Sửa Luật Kiểm toán nhà nước để chống trốn thuế, chuyển giá

Nguyễn Thúy – L.H. 01/03/2019 07:00

Đây là nội dung được các đại biểu đề xuất tại Hội thảo về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 28/2. Theo Kiểm toán Nhà nước, sửa luật không có nghĩa là Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ những doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá mới rơi vào tầm ngắm.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, trong năm 2018 (thời điểm đến ngày 31/12/2018), kết quả kiểm toán đối với 248/276 báo cáo kiểm toán phát hành, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu NSNN 20.518 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.447 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 45.134 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế (có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện). Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco,… truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đại diện KTNN cho biết, công tác kiểm toán gặp không ít khó khăn đơn cử như khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3 - các đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản, khai thác khoáng sản,…), KTNN phải thực hiện thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên môi trường). Song, do nhận thức và áp dụng pháp luật của một bộ phận chưa thống nhất nên quan niệm khi không là đơn vị được kiểm toán thì không chịu sự kiểm toán của KTNN. Chính vì vậy KTNN đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu…

Thực tế thi hành công tác kiểm toán những năm qua cho thấy, đã có những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó các hành vi vi phạm là không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi phạm luật về tài chính, ngân sách; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN.

Bên cạnh đó, Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, sau 3 năm thi hành, Luật bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, liên quan đến các vấn đề như: Tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng; việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, kiểm toán viên nhà nước dưới dạng dữ liệu điện tử… Do đó, Dự luật cũng đề xuất cần có chế tài với hành vi không thực hiện kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó Dự thảo Luật cũng đưa ra nhiều thay đổi khác như bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng hay quy định để hạn chế tình trạng chồng chéo giữa thanh, kiểm tra với kiểm toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa Luật Kiểm toán nhà nước để chống trốn thuế, chuyển giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO