thập niên gần đây các ứng cử viên của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ những cộng đồng sắc tộc có ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ, như người gốc Ireland, gốc Italia, gốc Do Thái, gốc Armenia, gốc Hy Lạp, gốc Ba Lan, gốc Cuba và gốc Hoa. Các ứng cử viên thường xuyên gặp gỡ với thủ lĩnh của các tổ chức sắc tộc và các nhóm lợi ích lớn để bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với họ. Khác với các nguồn tài trợ, các tổ chức sắc tộc đảm bảo cho các ứng cử viên những khoản “tiền mềm” (soft money). Họ chuyển tiền vào quỹ đảng mà họ đã ký thỏa thuận về việc chuyển tiếp những khoản tiền đó tới ứng cử viên cụ thể. Trong quá trình này, quỹ đảng giữ lại cho mình 20% khoản đóng góp rồi phần còn lại chuyển tiếp trong vòng 7 tháng.
Trong mười năm gần đây, các ứng cử viên của cả hai đảng đều tích cực sử dụng cơ chế “tiền độc lập”, khi các nhà tài trợ mua cho các ứng cử viên thời gian lên sóng truyền hình và tiền tài trợ cho các bài báo trên báo in và tạp chí. Trong tu chính số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ có quy định rằng bất cứ một công dân hay một nhóm người nào cũng đều có quyền bỏ ra chi phí cho việc phổ biến các quan điểm chính trị của mình.

Tuy nhiên, việc tồn tại các nguồn tài trợ khác nhau cũng làm nảy sinh những vấn đề. Thí dụ, lãnh đạo một công ty lớn có thể cùng một lúc lại là người tài trợ cho lobbi sắc tộc. Trong những trường hợp như thế, vai trò cá nhân sẽ gia tăng trong việc thông qua quyết định. Trong khoa học chính trị Mỹ hiện tượng bất thường này được gọi là mâu thuẫn quyền thành viên đan xen (overlapping membership). Thí dụ như từ năm 1974, công ty liên lục địa MetLife đã nhất quán ủng hộ những người Cộng hòa và tài trợ cho đảng này trong các cuộc bầu cử cả ở cấp liên bang lẫn cấp địa phương. Thế nhưng, từ năm 2004, vị chủ tịch mới của hãng là Steven Kandarian đã chuyển những khoản tài trợ lớn cho quỹ của ứng cử viên Dân chủ John Kerry. Các phương tiện truyền thông Mỹ lý giải sự việc này là vì Kandarian là người gốc Armenia và thất vọng trước việc vị tổng thống thứ 43 George Bush chần chừ không chịu công nhận nạn diệt chủng đối với người Armenia.

Cũng từng xảy ra những vụ bê bối nghiêm trọng. Thí dụ trước khi diễn ra chiến dịch năm 1980, thủ lĩnh Ủy ban Mỹ -Israel về các vấn đề xã hội (AIPAC), Tim Wuliger, đã tuyên bố rằng tổ chức này kiểm soát 2 triệu người gốc Do Thái chắc chắn sẽ ủng hộ người Cộng hòa. Việc đó đã dẫn tới làn sóng phản đối của cộng đồng người gốc Do Thái ở Mỹ ở khắp cả nước khiến ông này bị mất chức chủ tịch AIPAC vào năm 1981.

Ít gây ra vấn đề hơn trong việc tài trợ cho các ứng cử viên là ở nhóm “một lợi ích” (single-issue party). Những nhóm này này hoạt động độc lập và không nhờ cậy ở sự hợp tác với NAM và CC. Thành viên của các nhóm này thường là các cựu chính trị gia có thế lực. Một thí dụ điển hình của dạng nhóm như thế là Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA - National Rifle Association), tập trung khá đông những người Cộng hòa từng là quan chức cao cấp trong bộ máy hành pháp và lập pháp.

Có thể thấy rằng, sự gia tăng chóng mặt chi phí cho các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ càng làm bền chắc hơn hệ thống chính trị hai đảng. Trong điều kiện hiện nay, khi những nhà tài trợ chủ yếu lựa chọn giữa những người Cộng hòa và Dân chủ, cơ hội của các lực lượng chính trị khác (độc lập) luôn trở thành tối thiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh cử Tổng thống Mỹ: Đầu tiên là tiền đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO