Rào cản nhân tài

Tinh Anh 01/12/2020 07:13

Xét về lý thuyết, bằng cấp, chứng chỉ thể hiện năng lực, trình độ người sở hữu chúng. Song, nếu quá chú trọng đến những mảnh giấy chứng nhận đó thì sẽ tạo ra thực trạng mua bán bằng cấp, những người giỏi thực sự lại bị loại ra bởi chính rào cản này.

Sau nhiều năm quá xem trọng các loại chứng chỉ, bằng cấp, giờ một số cơ quan quản lý nhà nước mới nhận ra rằng, có những loại chứng chỉ, bằng cấp chỉ là “đồ trang sức”, chứ không giúp ích gì được cho chủ nhân của nó. Có những người nếu kiểm đếm có đến một vali chứa đầy các loại bằng cấp, chứng chỉ, nhưng năng lực chuyên môn lại rất yếu, thậm chí là kém. Trong khi có người chẳng có bằng cấp gì lại rất giỏi nghiệp vụ.

Đơn cử, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức đều có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Song, có bao nhiêu người trong số đó có thể đọc chuẩn và lưu loát tên người nước ngoài, hay biết sử dụng thành thạo các chức năng của word, excel? Tất nhiên tỷ lệ đó không nhiều, bởi người ta đâu có cần làm việc thực tế, mà chỉ là buộc phải trang bị các loại chứng chỉ đó để hợp lý hóa hồ sơ khi thi công chức, viên chức, đề bạt, bổ nhiệm...

Song, có rất nhiều trường hợp chẳng có cái chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nào lại có thể sử dụng thành thạo máy tính, thậm chí còn có thể thực hiện một số kỹ năng cơ bản như cài Windows, tận dụng tối đa các chức năng của bộ Microsoft Office. Đáng tiếc, những người biết làm thực tế thì lại không có những “mảnh giấy chứng nhận” để có cơ hội vào làm việc tại các cơ quan, công sở, nói gì trở thành công chức, viên chức, cán bộ.

Ngay cả khi đã được vào làm tại các cơ quan nhà nước, người thực tài cũng khó có cơ hội để phát triển, thể hiện tài năng bởi “hàng rào” chứng chỉ, bằng cấp. Đơn cử, hiện muốn trở thành chuyên viên chính, công chức, viên chức buộc phải xuất trình được chứng chỉ chuyên viên. Trong khi trên thực tế, hầu hết công chức, viên chức vốn đã là chuyên viên rồi, chỉ có điều họ chưa được cấp chứng chỉ chuyên viên mà thôi.

Có một câu chuyện hết sức buồn cười, đó là có những phóng viên đã công tác hàng chục năm trong cơ quan báo chí, viết rất giỏi, nhưng anh ta lại không được công nhận là phóng viên hạng bét nhất (hạng 3), vì anh ta chưa đi học và chưa được cấp chứng chỉ. Và vì thế, nếu anh phóng viên này muốn thi lên phóng viên chính (hạng 2) thì trước tiên buộc phải đi học lớp phóng viên hạng bét để lấy chứng chỉ kẹp vào hồ sơ.

Đương nhiên sẽ có ý kiến cho rằng, nếu những chuyên viên, phóng viên đã giỏi thì sợ gì việc đi học, thi lấy chứng chỉ? Vâng, nếu xét về thực lực thì nhiều trường hợp có thể đạt đến trình độ chuyên viên và phóng viên cao cấp (hạng 1), nhưng vì sao họ lại không đi học và thi lấy chứng chỉ hạng 3 ư? Đơn giản vì nhiều người không có điều kiện, không đủ tiền để đi học và thi. Mỗi khóa học và thi như vậy đâu có rẻ?

Đó là còn chưa kể có nơi, đôi lúc, việc học hành, thi cử không hề thực chất, không phải cứ giỏi là được đi học và thi đỗ, mà phải dựa vào mối quan hệ, tiền bạc. Chẳng phải người ta vẫn truyền tai nhau “khẩu quyết” có thể ứng dụng trong mọi trường hợp: Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ đó sao? Thực tế như vậy thì liệu giỏi có ích gì, vững về chuyên môn nghiệp vụ thì đã sao chứ? Tốt nhất là an phận thủ thường, chớ có bon chen.

Việc quy định vô số loại chứng chỉ, bằng cấp bắt buộc trong hồ sơ không chỉ loại bỏ khá nhiều người tâm huyết, thực tài, mà còn dẫn đến thực trạng là các trường đào tạo đua nhau mọc lên mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Rất nhiều bộ, ngành, địa phương mở trường đào tạo các loại chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước... mà không hề lo khâu tuyển sinh, bởi người cần “làm đẹp” hồ sơ rất nhiều, gạt không hết.

Ngay như mới đây thôi, Bộ GTVT đề xuất các tài xế kinh doanh vận tải ngoài bằng lái xe còn buộc phải có chứng nhận nghiệp vụ kinh doanh vận tải do cơ quan này cấp. Và nếu nhận được cái gật đầu của cơ quan có thẩm quyền, sẽ có vô số trường đào tạo nghiệp vụ kinh doanh vận tải được mọc lên để đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề này. Đây chính là một loại “giấy phép con” được “đẻ ra” để “kiếm thêm thu nhập”.

Nếu tới đây, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dỡ bỏ tất cả các loại “giấy phép con” trong công tác cán bộ, không hiểu những trung tâm, trường lớp chuyên đào tạo các khóa học ngắn hạn để cấp chứng chỉ sẽ làm gì? Không lẽ phải giải thể, lúc đó hàng trăm nhân sự của mỗi trung tâm, trường đào tạo đó biết làm gì để sinh sống đây? Lâu nay các trung tâm đào tạo là nguồn thu kinh phí đáng kể, giờ biết trông vào đâu đây?

Song, nếu không dỡ bỏ rào cản là “một rừng giấy phép con” trong công tác cán bộ, sẽ vẫn quẩn quanh trong cái vòng tròn lặp, đó là người có hàng tá bằng cấp chứng chỉ thì chẳng biết làm gì, người giỏi chuyên môn nghiệp vụ lại không được trọng dụng, cất nhắc.

Công tác cán bộ có vai trò quyết định đến vận mệnh của đất nước, việc chúng ta có thể sánh vai các cường quốc năm châu, hay dậm chân tại chỗ đều phụ thuộc vào việc có chọn được người thực tài hay không. Vậy nên, đã đến lúc dỡ bỏ hoàn toàn rào cản nhân tài!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rào cản nhân tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO