Quyết tâm bình ổn giá

Trường Giang 05/02/2020 08:00

Sau Tết Nguyên đán Canh Tý đã gần nửa tháng nhưng hiện giá nhiều loại thực phẩm, nhất là rau xanh vẫn neo ở mức cao. Trước những khó khăn thách thức trong công tác điều hành giá ngay từ đầu năm 2020, Ban chỉ đạo điều hành giá vẫn quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Quyết tâm bình ổn giá

Sau tết, giá mặt hàng rau xanh vẫn tăng mạnh. Ảnh: Tieudung.vn.

Giá lợn hơi bắt đầu giảm

Từ thời điểm sau Tết cho đến ngày 3/2 (mùng 10 Tết), tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội giá thực phẩm vẫn giữ nguyên như mức giá sát Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá thịt lợn từ 170.000-200.000 đồng/kg (tùy loại), thịt bò: 300.000-380.000 đồng/kg; các loại cá trắm, cá chép, diêu hồng: 100.000 đồng/kg, rô phi: 80.000 đồng/kg; tôm đồng: 250.000 đồng/kg; trứng gà ta: 50.000 đồng/chục…Theo các tiểu thương, cá và các loại hải sản được tìm mua nhiều sau Tết. Tuy nhiên, do ngư dân chưa đi đánh bắt trở lại nên nguồn hàng hạn chế.

Nếu mọi năm, ra tết nguồn cung rau xanh dồi dào, thì năm nay do ảnh hưởng của thời tiết làm hư hỏng nhiều diện tích rau màu nên giá các loại rau vẫn tăng mạnh. Giá hành hoa, rau mùi, rau xà lách: 50.000 đồng/kg; cần tây: 20.000 đồng/mớ nhỏ; cải cúc, cải mơ: 10.000 đồng/mớ; súp lơ: 20.000 đồng/cây...

Tại THCM, giá các mặt hàng thực phẩm vẫn neo cao như dịp sát tết nguyên đán. Riêng rau xanh có mức tăng cao nhất, từ 20 - 30%. Nguyên nhân được lý giải là do nhu cầu của người dân tăng. Bên cạnh đó, đây là mặt hàng sử dụng trong ngày nên giá tăng ngay từ đầu vựa do nhân công chưa làm việc trở lại. Mức giá này đã tác động mạnh đến chi tiêu của nhiều người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngày 4/2, thông tin từ một số tỉnh, thành miền Bắc cho thấy giá lợn hơi ngày 4/2 bắt đầu giảm. Cụ thể, Tuyên Quang giảm 6.000đ/kg xuống còn 78.000 đ/kg. Tại Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc giảm 2.000 đ/kg xuống 80.000 - 83.000 đ/kg; tại Bắc Giang, Lào Cai cũng giảm 2.000 đ/kg xuống 80.000 - 82.000 đ/kg; Phú Thọ giảm 1.000 đ/kg xuống 81.000 đ/kg. Giá lợn giảm sau khi công ty chăn nuôi heo miền Bắc thông báo điều chỉnh giảm 1.500 đ/kg trong ngày 3/2/2020.

Tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi cũng giảm. Thừa Thiên- Huế giá lợn hơi giảm 1.000 đ/kg xuống còn 81.000 đ/kg; Khánh Hoà và Ninh Thuận cùng giảm 2.000 đ/kg, xuống lần lượt 80.000 đ/kg và 82.000 đ/kg; các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận và Bình Định 84.000 - 85.000 đ/kg…

Cùng với đó, các siêu thị đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng rau xanh và thực phẩm đông lạnh. Cụ thể, tại một số siêu thị phi lê cá basa tẩm bột Tempura Godaco gói 500g còn 80.000 đồng; gói 300g có giá 42.500 đồng; xúc xích gà Ao Oji gói 175g giảm còn 16.000 đồng. Tại AEON Mall, bắp giò xông khói Nippon Ham 1kg giảm còn 260.000 đồng; chân giò xông khói La Cusina 500gr còn 130.000 đồng; giò bò Vissan 500gr có giá 120.000 đồng…

Giá thực phẩm trên thị trường bắt đầu giảm nhiệt chính là tín hiệu vui đối với người tiêu dùng.

Kiên quyết thực hiện bình ổn giá

Trước đó, ngày 2/2, Văn phòng Chính phủ đã Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ -Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá cả dịp Tết Nguyên đán và điều hành giá quý I/2020, trong đó yêu cầu kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý. Thông báo nêu rõ, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá và biến động giá bất thường. Tuy nhiên, tình hình mặt bằng giá ngay từ đầu năm đã có những diễn biến mới, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng khá cao ở mức 1,23%, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây.

Nguyên nhân là do những tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và giá thịt lợn, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 8,29% so với tháng 12/2019 và vẫn đứng ở mức rất cao đã tác động nhiều vào CPI tháng 1. Ngoài ra, trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona nên giá của một số mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tay… trên thị trường hiện đang có diễn biến phức tạp.

Trước những khó khăn thách thức trong công tác điều hành giá ngay từ đầu năm 2020, Ban chỉ đạo điều hành giá vẫn quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội. Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ.

Đối với mặt hàng thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu: Kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công khai minh bạch chi phí, giá thành, giá bán; đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông, phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm bình ổn giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO