Quỹ Phòng thủ dân sự: Chỉ nên thành lập trong trường hợp cấp bách?

H.Vũ 15/02/2023 06:45

Chiều 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Liên quan đến dự thảo Luật này, hiện vẫn còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

2 quan điểm về Quỹ phòng thủ dân sự

Báo cáo tại phiên họp về Quỹ Phòng thủ dân sự (PTDS), ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất đề nghị cho giữ nguyên theo như dự thảo luật Chính phủ trình, bởi, hoạt động PTDS có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định này với lý do, hàng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Nhiệm vụ chi của Quỹ PTDS trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của NSNN. Việc thành lập Quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp với Luật NSNN và quy chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Hiện cơ quan soạn thảo tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị giữ quy định như dự thảo Chính phủ trình, có chỉnh lý một số nội dung. Còn đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị không quy định Quỹ PTDS mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh xây dựng 2 phương án để xin ý kiến. Cụ thể, phương án 1 giữ quy định về Quỹ PTDS như dự thảo Chính phủ trình. Phương án 2 bỏ Điều 44 dự thảo luật Chính phủ trình (Quỹ PTDS) và sửa thành: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố”.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hàng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh nên nhiệm vụ chi của Quỹ PTDS trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của NSNN. Do đó không nên tổ chức quỹ này, mà chỉ thành lập quỹ trong trường hợp cấp bách và do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, chặt chẽ

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc Tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV. Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ 2 mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong 0,5 ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng.

Theo đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Ông Cường cho rằng, thành công của 2 kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và nhân dân. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội.

Về công tác nhân sự, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần có Quỹ PTDS, tuy nhiên nên kết hợp 2 phương án thành 1 phương án đảm bảo có quỹ để vừa huy động được nguồn, vừa sử dụng đáp ứng được nhu cầu đề ra. “Nước ta thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Do đó nên quy định trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Như vừa qua Quỹ hoạt động chữ thập đỏ sử dụng rất hiệu quả” - bà Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quỹ Phòng thủ dân sự: Chỉ nên thành lập trong trường hợp cấp bách?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO