Quy định rõ để chống tiêu cực

Thế Tuấn 11/08/2022 07:01

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có Hướng dẫn số 25 về một số nội dung công tác phòng, chống tiêu cực (Hướng dẫn số 25). Đối tượng phòng, chống tiêu cực là cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Hướng dẫn số 25 một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng làm trong sạch bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ trong sáng.

Đáng chú ý, Hướng dẫn số 25 đã nêu rõ 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Những hành vi tiêu cực cần phải phòng, chống được nêu ra rất cụ thể, rõ ràng, dễ nhận biết từ đó dễ kiểm tra, giám sát, xử lý. Đây cũng là một biểu hiện rõ nét về công tác cán bộ, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định là “then chốt của then chốt”; cũng là “sự phối hợp ăn ý” với Quy định những điều đảng viên không được làm (Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021, gồm 19 điều) và Quy định 69-QĐ/TW (ngày 6/7/2022) về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm...

19 điều tại Hướng dẫn số 25 đều rất quan trọng, cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo “tự soi, tự sửa” và cũng là căn cứ để thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Ở đây, xin được nhấn mạnh tới Điều 5 và Điều 18.

Điều 5, hành vi tiêu cực, gồm: “Tư duy nhiệm kỳ”, cơ hội, vụ lợi, nhất là hành vi lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước; cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi”.

Điều 18, hành vi tiêu cực, gồm: “Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, luân chuyển, chuyển công tác...) một cách phô trương hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác”.

Như vậy cả hai điều kể trên đều nhắm tới hành vi trục lợi cá nhân của cán bộ, đảng viên viên có chức có quyền. Một mặt là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng danh nghĩa tập thể, cấu kết để trục lợi. Mặt khác cũng là trục lợi cá nhân, thông qua việc lợi dụng những “sự kiện” riêng của mình, của gia đình mình (như sinh nhật, việc cưới, việc tang...) để vụ lợi, tranh thủ bòn vét mà thường là dưới danh nghĩa quà biếu, tặng.

Đây cũng chính là biểu hiện suy thoái, biến chất, mất phẩm chất, tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền, gây bức xúc dư luận, làm mất uy tín của cán bộ lãnh đạo, của tổ chức đảng, dẫu có thể những hành vi ấy chưa đến mức phải xử lý bằng công cụ pháp luật.

Như vậy là cùng với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì đấu tranh phòng, chống tiêu cực cũng được đẩy mạnh. Suy cho cùng, phòng, chống tiêu cực cũng là để ngăn chặn tham nhũng vì từ tiêu cực đến tham nhũng cũng không còn bao xa, một người đã tha hóa, biến chất thì rất dễ sa vào tội lỗi kể cả có tham nhũng.

Hướng dẫn số 25 cũng cho thấy đối tượng cần được kiểm tra, giám sát được mở rộng, trong đó có cả công chức, viên chức, tất nhiên quan trọng nhất vẫn là cán bộ lãnh đạo có chức có quyền. Việc mở rộng đối tượng chịu sự quy định trong phòng, chống tiêu cực là nhằm xây dựng được một đội ngũ “công bộc” từ trên xuống dưới biết phải phục vụ nhân dân tốt nhất, cho dù ở bất cứ cương vị gì, nhỏ hay lớn. Họ phải xác định đặt lợi ích của tập thể, cộng đồng và đất nước lên trên hết, trước hết chứ không phải là lợi ích của cá nhân, của gia đình mình cũng như của “cánh hẩu” lợi ích nhóm. Dư luận xã hội đã từng bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”; nạn “phong bao, phong bì”; nạn “lót tay”, “bôi trơn” ở ngay cả những công chức, viên chức cấp xã, cấp phòng của huyện, của sở. Thì nay, họ cũng phải vào “tầm ngắm”.

Vì vậy có thể nói, Hướng dẫn số 25 là bước tiến mới quan trọng trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất khi “mức độ bao phủ” các đối tượng là rất rộng, đầy đủ. Điều đó càng cho thấy quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính của Đảng ta, được toàn xã hội hưởng ứng và kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định rõ để chống tiêu cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO