RCEP tăng tốc hội nhập

Thúy Hằng 22/11/2020 08:39

Dư âm của tuần qua, thông tin được nhiều báo cập nhật có lẽ là Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã dẫn dắt các mối quan hệ kinh tế để Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết.

Tất cả minh chứng cho quyết tâm của ASEAN hướng đến thúc đẩy tự do hóa thương mại và tiếp tục duy trì quá trình toàn cầu hóa.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mớ ra cơ hội nhưng cũng là thách thức với hàng hóa của Việt Nam.

Thêm những cơ hội mới

Hàng loạt hãng truyền thông lớn trên thế giới trong tuần qua đã đưa tin về lễ ký kết Hiệp định RCEP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Hiệp định RCEP chính thức được khai sinh sau lịch sử đàm phán 8 năm. Với quy mô 2,2 tỉ người dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu, Hiệp định RCEP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP cũng góp phần quan trọng cho việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.

Với các cam kết của hiệp định, khi thực thi, RCEF sẽ tạo ra thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa thương mại dịch vụ, đồng thời cải cách sâu đậm các lĩnh vực để thực hiện thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại. Đây là động lực to lớn giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Như vậy cùng với các Hiệp định thương mại tư do (FTA) khác, đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA), RCEF có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu, nền tảng cũng như chiến lược dài hạn của Việt Nam; tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia có vai trò, vị thế quan trọng trong toàn cầu hóa cũng như hội nhập của khu vực với thế giới.

Việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. RCEP được cho là sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, thời gian thực hiện cam kết giảm thuế của RCEP dài nên Việt Nam sẽ tránh được cú sốc về giảm thuế.

Theo kỳ vọng RCEF sẽ là đóng góp to lớn, không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố hệ thống thương mại đa phương, vô cùng cần thiết cho toàn cầu hóa. Tuy nhiên, đằng thẳng mà nói, với Việt Nam, để phát huy được các lợi thế tiềm năng về thương mại của RCEF cần phải được cơ quan quản lý hướng dẫn cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, RCEP là “mắt xích”, điểm nhấn cần thiết để đảm bảo những hoạt động tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập, từ đó tạo ra phát triển kinh tế xã hội bền vững, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam có trọng trách dẫn dắt và hợp tác với các nước đối tác để cùng phục hồi, thúc đẩy kinh tế toàn khu vực phát triển, như việc đưa ra các Tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác và hạn chế tác động của dịch Covid-19 giữa các nước ASEAN và các nước đối tác trong khu vực.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để tiếp tục hướng tới phát triển và hợp tác khu vực bền vững, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc điều chỉnh các chương trình hợp tác trong ASEAN một cách phù hợp với tình hình mới, nhất là thông qua việc đánh giá giữa kỳ quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.

Doanh nghiệp tăng kết nối

Nhưng điều mà doanh nghiệp quan tâm là RCEF mang lại gì cho doanh nghiệp? Trước tiên, RCEF sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Đặc biệt là một quốc gia nông nghiệp, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ vươn sâu hơn vào các thị trường quen thuộc, đem lại hàm lượng giá trị thặng dư nhiều hơn.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong bày tỏ, trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là phải cho thế giới thấy rằng chúng ta đang mở cửa kinh doanh, với một nền kinh tế ổn định và hội nhập, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Giới chuyên gia từng phân tích, thách thức với các DN Việt muốn XK vào thị trường ASEAN hiện vẫn rất lớn, dù Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh và có ưu đãi vì thuế quan giảm. Song năng lực của DN Việt vẫn còn hạn chế để tận dụng cơ hội. Vì vậy nếu như hiểu RCEF và tận dụng được RCEF thì năng lực của DN nhằm tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung được biến từ cơ hội thành thực tế

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối.

Đối với Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm G.Cfood thì RCEF không có ý nghĩa nhiều với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam vì khu vực ASEAN mặt hàng nông sản tương đối giống nhau. Trong khi đó, RCEP lại mở cửa cho nông sản các nước ASEAN tràn vào Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp nông sản Việt Nam sẽ phải chủ động cạnh tranh.

Tuy nhiên theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), bên cạnh những thuận lợi thì Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Hiện nay, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm xuất khẩu VIệt Nam đều ở mức độ khá khiêm tốn. Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự như nước ta nhưng lại có năng lực cạnh tranh mạnh cao hơn chúng ta. Điều đó dẫn đến khi thực thi hiệp định này thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.

Ấn tượng ASEAN trong Năm Chủ tịch của Việt Nam

Có thể nhắc lại và tự tin tự hào rằng, ký kết Hiệp định RCEP là một trong những thành tựu ấn tượng của ASEAN trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch của Hiệp hội.

Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN của Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) - bà Jessica Wa’u khi trả lời phỏng vấn truyền thông đã nói rằng, RCEP là dấu mốc quan trọng đối với ASEAN khi dẫn đầu hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, đồng thời đưa khu vực xích lại gần nhau hơn về thương mại. RCEP là một báo hiệu rằng ASEAN muốn làm việc với các quốc gia khác và tăng cường hội nhập kinh tế, kể cả sau năm 2020 đầy biến động.

Theo phân tích của giới chuyên gia, về mặt chiến lược, việc thực thi các Hiệp định mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là EVFTA cũng như RCEF gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định. Tuy nhiên, thông qua các hiệp định, các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước mà Việt Nam đã ký với những đối xử công bằng, minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    RCEP tăng tốc hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO