Ranh giới của sự đồng thuận

Gia Bảo 05/07/2020 09:00

Những ngày qua dư luận xôn xao về việc Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc ra thông báo “không tiếp nhận” một số học sinh vào năm học tới, đặc biệt có những học sinh từng học tại đây cả chục năm. Động thái này từ nhà trường đã khiến các phụ huynh và học sinh vô cùng bức xúc và bất ngờ, thậm chí là “sốc”.

Thông báo của nhà trường đại ý nói rằng, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù nhà trường đã cố gắng hết mức, nhưng vẫn không thể đạt được sự đồng thuận với một số phụ huynh. Sự bất đồng về quan điểm dẫn đến những sự cố gây bất ổn tới môi trường học tập của các em học sinh và cho các thầy cô. Để đảm bảo lợi ích phát triển tốt nhất cho em, nhà trường buộc lòng phải thông báo tới phụ huynh rằng, Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc sẽ không thể tiếp nhận em tiếp tục học tập tại trường vào năm học 2020 - 2021.

Theo chia sẻ của một số phụ huynh, đa số các trường hợp học sinh bị đuổi đều có cha mẹ là những người từng có hành động phản đối, khởi kiện chính sách học phí của nhà trường trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua. Trong số đó, cũng có những người không hề ký đơn khởi kiện, hay lên trường đòi quyền lợi. Tuy nhiên, con họ vẫn bị buộc thôi học…

Được biết, sau khi nhận thông báo thôi học, nhiều em học sinh đã “sốc tâm lý” và khóc nhiều ngày. Không khóc sao được khi có thể học sinh đó đã từng là học sinh giỏi nhiều năm liền, gắn bó với ngôi trường có thể cả chục năm? Các em không thể hiểu được vì sao em học tốt như vậy, ngoan như vậy, gắn bó với ngôi trường và các thầy cô lâu như vậy bỗng nhiên lại bị… buộc thôi học - “cụm từ” có lẽ chỉ dành cho những học sinh cá biệt. Và liệu, các em có “buồn bực” với phụ huynh mình không, khi lên tiếng vì sự việc này?

Về lý, các khoản thu ở trường tư thục được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 86 về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo đó, các khoản thu được thực hiện trên cơ sở nhà trường thống nhất với phụ huynh. Học phí thu theo thỏa thuận. Các trường tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục, phụ huynh đồng ý thì bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ. Nếu không, họ có thể tìm trường khác. Nhưng ở đây, khi phụ huynh không nhất trí với chính sách của nhà trường, thì không để phụ huynh quyết định, nhà trường đã “dằn mặt” trước phụ huynh rồi…

Về vấn đề này, nhiều phụ huynh có con học tại trường Việt Úc cho rằng, việc phụ huynh phản đối chính sách học phí là chính đáng. Vì chính sách của nhà trường đưa ra quá tàn nhẫn. Trong mùa dịch Covid-19 ai cũng khó khăn, nên đòi quyền lợi cho mình là điều hoàn toàn hợp lý. “Nếu phụ huynh im lặng trước chính sách học phí của nhà trường, sẽ tạo thành tiền lệ rất xấu cho các trường tư thục. Hành động của nhà trường là hành động dằn mặt, tạo tiền lệ xấu sau này”- một phụ huynh chia sẻ.

Trước đó, trong suốt thời gian nghỉ dịch Covid-19, Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc đã liên tục gây bức xúc cho các bậc phụ huynh khi ra thông báo thu học phí dù chỉ thực hiện việc giảng dạy online. Sau đó rất nhiều phụ huynh đã kéo nhau lên trường phản đối, và cùng nhau khởi kiện chính sách học phí của nhà trường trong mùa dịch vào cuối tháng 5.

Chưa nói đến “cái tình” trong quyết định cho thôi học các học sinh, chỉ cần nói tới ranh giới của sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh mới thấy thật mông lung. Trong khi, giữa hai bên nhà trường và gia đình, có một thực thể ở giữa quan trọng nhất lẽ ra không bao giờ được làm tổn thương - là học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ranh giới của sự đồng thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO