Trung Đông lại nóng

Thế Tuấn 31/05/2020 06:00

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez (bang New Jerrsey) ngày 27/5 tiết lộ, chính quyền Mỹ đang tìm cách bán hàng nghìn bom dẫn đường chính xác cho Saudi Arabia và muốn sớm hoàn tất hợp đồng này. Theo ông, một năm sau thương vụ bán vũ khí gây tranh cãi, không có lý do nào để Mỹ tiếp tục bán bom cho chính quyền Riyadh.

Trung Đông lại nóng

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman tại Nhà Trắng ngày 14/3/2017.

Đáng chú ý, trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối giải trình về thương vụ mua bán vũ khí mới này. Theo giới quan sát, “thương vụ” này cần phải đặt trong bối cảnh “thương vụ” hồi năm ngoái và gắn với việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick (hôm 15/5).

Theo CNN và Washington Post, “ông Linick đã gần hoàn thành vụ điều tra về sự can dự của ông Pompeo (Ngoại trưởng Mỹ) hồi tháng 5/2019, tìm cách vượt mặt Quốc hội để bán hàng tỉ USD vũ khí cho một số nước, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương Quốc Arab thống nhất (UAE).

Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã ra sức ngăn chặn hợp đồng bán vũ khí cho các đối tác Trung Đông. Nhưng rồi Tổng thống Trump lấy lý do căng thẳng leo thang với Iran khiến ông thực hiện hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia.

Được biết, thời gian qua, doanh số bán vũ khí thế giới tăng mạnh, trong đó nhà sản xuất Mỹ chiếm 59% (tính đến hết năm 2019). Theo báo cáo do Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh số bán vũ khí trên thị trường toàn cầu đã tăng gần 5% trong năm 2018, trong đó Mỹ là quốc gia đóng vai trò chủ đạo. Báo cáo nêu rõ doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đã lên đến 420 tỷ USD, trong đó riêng các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ chiếm tới 59% thị trường với tổng doanh thu lên đến 246 tỷ USD.

Cũng cần biết rằng, doanh số bán vũ khí của Mỹ vượt xa các nước “bám đuổi”. Cụ thể: Nga hiện là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất vũ khí, chiếm 8,6% thị trường, xếp trên Vương quốc Anh (với 8,4%) và Pháp (5,5%).

Trở lại việc ông Trump muốn đẩy nhanh hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia, người ta nhớ lại việc chính Tổng thống Mỹ đã phủ quyết dự luật quan trọng về Iran (hôm 6/5/2020). Theo đó, ông Trum đã phủ quyết dự luật được lưỡng viện Quốc hội nước này thông qua nhằm hạn chế khả năng Tổng thống phát động chiến tranh chống Iran. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Trump phát động chiến dịch gây sức ép tối đa với nước Iran.

Trong một tuyên bố do Nhà Trắng công bố, ông Trump nêu rõ đây là dự luật do đảng Dân chủ đề xuất nhằm gây chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới.

Trước đó, sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 3, dự luật trên đã được Thượng viện thông qua với 53 phiếu thuận và 47 phiếu chống.

Theo dự luật, Tổng thống sẽ không được sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Iran khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội. Đây là một trong những nghị quyết hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng tại Mỹ.

Phe Dân chủ cho rằng việc Tổng thống Trump ra lệnh sát hại Tướng Qassem Soleimani của Iran khiến hai bên gia tăng căng thẳng và có thể dẫn tới một cuộc xung đột sâu rộng hơn.

Theo Đạo luật quyền lực chiến tranh của Mỹ ra đời năm 1973, chính phủ cần thông báo cho quốc hội về những hành động quân sự lớn. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng việc ông chỉ thị tiến hành cuộc không kích tại sân bay Iraq khiến tướng Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng mà không thông báo hay tham vấn Quốc hội là hợp pháp.

Tuy nhiên, dù có một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật trên nhưng Quốc hội Mỹ khó có thể đạt được 2/3 số phiếu cần thiết để vượt qua sự phủ quyết của Tổng thống.

Tới nay, tình hình Trung Đông vẫn “như thùng thuốc súng” với những âm ỉ bùng phát rất khó lường. Việc một quốc gia nào đó trong vùng trang bị thêm vũ khí, hoặc ngược lại- bị hạn chế vũ khí thì cũng đều là chỉ dấu quan trọng cho thấy nguy cơ đến từ vùng đất vốn dĩ đã không bình yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Đông lại nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO