Rầm rộ mùa đại hội cổ đông

T.Hằng 07/03/2017 09:40

Mùa đại hội đại cổ đông (ĐHĐCĐ) ngân hàng năm 2017 được dự báo tăng độ nóng với các diễn biến mua bán sáp nhập, chi trả cổ tức, tăng vốn điều lệ.

Nóng chuyện mua bán - sáp nhập

Vietcombank và Sacombank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 28/4 còn Eximbank vào ngày 21/4. Câu chuyện mua bán – sáp nhập, giải quyết nợ xấu vẫn là những chủ đề nóng của mùa đại hội.

Hiện Vietcombank đã đăng ký với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ một ngân hàng yếu kém và sẽ bắt tay thực hiện tái cơ cấu ngân hàng này sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, ngày 24/2, NHNN đã ban hành quyết định về việc chấm dứt các chức vụ của ông Trầm Bê và con trai ông là Trầm Khải Hoà tại Sacombank. Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện Phương án tái cơ cấu Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đại hội đồng cổ đông của Sacombank cũng là một đại hội được giới chuyên gia cũng như nhiều người trong cuộc “hóng” nhất.

Có thể nói, chặng đường tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gần như đã diễn ra khá thành công. Nhiều ngân hàng yếu, kém bị sáp nhập. Bước thành công của Ngân hàng Nhà nước trong đoạn đường đầu của tái cơ cấu là đã ổn định được hệ thống thanh khoản. Thế nhưng, nếu so với yêu cầu khu vực thì sức khỏe các tổ chức tín dụng vẫn chưa được như ý. Đồng thời để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng với các quy chuẩn của chuẩn ngân hàng Basel II, các nhà băng buộc tăng sức đề kháng cho mình. Trong đó vốn là yêu cầu không thể coi nhẹ. Điều này cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng bàn chuyện tăng vốn trong mùa đại hội.

Ngân hàng tự nâng chuẩn

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Ngân hàng vẫn đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, với nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cao. Chúng ta đang còn khoảng 200 ngàn tỷ nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân. Thống đốc cũng đã đưa thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội NH châu Á diễn ra gần đây.

Để thực hiện được điều này, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi. Với sự áp dụng của Basel II và xu hướng tuân thủ những quy chuẩn quốc tế, nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mong muốn mua lại các ngân hàng nội địa và tham gia quá trình tái cấu trúc vì họ sẽ không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng. Chúng ta vẫn cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác. Chúng ta cũng nên xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản. Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém trên thị trường mà NHNN không cần tốn nhiều nguồn lực để giải quyết.

Song có 1 điểm quan trọng nhất mà các cổ đông quan tâm mùa đại hội đó là việc chia cổ tức như thế nào. Vì đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi sát sườn nhất của cổ đông. Thế nhưng vì phải tự nâng chuẩn đáp ứng yêu cầu Basell, hoàn thành các áp lực tăng vốn có thể ngân hàng sẽ cân lên đặt xuống việc trả cổ tức hay né cổ tức để tăng vốn.

Được biết, phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã xin phép Chính phủ cơ chế cho phép các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước được giữ lại phần lợi nhuận để tăng vốn.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc ngân hàng muốn giữ lại cổ tức để tăng vốn là bình thường. Với ngân hàng tốt, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng có lợi cho nhà đầu tư, bởi sẽ làm khối tài sản tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rầm rộ mùa đại hội cổ đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO