Từ ngày 1/7, thêm hình thức kỷ luật công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Theo Nguoiduatin 04/03/2020 08:22

Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020.

Từ ngày 1/7, thêm hình thức kỷ luật công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Ảnh minh họa.

Thay đổi cách xếp loại chất lượng công chức

Hiện tại, theo Điều 58 Luật Cán bộ, công chức hiện hành, công chức được đánh giá theo 4 mức sau:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

- hoàn thành tốt nhiệm vụ

- Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực

- Không hoàn thành nhiệm vụ

Đặc biệt, cơ quan, đơn vị, tổ chức hoàn toàn có thẩm quyền bố trí công tác khác cho công chức:

- Có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực

- Có 2 năm liên tiếp trong đó có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ

Tuy nhiên, đến 1/7/2020, khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi chính thức có hiệu lực thì điều này đã thay đổi. Mặc dù vẫn căn cứ vào kết quả đánh giá để xếp loại chất lượng công chức và vẫn có 4 mức nhưng nội dung xếp loại lại được sửa đổi khác.

Theo đó, vẫn giữ nguyên việc đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ riêng nội dung "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực" đã được sửa đổi thành “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngoài ra, kết quả xếp loại không chỉ được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức đó mà còn được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đó công tác.

Quy định này nhằm bảo đảm tính công bằng, công khai trong việc đánh giá, xếp loại công chức, tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ công chức.

Thêm hình thức kỷ luật công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Theo quy định hiện nay, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp có thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết cho thôi việc (khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức).

Tuy nhiên, để quy định cụ thể hơn cho từng đối tượng công chức, Luật sửa đổi đã phân chia từng hình thức kỷ luật với từng loại công chức.

Cụ thể, tại khoản 12 Điều 1 Luật này nêu rõ:

- Công chức có 2 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc.

- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 2 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm bị xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ: Bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại.

- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ba năm có 2 năm không liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí đang đảm nhiệm: Bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.

Như vậy, có thể thấy, từng đối tượng công chức sẽ áp dụng hình thức kỷ luật riêng. Từ 1/7/2020, khi không hoàn thành nhiệm vụ, công chức ngoài hình thức kỷ luật thôi việc, tùy vào trường hợp cụ thể còn có thể bị bố trí công tác khác, không bổ nhiệm lại…

Tăng thời gian xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức

Theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức hiện hành thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định tăng thời hiệu xử lý đối với tính chất từng loại hành vi vi phạm gắn với hệ quả pháp lý (theo thứ tự 2 năm, 5 năm và không tính thời hiệu đối với một số hành vi cụ thể). Bổ sung quy định không tính thời hạn giải quyết các vụ việc theo thủ tục tố tục vào thời gian để xác định thời hiệu và quy định xóa tư cách chức vụ đối với người có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã thôi việc, nghỉ hưu.

Tăng thời hạn xử lý vi phạm kỷ luật từ 60 ngày và 90 ngày (đối với các vụ việc phức tạp) lên thành 90 ngày và 150 ngày. Quy định rõ việc bổ nhiệm khi bị kỷ luật (không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng đối với trường hợp bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương. Không bổ nhiệm chức vụ trong thời hạn 24 tháng nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức.

Bổ sung quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Năm 2021 chế độ tiền lương mới sẽ được áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị, vì thế việc xác định vị trí việc làm phải được thực hiện theo hướng kế hoạch hóa, khoa học hóa và quy chế hóa với sự cam kết chính trị của người đứng đầu đơn vị ngay từ bây giờ.

Có thể nói cùng với quá trình chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức từ hệ thống chức danh nghề nghiệp sang vị trí việc làm thì công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay "là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến".

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức nêu trên, Luật đã bổ sung quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, đội ngũ công chức, viên chức ở nước ta công tác trong các lĩnh vực rất rộng với những đặc thù khác nhau phụ thuộc vào từng công việc, vùng miền. Vì vậy, Luật cũng quy định giao người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định phù hợp với địa phương, bộ, ngành mình, bảo đảm đúng tiêu chí được đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ngày 1/7, thêm hình thức kỷ luật công chức không hoàn thành nhiệm vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO