Quy trình tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam: Đang ở cấp độ an toàn cao nhất

Việt Hà 23/04/2021 05:45

Các địa phương đang tích cực triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 2. Tính đến ngày 22/4, cả nước có gần 109.000 người được tiêm phòng và chưa ghi nhận tai biến nặng sau tiêm, chỉ có một vài ca phản ứng sốc phản vệ nhưng đều xử lý tốt. Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất.

BS Phạm Thanh Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Pleiku tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Đức Thụy.

Người dân yên tâm khi đi tiêm chủng

Cộng cả đợt 1 và đợt 2, đến nay công tác tiêm phòng Covid-19 đã được thực hiện tại 27 tỉnh/thành phố cho 108.897 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vét, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, các lực lượng công an, quân đội.

Ngay sau đợt tiêm chủng đầu tiên, hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.

Theo GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành các kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine cùng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về tổ chức buổi tiêm chủng…

Đặc biệt, Bộ đã có hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng, hướng dẫn tiêm an toàn, hướng dẫn giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng và triển khai tập huấn cho toàn hệ thống. Việc tiêm chủng được bảo đảm an toàn tối đa theo phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

Tất cả các cơ sở tiêm vaccine phòng Covid-19 đều phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Trước lo ngại của nhiều người về hiện tượng đông máu sau tiêm xảy ra ở một số trường hợp trên thế giới, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam khẳng định, người dân yên tâm đi tiêm chủng vaccine Covid-19 vì hiện tượng đông máu sau khi tiêm rất hiếm khi xảy ra và Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

Cũng theo phân tích của PGS Cơ, rối loạn đông máu sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Và điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường.

Khuyến cáo của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, người dân cũng chú ý, nên tiêm vaccine Covid-19 cách tối thiểu 14 ngày với các vaccine phòng bệnh khác.

Công tác tiêm phòng cần phải đẩy nhanh hơn nữa

Sau những khẳng định của chuyên gia và Bộ Y tế có thể thấy công tác tiêm phòng vaccine cần phải được đẩy nhanh hơn nữa, nhất là trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng trong khu vực.

Đơn cử, chỉ tính từ ngày 20/2 đến nay, khoảng 1.300 người nhập cảnh qua cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); cơ quan chức năng phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép. Trong 14.000 mẫu xét nghiệm kể từ đầu dịch có 38 mẫu dương tính, trong số này, 18 bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Hà Tiên. Số cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh là 303 người.

Trước tình hình này, mới đây các đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Y tế đã đồng loạt đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch Covid-19. Bộ cũng vừa chỉ định, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP HCM sẽ là hai đơn vị chủ lực hỗ trợ năng lực chăm sóc điều trị và xét nghiệm cho các địa phương biên giới Tây Nam, đặc biệt Kiên Giang, trong phòng chống dịch Covid-19. Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã đến Hà Tiên (Kiên Giang) để hỗ trợ trong việc tư vấn, phòng, chống dịch bệnh.

Theo đánh giá của chuyên gia y tế dự phòng Trần Đắc Phu, Bộ Y tế đã phản ứng nhanh khi chỉ đạo Hà Tiên lập bệnh viện dã chiến chuẩn bị khu cấp cứu mức độ cao trong tình huống dịch lan rộng và có bệnh nhân nặng. Viện Pasteur TP HCM hỗ trợ về xét nghiệm và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ về điều trị cho Hà Tiên. Điều này khẳng định chúng ta quyết tâm thực hiện phòng chống dịch theo đúng phương châm 4 tại chỗ.

Ông Phu nhận định: Dịch bên ngoài có lớn, nhưng bên trong nhanh nhạy, đáp ứng phòng dịch tốt thì hoàn toàn có thể giữ vững được phòng tuyến. Tuy nhiên, theo ông Phu, đợt nghỉ lễ 4 ngày dịp 30/4 và 1/5 sắp tới được dự báo là thời kỳ cao điểm của du lịch trong nước. Đi cùng với đó là lo ngại về sự bùng dịch trở lại theo hướng khó kiểm soát. Vì vậy người dân phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy trình tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam: Đang ở cấp độ an toàn cao nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO