Quyết sách căn cơ là tạo sinh kế, việc làm cho dân

M.Loan - H.Vũ 13/11/2021 06:15

Ngày 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu, làm rõ các vấn đề cử tri cả nước quan tâm và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Phát biểu của Thủ tướng cũng đã khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài hơn hai ngày tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.         

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội, tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 12/11: Tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân mang tính quyết định. Muốn vậy, phải giải quyết nút thắt về hạ tầng, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu và đẩy mạnh phát triển, giáo dục, y tế. Ảnh: Quang Vinh.

Giải ngân vốn chậm là do con người

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) nêu câu hỏi liên quan phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới? Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết: Về giải pháp để phát triển hạ tầng, trước hết cần tổng kết, rà soát lại, xem việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thời gian qua cái gì làm được? cái gì chưa làm được và nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu?

Thủ tướng cũng nêu rõ: “Thứ nhất phải hoàn thiện thể chế, quy định về phát triển hạ tầng, giải quyết vướng mắc, bổ sung để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện phát triển. Cái gì thuộc thẩm quyền địa phương thì chính quyền địa phương lo. Cái gì thuộc Chính phủ thì Chính phủ lo. Cái nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền để ban hành đầy đủ và từng bước hoàn thiện thể chế. Thứ hai, nêu nguyên nhân tại sao chậm giải ngân vốn đầu tư công. Việc này có nguyên nhân của Trung ương và địa phương chứ không riêng cấp nào. Nguyên nhân chính do con người, cho nên phải tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng”.

Yếu tố thứ ba theo Thủ tướng, là phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, gồm cả nguồn lực nhà nước và tư nhân, lấy nguồn lực nhà nước làm vốn mồi dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư hạ tầng. “Thứ tư, phải có công nghệ để phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Thứ năm là cần tính đến việc quản trị trong phát triển hạ tầng, đảm bảo không lãng phí, chống tiêu cực, công khai, minh bạch” - Thủ tướng nói.

Tập trung cho đào tạo nhân lực

Đến từ tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới là gì?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng khẳng định: Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng toàn thế giới. Sau 2 năm chống dịch, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Chúng ta cũng đã phải trả giá, có cái làm chưa được, qua chống dịch, đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này. Từ đó Chính phủ đã đưa ra được các trụ cột để phòng, chống dịch như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể; về xét nghiệm, virus nhìn không thấy, nếm không được, ngửi không được nên phải xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.

Thủ tướng cho biết, trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine; sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân; tùy tình hình thực tế áp dụng Đông - Tây y kết hợp.

Thủ tướng cũng nhìn nhận: “Vấn đề tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị nhanh, sớm nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực. Đồng thời cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở”.

Quang cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 12/11.

Tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn là đúng và trúng, phù hợp với thực tế được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm và đánh giá cao.

Theo Chủ tịch Quốc hội, điều đó khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa, cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát.

“Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của thành viên Chính phủ kết luận đối với từng phiên chất vấn và từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định” - Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội; tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên, thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng yêu cầu của đồng bào cử tri và nhân dân cả nước cũng như yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Giải quyết áp lực thiếu lao động

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) nêu câu hỏi: Giải pháp cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là gì? Thời gian tới, chính sách phát triển vùng và liên vùng thế nào để phát huy thế mạnh của vùng, để người dân an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình?

Nêu quan điểm, Thủ tướng cho rằng: Dịch chuyển thị trường lao động là hiện tượng bình thường, nhưng không bình thường ở đây là quản lý nhà nước còn có những sơ hở. Cho nên, để giải quyết áp lực, đầu tiên Trung ương và địa phương phải phối hợp, xem xét lại năng lực y tế. Việc này đã chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan như các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp hỗ trợ, các biện pháp nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh này.

Theo người đứng đầu Chính phủ, vấn đề khẩn cấp thứ hai là tăng cường năng lực cung cấp vaccine. Mong đại biểu Quốc hội hiểu, vừa qua nói công bằng nhưng vì vaccine ít nên phải ưu tiên các địa bàn có dịch phức tạp trước vì thế mà Đồng bằng sông Cửu Long lúc đầu chưa được ưu tiên nhiều; nhưng khi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông đã cơ bản khống chế dịch bệnh thì vaccine đã được chuyển cho khu vực này. Thứ ba là an sinh xã hội. Vừa qua ta đã có các chính sách giúp các tỉnh giải quyết khó khăn. Thứ tư là kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác để giảm áp lực cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề cập đến quyết sách căn cơ, Thủ tướng cho rằng, cần tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân - đó là yếu tố có tính chất quyết định. Muốn tạo được sinh kế, công ăn việc làm thì phải giải quyết nút thắt về hạ tầng gồm hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có đường cao tốc, giao thông thủy nội địa; hạ tầng chống biến đổi khí hậu và phát triển giáo dục, y tế tốt hơn với Đồng bằng sông Cửu Long.

Đột phá để phục hồi sản xuất

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Thủ tướng cho biết: Trong chống dịch, qua trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và họ cũng thống nhất là chúng ta có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Từ đó triển khai các chính sách đều hướng tới người dân. Nhưng ngược lại, người dân cũng phải chủ động tham gia công tác chống dịch.

Kinh nghiệm nữa theo Thủ tướng, là huy động tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thứ ba là ứng phó linh hoạt. Thứ tư là triển khai các chính sách an sinh xã hội. Thứ năm là huy động sự giúp đỡ của quốc tế. Lấy kinh nghiệm từ chuyện vaccine, Thủ tướng khẳng định: Vaccine là vũ khí quan trọng ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta dùng mọi biện pháp từ huy động bạn bè quốc tế, mua bán, nhượng, vay vaccine; bên cạnh đó cũng chỉ đạo việc sản xuất vaccine trong nước. Hiện nay quá trình phát triển vaccine đang được thúc đẩy rất tích cực.

Trả lời đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) liên quan đến thông điệp trong 2 tháng cuối năm về giải pháp căn cơ của Chính phủ mang tính đột phá, Thủ tướng cho rằng: Thứ nhất thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thứ hai là chương trình phục hồi kinh tế. Trên cơ sở kết luận của Trung ương, Chính phủ đang phối hợp với Quốc hội để xây dựng chương trình phục hồi kinh tế.

“Có vấn đề mà các bộ trưởng chưa nhắc đến” - Thủ tướng nói và cho rằng phải xây dựng Quỹ cho phòng chống dịch và Quỹ an sinh xã hội. Việc thành lập phải theo luật pháp nhưng cần được chủ động hơn trong sử dụng. Thứ nữa, theo Thủ tướng là cần đột phá vào việc phục hồi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở khu công nghệ cao thì cơ bản phục hồi nhanh. Nhưng còn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể thì phải đột phá vào khu vực này; rồi chính sách tài khóa, tiền tệ làm sao cho hài hòa hợp lý đảm bảo vừa tăng trưởng vừa tạo động lực nhưng vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

“Đồng thời cần gói “phi tài chính” là cơ chế chính sách, là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phục hồi”-Thủ tướng nêu rõ.

Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII: Người đứng đầu Chính phủ nhìn thẳng vào những vấn đề nóng được đặt ra

Tôi thấy chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn lần này cũng như không khí, cách thức điều hành để lại dấu ấn tốt. Những nội dung được đưa ra chất vấn liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, kế hoạch đầu tư… cho thấy các bộ trưởng đều nắm rất chắc vấn đề, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “tròn vai, thuộc bài”. Nhiều đại biểu đưa ra các nội dung chất vấn, câu hỏi phù hợp với những vấn đề nóng của đất nước, những vấn đề nhân dân rất quan tâm.

Ví dụ, vấn đề về học trực tuyến là rất “nóng” cũng đã được đưa ra bàn ở Quốc hội. Chúng ta nói “sống chung với Covid-19” nhưng câu chuyện F1 vô tình đi chung cầu thang, tiếp cận với F0 cũng bị đưa đi cách ly tập trung. Vấn đề giá xét nghiệm, nhập khẩu vật tư y tế, dòng người di cư từ Nam ra Bắc; các vấn đề liên quan đến đầu tư công, giải ngân chậm, quốc kế dân sinh… Tất cả những vấn đề nóng nhất, bức xúc của nhân dân đều được đưa lên diễn đàn và được các bộ trưởng nắm chắc, trả lời thẳng thắn, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm.

Về phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ đã giải đáp mọi thắc mắc, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng nhìn thẳng vào những vấn đề nóng được đặt ra nhưng cách truyền đạt, giải thích rồi trực tiếp trả lời có phong cách, giúp cho người dân dễ tiếp thu và thuyết phục. Có những vấn đề đưa ra trên diễn đàn Quốc hội, bây giờ dịch bệnh khó khăn, phải chấp nhận câu chuyện tăng trần nợ công, tăng sự hỗ trợ của Chính phủ. Qua đó, Thủ tướng thể hiện sự chắc chắn, thận trọng, bởi nếu không cẩn thận có thể dẫn tới lạm phát phi mã. Cách trả lời, giải đáp của Thủ tướng đặt ra vấn đề đó là cần phải rất bình tĩnh, thận trọng, đảm bảo giải quyết được những bức xúc của nhân dân nhưng cũng phải đảm bảo cả kế hoạch trước mắt và lâu dài.

Ông Trần Đức Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt nam TP Cần Thơ: Chiến lược xây dựng con người được Thủ tướng hết sức quan tâm

Qua theo dõi các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, bản thân tôi rất tâm đắc và vui mừng vì các đại biểu đã chất vấn người đứng đầu Chính phủ một cách thẳng thắn về những vấn đề trọng tâm mà đại đa số cử tri cả nước quan tâm. Đối với trả lời chất vấn của Thủ tướng, tôi thấy rất xác đáng, phù hợp với thực tế đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm của Chính phủ các nhiệm kỳ trước, nêu ra được nhiều phương châm, định hướng về việc xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Đồng thời cũng nêu ra những nguyên tắc trong việc xây dựng các chính sách, pháp luật là phải được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng.

Nghe trả lời chất vấn của người đứng đầu Chính phủ, tôi thấy được bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021. Đặc biệt là kết quả công tác phòng, chống dịch Coivd-19 qua đó giúp cho các ngành, địa phương xây dựng chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt tôi rất mừng vì người đứng đầu Chính phủ đã quan tâm chiến lược xây dựng con người, vì con người là vốn quý nhất, nguồn lực lớn nhất để xây dựng đất nước. Nhìn chung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ rất súc tích sâu sắc, tạo niềm tin mạnh mẽ cho nhân dân.

* Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025

Chiều 12/11, với 92,18% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025.

Theo mục tiêu của Nghị quyết, đến năm 2025 tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng NSLĐ trung bình cả nước; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững…

Nghị quyết này cũng đưa ra mục tiêu phát triển mạnh các loại thị trường. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP. Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 10-15 bậc so với năm 2019. Hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 40-50 bậc; chỉ số Kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc so với năm 2019. Tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ đạt không dưới 01% GDP; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao…

H.Vũ - Anh Tuấn - Quốc Trung (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết sách căn cơ là tạo sinh kế, việc làm cho dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO