Phụ nữ có nhiều “điểm yếu”, như phải chăm lo công việc gia đình, lại chân yếu tay mềm… Phải phân chia “nhiều vai” nên công việc dễ bị ảnh hưởng. Cán bộ nữ Mặt trận cũng vậy, nhất là trong những thời điểm diễn ra các cuộc vận động, hay cao điểm như chống dịch Covid-19 giai đoạn vừa qua.
Người phụ nữ cần có “điểm tựa” để vượt qua những khó khăn ấy. Bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết về cán bộ nữ làm công tác Mặt trận.
PV: Công tác Mặt trận đòi hỏi nhiều thời gian, nhất là khi diễn ra những chương trình công tác quan trọng hay hoạt động chống dịch. Bà có thể chia sẻ những khó khăn mà phụ nữ thường gặp phải khi tham gia công tác Mặt trận nói chung, công tác xã hội nói riêng?
Bà Diêm Hồng Linh: Phải nói rằng có những thời điểm, người làm Mặt trận cảm thấy mình không có thời gian để… thở, như thời gian tham gia chống dịch Covid-19 vừa rồi. Mặt trận vừa làm công tác tuyên truyền, vận động người dân chống dịch, vừa trực tiếp tham gia chống dịch, lại vừa vận động đóng góp ủng hộ các quỹ, và tiếp tục phân bổ cho các đối tượng có nhu cầu một cách thoả đáng. Chưa kể, mỗi thời điểm công tác vận động lại có những thay đổi khác nhau. Trong lúc đó, chúng tôi vẫn phải tiến hành các chương trình công tác thường xuyên. Nếu chỉ tính giờ hành chính thì không thể làm hết việc.
Việc chống dịch cũng như các hoạt động khác như vận động Quỹ “Vì người nghèo” hay tổ chức các hoạt động giám sát thì đòi hỏi mình có kiến thức, đọc báo, nghiên cứu tài liệu…cũng mất nhiều thời gian. Do vậy, cần phải bố trí thời gian khoa học, sắp xếp công việc cơ quan và việc nhà hợp lý; khắc phục những khó khăn, đôi khi trong cùng một thời điểm, phải xử lý sao cho hanh thông việc nước, chu toàn việc nhà. Mệt mỏi nhưng tôi luôn nghĩ hoạt động của mình là vì cộng đồng. Trong lúc đó, mọi anh chị em trong cơ quan Mặt trận, rồi các cán bộ Mặt trận cơ sở cũng căng mình ra làm việc. Nhiều chị em phụ nữ cũng suốt ngày gác chốt. Lúc đó mình tự động viên mình phải cố gắng vượt qua.
Nhưng như mọi người phụ nữ khác, sau khi hoàn thành công việc tôi lại trở về với mái nhà thân yêu của mình. Chính tổ ấm gia đình đã giúp tôi “hồi sức” và tiếp tục với công việc.
Bà đã trải qua nhiều năm làm cán bộ Mặt trận. Kinh nghiệm của bà trong việc làm tốt công tác xã hội, với tư cách một phụ nữ là gì?
-Tôi đến với công tác Mặt trận từ rất sớm, dù lúc trẻ, tôi vẫn nghĩ công tác đoàn thể, công tác Mặt trận là dành cho “các cụ”. Nhưng rồi khi bắt tay vào công việc, ai cũng ngạc nhiên sao lại có “cô Mặt trận” trẻ thế. Trẻ tuổi mà đi làm công tác vận động nhiều lúc rất áp lực. Nhưng điều đó khiến tôi thấy mình phải cố gắng hơn.
Có lẽ, tôi có duyên nợ với Mặt trận, vì sau này, qua mấy lần luân chuyển công tác, nhưng rồi lại quay về với mái nhà Mặt trận. Tôi nghĩ ai cũng vậy. Khi mới thì lạ lẫm. Nhưng thời gian sẽ làm người ta thêm gắn bó với công việc, nhất là công việc được tiếp xúc, gần gũi với nhân dân như công tác Mặt trận. Tôi nghĩ, phụ nữ có những vấn đề phải cân bằng, giữa gia đình và công việc. Có những việc gia đình có thể đỡ đần. Nhưng có những việc người đàn ông không thể thay thế. Do đó, khi hoàn thành công việc tôi luôn chú tâm cao nhất đến chăm sóc gia đình. Còn để hoàn thành tốt thì cần nghiên cứu tài liệu, suy nghĩ tìm tòi cách làm; có việc phải kịp thời, trực tiếp, không tính thời gian theo giờ hành chính vì có thể phải đến với cơ sở bất kỳ lúc nào; có việc cần sự bền bỉ, kiên nhẫn, lắng nghe, mềm mỏng nhưng có việc cũng cần sự cương quyết, thấu tình đạt lý...
Người ta thường nói “quyền lực mềm” của phụ nữ. Quan điểm của bà như thế nào với điều này?
-Đúng thế. Phụ nữ có sự “mềm mỏng”. Nếu biết vận dụng đúng lúc, đúng chỗ, sự mềm mỏng có thể được phát huy, đem lại hiệu quả. Khi tiếp xúc nhân dân, nhất là những “điểm nóng”, phụ nữ thường là những người biết lắng nghe. Tôi luôn vận dụng điều này trong công tác. Nhiều lần đi cơ sở, có những lúc tưởng rất “căng”. Nhưng sau đó tôi “mềm hoá”, nhất là tại những địa bàn có mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền địa phương, hay trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Lắng nghe, rồi giải thích, đồng thời, tiếp thu những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Tôi nghĩ, đây là lợi thế mà chỉ phụ nữ làm Mặt trận mới có thể làm được. Những lợi thế ấy cần được phát huy như một đặc thù trong công tác Mặt trận với người phụ nữ.
Trân trọng cảm ơn bà!