Ra khơi khật khừ, 'tàu 67' nằm bờ hàng loạt

Tấn Thành 09/07/2017 10:10

Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” (NĐ67) ra đời, phải khẳng định rằng đây là một chính sách đúng đắn của Nhà nước, sự ra đời của nó làm ngư dân rất phấn khởi. Bởi đây là cơ hội để họ có điều kiện để cải hoán, đóng mới, nâng cấp tàu có công suất cao để vươn khơi xa. Thế nhưng những gì đã xảy ra với tàu vỏ sắt khiến ngư dân thất vọng.

Tàu vỏ sắt dù to lớn nhưng liên tục hỏng ngư dân đành trả lại cho hãng đóng tàu.

Tàu tiền tỉ, hư ngay từ đầu

Sáng ngày 9/7, qua trao đổi với Đại Đoàn Kết, lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, tính đến nay, các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 61 tàu cá với tổng giá trị 696,3 tỷ đồng, đã giải ngân được 654,3 tỷ đồng/61 tàu cá, trong đó có 32 tàu vỏ thép (tất cả đều là tàu khai thác).

Qua một thời gian hoạt động (tàu nhiều nhất là 1 năm, tàu mới nhất là 1 đến 2 tháng), một số bộ phận của trang thiết khai thác, ngư lưới cụ, hầm bảo quản bị hư hỏng, chủ tàu phải tốn nhiều thời gian và chi phí để khắc phục, trong đó 2 tàu bị hư hỏng hộp số; 8 tàu sau khi hạ thủy theo thiết kế phải đổ thêm bê tông dằn tàu để đảm bảo cân bằng tàu; 10 tàu bị trục trặc hệ thống tời, như tời thu lưới, tời ma sát, tang thành cao. 5 tàu chụp mực bị hư hỏng tăng gông.

Nhiều chủ tàu cho rằng, nguyên nhân chính là do lắp đặt các tời không đủ công suất và các chủ tàu đã yêu cầu các cơ sở đóng tàu thay mới hoặc cải tiến, nâng công suất, đảm bảo lực kéo, đối với chất lượng thép ống làm tăng gông không đạt, các cơ sở đóng tàu phải thay mới hoặc hàn gia cường những vị trí chịu lực chính của tăng gông.

Ngoài ra một số tàu hầm bảo quản sản phẩm có hệ thống thoát nước không tốt, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Các chủ tàu phải sử dụng bơm trực tiếp để hỗ trợ chờ duy tu, bảo dưỡng khắc phục. Có tàu nhiều chỗ bị hoen rỉ cục bộ do quy trình sơn chưa đảm bảo trong khi vấn đề tự bão dưỡng của chủ tàu chưa tốt…

Trong số tàu nói trên có tàu của ông Phan Thu, ở xã Bình Minh, trị giá hơn 11 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng.

Ông Thu cho biết: “Con tàu vỏ thép QNa-95997 TS của tôi có công suất 822 CV vào ngày 12/6, khi đang đánh bắt ngoài Trường Sa thì tàu bị hư hộp số thả trôi trên biển, phải kêu cứu và được một tàu khác lai dắt vào bờ”.

Tàu vỏ sắt của ngư dân Liên vừa chạy thử đã hỏng máy nằm án binh bất động gần 2 năm.

Đáng nói nhất là tàu vỏ thép QNa-94679 TS của ông Trần Văn Liên (51 tuổi), ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, ông Liên cho biết: “Con tàu có công suất 940 CV, trị giá hơn 16 tỷ đồng, trong đó gia đình tôi bỏ vốn 800 triệu đồng, số tiền còn lại vay nhân hàng. Thế nhưng mới chạy thử nghiệm trong âu thuyền chưa được 20m thì con tàu này đã bị chết máy. Gần 2 năm qua, tàu tôi vẫn còn nằm ngoài âu thuyền Thọ Quang, tôi mất khoản tiền đặt cọc cho bạn thuyền, không có nguồn thu nhập lo cho gia đình, lâm cảnh nợ nần, khó khăn trong đời sống, tôi đành phải kiện ra toà và đang chờ phán xử”.

Trước đó Đại Đoàn Kết đã phản ánh con tàu Sang Fish 01 giá trị gần 12 tỷ đồng của chủ tàu là ngư dân Lê Văn Sang (34 tuổi) trú TP Đà Nẵng và thuyền trưởng Phan Bé (SN 1973), quê huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đồng là chủ tàu tuyên bố trả lại tàu sau 10 chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản.

“Vì ngay chuyến ra khơi đầu tiên con tàu đã bị hỏng tơi tời, phải về bờ sửa chữa với chi phí khoảng 500 triệu đồng. Còn sau 10 chuyến biển biển con tàu hỏng đến 4 lần, làm ăn không có lãi. Máy móc xuống cấp hư hỏng nặng…”- ngư dân Sang chua chát.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, tổng số tàu được UBND tỉnh phê duyệt theo NĐ67 đến nay là 81 chiếc (27 vỏ thép, 47 vỏ gỗ, 7 vỏ composite). Đã hoàn thành đưa vào khai thác 37 chiếc, trong đó có 9 tàu vỏ thép, những con tàu vỏ thép đi những chuyến biển đầu tiên đều có hư hỏng, nhưng đa số là hư hỏng nhỏ và đã được chủ tàu tự khắc phục, một số tàu được các cơ sở đóng tàu thực hiện bảo hành theo hợp đồng.

Hầm chứa trên tàu ông Thu bị rỉ sét sau hơn 1 năm hoạt động.

Đề nghị Công an vào cuộc

Trước tình trạng tàu vỏ thép thường bị hư hỏng, khiến các chủ tàu rất lo lắng. “Cả núi tiền đổ vào đó bây giờ biết làm sao đây. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi chúng tôi không còn điều kiện hành nghề, nợ nần do đóng tàu và thậm chí mất bạn tàu, gian khó trong mưu sinh”- chủ tàu vỏ thép QNa-94679 TS, ông Trần Văn Liên nói.

Nhiều ngư dân bức xúc vì họ cho rằng, việc đóng tàu vỏ sắt bị buông lỏng quản lý. Cụ thể, mỗi con tàu hàng chục tỷ đồng nhưng không tham khảo ý kiến của ngư dân, Nghiệp đoàn nghề cá,… về thiết kế con tàu; đóng loại sắt thép gì cho phù hợp,…

Cơ sở đóng tàu tự đóng, tự lắp đặt các loại máy móc, thậm chí dùng máy cũ, dẫn đến chết máy hay vận hành không hiệu quả. Có những con tàu được cho là đóng với loại thép ngoại nhập tốt nhất thế nhưng nhanh chóng xuống cấp, sắt gỉ, hư hỏng nặng khắc phục tiền tỉ, mỗi chuyến ra khơi là mỗi chuyến lỗ nặng.

Riêng trường hợp tàu vỏ thép QNa-94679 TS ngư dân Trần Văn Liên nằm bờ gần 2 năm sau khi chạy thử nghiệm, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đề nghị Công an vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân.

Ngư dân Trần Văn Liên quyết đưa sự việc ra toà.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận định: “Theo tôi tàu vỏ sắt của ngư dân Liên là có vấn đề rồi, vì sao con tàu trị giá 16 tỷ đồng, mới đưa vào hoạt động thử lại hư hỏng máy móc, việc này không thể chấp nhận được. Mà không chỉ có tàu của ngư dân Liên, tất cả các tàu trên địa bàn cần phải xem xét lại, nếu phát hiện ra sự cố cần báo ngay cho các ngành chức năng. Tự ngư dân với doanh nghiệp thì lúc nào ngư dân cũng chịu thiệt nhiều”.

Điều đáng nói, trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu kinh tế biển đóng góp 53 – 55% GDP và 55 – 60% vào kim ngạch xuất khẩu. Đẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ không chỉ là hoạt động góp phần phát triển kinh tế, mà còn nhằm mục đích xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Thế nhưng dù có những chủ trương, chính sách, chiến lược tốt, chi tiền nghìn tỉ mà buông lỏng quản lý, phó mặc cho chủ đóng tàu, muốn dùng loại sắt, thép, máy móc gì, thậm chí là máy cũ, thiết kế không phù hợp,… gây nên thảm cảnh như những chiếc tàu vỏ sắt đã hư hỏng, việc này rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề, xử lý nghiêm minh, để ngư dân không đánh mất niềm tin và chiến lược kinh tế biển Việt Nam đế năm 2020 mới đem lại những kết quả như mong muốn.

Ông Huỳnh Tấn Đức, Sở NN&PTNT.

Thiệt hại đã rơi về phía ngư dân

Sáng ngày 9/7, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT cho Đại đoàn kết biết: “Riêng vụ việc tàu ông Liên đã đưa ra toà, rõ ràng thiệt hại đã rơi về phía ông Liên, chắc chắn một điều sở và Hội nông dân sẽ đứng về phía ngư dân để hỗ trợ về mặt pháp lý, cần thiết thì phải đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ. Sở cũng đã làm việc với ngư dân các vấn đề liên quan đến tàu 67, như BHXH, khắc phục các sự cố tàu vỏ thép và đã bảo cáo về Bộ NN&PTNT”.

Ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi.

Cần xử lý nghiêm

Trong khi đó, ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Ở Quảng Ngãi phải nói rằng sự cố tàu vỏ thép có xảy ra nhưng không nghiêm trọng, nhưng nếu có sai phạm trong quá trình đóng tàu này thì theo tôi dứt khoát phải làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm vì đây không chỉ là vấn để mưu sinh đánh bắt thuỷ hải sản mà còn là bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra khơi khật khừ, 'tàu 67' nằm bờ hàng loạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO