Quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan

Hàn Minh 09/06/2020 08:00

Chỉ còn 2 tháng nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị lãnh đạo các địa phương khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi và ưu tiên cho công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi về mọi mặt. Về phía các địa phương cũng cho biết đang tích cực chuẩn bị cho kỳ thi với phương châm cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan

Ảnh minh họa.

Chủ động mọi nguồn lực

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại Hà Nội. Toàn TP dự kiến có 80.000 thí sinh đăng ký dự thi; khoảng 3.300 phòng thi và 10.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ được huy động. Công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đang được triển khai, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức kỳ thi bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm...

Hà Nội cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn Quy chế thi cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi, đồng thời phổ biến Quy chế tới toàn bộ thí sinh tham gia kỳ thi nhằm bảo đảm mọi thí sinh đều nắm vững các nội dung của Quy chế và chấp hành nghiêm túc.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết dù số lượng thí sinh của TP Hồ Chí Minh đông, khoảng 80.000 thí sinh dự thi, nhưng Sở vẫn lên phương án sắp xếp làm sao đảm bảo bố trí chấm chéo để giáo viên không chấm bài HS của mình. Ông Hiếu đề xuất cần bố trí các điểm thi đảm bảo an toàn, không quá xa, có thể “sáng giao đề thi, chiều nhận bài thi”, giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, đề nghị Bộ GDĐT cần hỗ trợ quy trình chấm thi và giám sát.

Tại Nghệ An, năm nay có khoảng 32.000 thí sinh tham dự kỳ thi, dự kiến bố trí 60 điểm thi. Số nhân sự tham gia kỳ thi được huy động khoảng 5.000 người. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu bày tỏ đồng tình với các phương án chuẩn bị của Bộ GDĐT nhưng cũng có 3 kiến nghị tập trung vào phần mềm thi, công tác thanh tra, cách tính điểm liệt.

Cụ thể, cần sửa đổi, nâng cấp phần mềm quản lý thi để tránh hiện tượng thí sinh nhập thay đổi nguyện vọng nhưng gặp sự cố về điện, về nghẽn mạng nên chưa được lưu vào máy chủ dẫn đến thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển. Bên cạnh đó, cần cải tiến phần mềm chấm thi trắc nghiệm, cải tiến biên bản sửa lỗi bài thi nhằm cho phép thống kê tình trạng soát bài thi để kiểm soát được tình trạng soát thiếu, cho phép phân lô quét bài, soát lỗi theo tài khoản người dùng… Trong công tác thanh tra cần hướng dẫn cụ thể để tránh trùng lặp trong công tác thanh tra. Điểm liệt bài thi thứ tư (môn Tổ hợp) cần tính điểm trung bình cả 3 môn thay vì tính theo điểm từng môn độc lập để tránh áp lực cho thí sinh.

Năm 2020, Hà Tĩnh có hơn 15.000 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông, cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và công tác tuyển sinh; giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến kỳ thi và tuyển sinh. Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh thông tin, ngoài việc tham mưu cho tỉnh trong công tác tổ chức kỳ thi, Sở cũng đã và đang tổ chức rà soát lại điều kiện, cơ sở vật chất tại các điểm thi bảo đảm các quy định…

Lựa chọn nhân sự tránh cơ cấu “mâm bát”

Một trong những yêu cầu quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như các năm trước đó là việc bố trí nhân sự phù hợp. Như nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các kỳ thi trước để xảy ra tiêu cực do có những cá nhân thiếu trách nhiệm, kể cả người chịu trách nhiệm chính, bỏ bê nhiệm vụ được giao. Vì vậy, việc bố trí nhân sự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương, đặc biệt là ở những khâu quan trọng theo Bộ trưởng Nhạ cần “tránh tình trạng cơ cấu có tính mâm bát”, xếp người cho đủ mâm.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Không chỉ là người đứng đầu tỉnh, mà ở mỗi khâu của kỳ thi, mỗi hội đồng coi thi, chấm thi, các điểm thi, vai trò người đứng đầu cũng phải chú ý.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết hiện nay, nguồn nhân lực thanh tra Sở GDĐT và thanh tra tỉnh bảo đảm số lượng và chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn và kỹ năng về nghiệp vụ thanh tra sẵn sàng nhận và nỗ lực quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc thành lập đoàn thanh tra kỳ thi sẽ được lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành Giáo dục của tỉnh đặc biệt quan tâm để chọn nhân sự có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra đáp ứng yêu cầu công việc.

“Sắp tới, khi có đầy đủ văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về công tác thanh tra kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT, đội ngũ tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi sẽ được nghiên cứu, học tập kỹ quy chế và kỹ năng thanh tra, kiểm tra kỳ thi; tham dự đầy đủ tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo quy định của Bộ GDĐT” - bà Thanh cho biết.

Năm nay kỳ thi tổ chức vào tháng 8, nhiều địa phương lo ngại thời điểm này dễ xảy ra bão lũ, nhất là lũ quét bất ngờ. Về điều này, lãnh đạo Bộ GDĐT đề nghị ban chỉ đạo thi các tỉnh miền núi phải có kế hoạch dự phòng, bố trí điểm thi ở nơi an toàn, có phương án hỗ trợ thí sinh, ứng cứu các điểm thi nếu xảy ra sự cố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO