Rà soát hàng loạt bất động sản

Lê Anh 07/11/2022 08:00

Ngoài 156 bất động sản liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các lực lượng chức năng đang tiếp tục phối hợp rà soát một loạt các địa chỉ nhà đất, kiểm tra nhiều sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn đầu cơ và tiêu cực trong lĩnh vực này.

IFC One Saigon là một trong những dự án bất động sản thuộc diện rà soát đang được Công an và Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM phối hợp kiểm tra.

Ngay sau khi bắt bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm liên quan, Công an TPHCM đã gửi văn bản đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM rà soát nguồn gốc của 156 bất động sản (BĐS) liên quan tập đoàn này và cung cấp thông tin cho Phòng An ninh kinh tế trước tháng 10/2022. Hiện nay, ngoài các địa chỉ nhà đất tại ngoại vi thành phố (chủ yếu tập trung tại TP Thủ Đức), hầu hết các BĐS còn lại đều là nhà đất mặt tiền nằm ở trung tâm “đất vàng” của TPHCM (quận 1,3,5,7). Đáng chú ý, ngoài Tòa nhà IFC One Saigon tại trung tâm quận 1, các tòa nhà của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Công an TPHCM đưa vào danh sách rà soát tiêu cực, gồm Trung tâm Time Square số 22-36 Nguyễn Huệ; Saigon Prince tại số 59 - 73 Nguyễn Huệ; tòa nhà Union Square tại số 171 Đồng Khởi hay tòa nhà Trung tâm dịch vụ văn phòng VTP tại số 8 Nguyễn Huệ. Tất cả các tài sản này đều nằm trên tuyến đường đắt đỏ bậc nhất của quận 1, TPHCM, với giá trị thực tế trên thị trường lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Sở dĩ các BĐS của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được đưa vào diện rà soát tiêu cực do trước đó công an đã khởi tố, bắt giam nhiều cá nhân liên quan, trong đó có Chủ tịch Tập đoàn này. Đồng thời, các cá nhân đang bị điều tra về các hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan, với số tiền rất lớn. Bên cạnh đó, quyết định khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các bị can đồng phạm để điều tra về các hành vi sai phạm trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.

Vụ sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với việc sở hữu hàng trăm BĐS trên “đất vàng” trung tâm TPHCM cũng có liên quan đến hàng trăm các doanh nghiệp khác tại TPHCM và nhiều địa phương. Trong đó, ngoài 12 cá nhân tại TPHCM, còn có 2 cá nhân là người nước ngoài, gồm Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Australia) và Trương Vincent Kinh (quốc tịch Mỹ) bị đưa vào danh sách “đóng băng” các tài sản nhà đất và tài chính liên quan để phụ vụ điều tra mở rộng vụ án.

Ngoài TPHCM, Bộ Công an cũng đã đề nghị “đóng băng” tài sản của 762 công ty và 14 cá nhân liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó có hàng trăm các BĐS có giá trị lớn. Mới đây nhất, Công an TPHCM đã bắt thêm các ông Nguyễn Tín Trung - nguyên Chủ tịch HĐTV và ông Nguyễn Phước Ngọc - nguyên Tổng Ciám đốc Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn (RESCO) để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” do liên quan đến các sai phạm trong lĩnh vực này.

Để siết chặt các hành vi đầu cơ, tiêu cực khiến ảnh hưởng đến thị trường BĐS nói riêng và điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TPHCM và các sở, ban, ngành liên quan tập trung vào rà soát nhiều cá nhân, tổ chức có dấu hiệu sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực này. Cùng với Công an TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, 2 tổ công tác của Sở Xây dựng TPHCM đang tiến hành kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của 61 sàn giao dịch BĐS trên địa bàn thành phố. Các sàn giao dịch tập trung tại điểm nóng TP Thủ Đức, với hiện tượng giá đất xung quanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Đỉnh điểm là việc 4 doanh nghiệp bỏ cọc tại các lô đất vàng ở khu đô thị này đã khiến Nhà nước thiệt hại nhiều tỷ đồng, đồng thời khiến thị trường BĐS và thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng khủng hoảng suốt nhiều tháng liên tiếp.

Theo ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đợt kiểm tra 61 sàn giao dịch BĐS lần này nhằm tăng cường kiểm tra, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch BĐS. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan. Cũng theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, qua các hoạt động kiểm tra, rà soát trong lĩnh vực BĐS sẽ là cơ sở để thành phố đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch BĐS, từ đó có giải pháp để phối hợp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cần có biện pháp để chống sốt đất ảo, đồng thời cần có quy định người tham gia đấu giá đất phải là người địa phương để ngăn chặn tiêu cực. Góp ý kiến Luật Đất đai (sửa đổi), ông Châu cho rằng, một trong nguyên nhân là bất cập của một số quy định dưới luật cho phép tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Do đó, cần phải có quy định cụ thể để ngăn chặn xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tách thửa, phân lô bán nền tràn lan, gây ra các cơn “sốt ảo” như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát hàng loạt bất động sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO