Rất khó để có một NSND Đàm Liên

Từ Khôi (ghi) 27/04/2020 08:00

NSND Đàm Liên được giới nghệ sĩ và khán giả yêu nghệ thuật tuồng ca tụng với nhiều mỹ từ cao nhất: Nữ hoàng sân khấu Tuồng, Bà chúa sân khấu Tuồng, Vua Tuồng. Để có được sự thành công này là một quá trình khổ luyện vô cùng. Được tin NSND Đàm Liên vừa qua đời, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói về NSND Đàm Liên.

Rất khó để có một NSND Đàm Liên

NSND Đàm Liên.

NSND Đàm Liên có tên khai sinh là Đàm Thị Liên. Chị sinh năm 1942 tại xã Xuân Long, Đồng Xuân, Phú Yên. Ông ngoại chị là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ cũng là một nghệ sĩ tuồng với nghệ danh đào Cúc. Trước khi chuyển vào Nhà hát Tuồng Việt Nam năm 1970, chị là diễn viên của Đoàn Tuồng Dân ca khu 5, Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Tính từ năm 1975 đến 1996, sau khi tôi chuyển công tác sang làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin thì có tới 20 năm công tác với NSND Đàm Liên.

Tôi và NSND Đàm Liên đã từng có nhiều vai diễn được đánh giá cao như trong vở “Lý Phụng Đình”, “Đào Phi Phụng”, “Nghêu Sò Ốc Hến”…

NSND Đàm Liên là một nghệ sĩ tài năng, trước thế hệ của chúng tôi 10 năm. Bà nổi tiếng với nhiều vai diễn để đời. Tôi còn nhớ vai diễn trong vở Nghêu Sò Ốc Hến đã được quay thành phim, được chiếu từ những năm 60 của thế kỷ XX. Những năm trước giải phóng, thống nhất đất nước, khi chúng tôi chưa ra trường thì chị đã nổi tiếng lắm rồi. Chị vào vai Trưng Trắc trong vở Trưng nữ vương và đã từng biểu diễn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xem năm 1960. Lúc đó, chị còn trẻ, và ngoài nổi tiếng với vai diễn Trưng Trắc còn là vai diễn khác rất “đối nhau” là vai Bà Huyện trong Nghêu Sò Ốc Hến. Chị học nghề từ năm 14 tuổi và đã từng biểu diễn cùng NSND Võ Sĩ Thừa từ lúc trẻ trong vai Ái Nương vở Trần Bình Trọng.

Chị Đàm Liên là nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực. Trên sân khấu tuồng có nhiều vai đào: Đào võ, đào lăn, đào thương, rồi vai hài, vai bi… chị vào nhiều vai diễn khó đều rất xuất sắc. Để có thành công đó, phải kể đến sự lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ của chị. Chị là người không bao giờ để người ta coi thường nghề của mình. Và cũng không bao giờ để người ta coi thường trí tuệ và sức lao động của người nghệ sĩ. Chị luôn trăn trở, học hỏi. Đôi mắt chị biểu diễn rất có thần. Tôi được biết một nhà thơ nổi tiếng (Lưu Trọng Lư) đã tả đôi mắt của chị bằng câu thơ:

Mắt em là một dòng sông

Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em.

Để nâng cao nghề, chị không ngại đi học thêm để trau dồi kiến thức, chị học đạo diễn, đi giảng dạy…

Sau giải phóng năm 1975, chị không vào Nam mà gắn bó với Nhà hát Tuồng Việt Nam. Một lần nữa, chị phải trau dồi về nghề rất gian nan. Đặc thù Tuồng Bắc thì giọng cao hơn Tuồng miền Trung. Chị phải luyện giọng, nói tiếng cho chuẩn Bắc rồi lại học hát. Lúc đó chị đã 33 tuổi rồi. Với người nghệ sĩ tuồng thì lúc đó mới luyện thanh giọng Bắc thì rất khó. Vậy mà chị khiến khán giả thán phục.

Rất khó để có một NSND Đàm Liên - 1

NSND Đàm Liên trong “Ông già cõng vợ đi xem hội”.

Vai diễn nổi tiếng nhất của chị có lẽ là vai Ông già cõng vợ đi xem hội. Vai diễn biểu diễn lần đầu ngày 19/7/1979 tại rạp Đại Nam (Hà Nội). NSND Đàm Liên thể hiện cả hai vai: Ông già 70 tuổi và cô vợ 17 tuổi. Vở diễn đã đạt kỷ lục với hơn 2.000 đêm diễn. Vai diễn này cũng được đạo diễn, NSND Hải Ninh đưa vào phim Đêm hội Long Trì và cũng xuất hiện trong phim Mê Thảo thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh. Thời điểm sau 1975 này, chúng tôi đang phục dựng lại một số trích đoạn mẫu mực trong các tích tuồng cổ để đi diễn ở một số nước trên thế giới. NSND Ngọc Phương cùng các thầy tuồng ở miền Bắc phục hồi lại trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội, và phân vai này cho chị Đàm Liên. Không ngờ chị ấy tự ái. Chị cho là NSND Ngọc Phương “chơi xỏ”. Một là vai diễn này rất khó, khi chị đã gần 40 tuổi. Ngay cả người còn trẻ có hình thể tốt cũng rất khó biểu diễn vì động tác của vai diễn phức tạp. Điều thứ hai là chuyện riêng tế nhị khi chị cho rằng đạo diễn “chơi xỏ” khi diễu chị lấy chồng là nhạc sĩ Vĩnh An hơn gần 20 tuổi. Chị Đàm Liên ngồi khóc. Chúng tôi phải động viên mãi, nói: Chỉ có những nghệ sĩ tài năng mới có thể biểu diễn cùng lúc hai vai. Các thầy thấy chị có khuôn mặt đẹp, khả năng phân thân biểu diễn rất tốt. Nếu thành công thì vai diễn để đời. Khi nhận lời rồi chị khổ luyện rất vất vả. Suốt mấy tháng trời chị tập luyện, nghiên cứu. Nhân vật lúc nào cũng phải đi chùn chân. Và con mắt xanh của các thầy tuồng Bắc đã không nhầm. Nói đến NSND Đàm Liên không thể không nhắc đến vai diễn Ông già cõng vợ đi xem hội. Không chỉ thành công trong nước, vai diễn này của chị còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam khi tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Bunlgari, Ba Lan, Italia, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ai Cập, Thái Lan, Ấn Độ.

Tôi và chị cùng được phong NSƯT đợt 1. Năm 1993 chị được phong NSND. Với nhiều vai diễn nổi tiếng, chị đã giành được 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc trong các hội diễn, liên hoan sân khấu. Tôi nhớ các vai chị diễn như: Ái Nương trong Trần Bình Trọng; Loan Dung trong vở Lý Phụng Đình biểu diễn cùng tôi năm 1990…

Với đồng nghiệp, chị Đàm Liên rất nhiệt tình và có trách nhiệm. Chị như người mẹ, người cô, người thầy truyền nghề…

Tuồng là loại hình nghệ thuật vô cùng khó. Theo nghề phải khổ luyện, phải ném cả đời vào nghề. Diễn viên phải biết hát, biết múa trong hàng tiếng đồng hồ. Những vai nữ tướng, diễn viên hóa trang từ đầu đến chân chỉ hở hai bàn tay, phục trang hia, hài, áo giáp thì nặng 2 – 3kg. Rồi còn múa kiếm, dáo, mác… Để học nghề mất vài năm học, mới thành diễn viên quần chúng cầm cờ, quạt. Khổ luyện một thời gian mới được giao vai chính. Một vai chính cũng lại phải tập luyện hàng tháng trời… Trong thời buổi này, tuồng bị cạnh tranh nhiều, nên những nghệ sĩ có năng khiếu cũng khó toàn tâm cho nghề. Thế nên, để có được một NSND Đàm Liên thứ hai khó vô cùng…

NSND Đàm Liên từng là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nghệ sĩ Sân khấu (1984 - 1989), Ủy viên Ban chấp hành UNESCO Việt Nam (1996), Đoàn trưởng Đoàn tạp kỹ UNESCO, Trưởng đoàn bảo tồn, nghiên cứu & phát huy văn hoá dân tộc. Ngoài ra bà còn có 3 công trình nghiên cứu về sân khấu.
Lễ viếng NSND Đàm Liên diễn ra vào 9h ngày 28/4 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy số 1 Trần Vỹ (Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10h ngày 28/4, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rất khó để có một NSND Đàm Liên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO