Quỹ tín dụng nhân dân: Không thể 'quên' giám sát

T.Hằng 02/12/2017 09:10

Việc giám đốc một quỹ tín dụng nhân dân ở Đồng Nai ôm gần 50 tỷ đồng bỏ trốn một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc quản lý, giám sát các quỹ tín dụng (QTD).

Quỹ tín dụng nhân dân cần được kiểm soát tốt để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người dân

Sau sự việc hi hữu xảy ra tại QTD nhân dân ở tỉnh Đồng Nai, nhiều người gửi tiền lo lắng kéo đến QTD này rút tiền gửi trước hạn. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lên tiếng.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong trường hợp cần thiết, sẽ có những biện pháp xử lý thông qua nguồn vốn cho vay hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và áp dụng các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Hiện nay NHNN cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tỉnh Đồng Nai điều tra xác minh và cơ quan điều tra của tỉnh đã khởi tố vụ án, xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.

Số liệu thống kê của Hiệp hội QTD cho thấy, hiện cả nước có hơn 1.100 QTD, với hơn 1,8 triệu thành viên, tổng nguồn vốn hơn 88.000 tỷ đồng.

Nếu những trường hợp không mong muốn tương tự như trường hợp QTD nhân dân ở Đồng Nai tái diễn, số người dân bị ảnh hưởng là rất lớn. Do vậy, vấn đề rất quan trọng là phải giữ được niềm tin của khách hàng.

Theo luật sư Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM), đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát với hệ thống QTD.

Giám sát chặt tránh bị lợi dụng

Được biết, tính đến 30/12/2016, tổng tài sản của khối QTD nhân dân đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với tháng 12-2015. Trong đó, tiền gửi của cư dân và tổ chức kinh tế tăng gần 18%, vốn chủ sở hữu tăng xấp xỉ 16%.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với tháng 12/2015. Chênh lệch thu nhập - chi phí đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Số QTD nhân dân có nợ xấu dưới 1% chiếm trên 75%, số QTD nhân dân có lãi trong hoạt động kinh doanh chiếm 96%.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mô hình QTD phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn, song hoạt động của quỹ cần phải được giám sát chặt thì mới tránh được tình trạng bị lợi dụng.

Tương tự, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ và bộ phận kiểm toán nội bộ theo quy định nhằm phát hiện, cảnh báo sớm và kịp thời các tồn tại yếu kém, rủi ro vi phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động, từ đó có tham mưu, đề xuất kịp thời với HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành QTD nhân dân để có định hướng trong quản lý, quản trị, điều hành và chỉ đạo tác nghiệp trong hoạt động của từng QTD nhân dân.

Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy và thay đổi lề lối làm việc theo kiểu “gia đình”, phải có sự độc lập giữa Hội đồng quản trị và ban điều hành và HĐQT chịu trách nhiệm giám sát sự phát triển và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ một cách sát sao và hiệu quả.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đặt hệ thống QTD trong việc tái cơ cấu. Nội dung này đã được cụ thể hóa trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ thông qua.

Theo đề án này, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, phân loại và nhận diện các QTD quá yếu kém để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Cụ thể, các QTD quá yếu kém, không có khả năng phục hồi trở lại và việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống thì sẽ bị thu hồi giấy phép, thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quỹ tín dụng nhân dân: Không thể 'quên' giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO