Tại các tỉnh miền Bắc, những ngày qua có nơi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch.
Lạnh đột ngột, gia tăng bệnh nhân đột qụy
Mỗi ngày, tại các trung tâm tim mạch lớn ở Hà Nội tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó.
Thăm khám tại Bệnh viện Hữu Nghị, bà Nguyễn Thị Luyến (75 tuổi, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đang ngồi ở nhà chơi với cháu thì tôi bất ngờ thấy đau đầu, đánh trống ngực nên các con vội vàng đưa vào bệnh viện để kiểm tra”. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện huyết áp của bà Luyến cao bất thường, nguyên nhân được xác định là do sự thay đổi thời tiết đột ngột.
BSCKII Đào Trọng Thành - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị thông tin: Trong những ngày vừa qua, chúng tôi thăm khám cho trung bình 50 - 60 bệnh nhân/ngày. Theo thống kê, đa phần bệnh nhân nhập viện là do bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp. Thực tế, thời tiết lạnh đột ngột khiến huyết áp dễ bị biến động, bởi vậy, người cao tuổi, người có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, tim mạch, hen, viêm phế quản mạn tính… đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao”.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Châm cứu trung ương cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân nhập viện trong những ngày gần đây gia tăng khoảng 50%, chủ yếu do đột quỵ. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện thông tin: Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân 20 tuổi cấp cứu do đột quỵ. Đây là một trong số khá nhiều bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong thời gian nhiệt độ giảm sâu gần đây. Bệnh nhân đột quỵ thường kèm theo tình trạng rất nặng nề và nhiều bệnh lý kèm theo bởi đa phần là người cao tuổi.
Một trường hợp khác, Bệnh viện Thể thao Việt Nam vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (50 tuổi, tại Hà Nội) nhập viện do đột quỵ. Được biết, bệnh nhân theo thói quen, 2 ngày cuối tuần sẽ đạp xe một vòng quanh Hồ Tây mỗi sáng sớm, sau đó trở về nhà xông hơi bằng thảo dược. Trước khi nhập viện, bệnh nhân cũng tập thể dục và xông hơi như thường ngày, nhưng sau khoảng 5 phút, bệnh nhân bất tỉnh.
PGS. TS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận cấp cứu không ít những bệnh nhân đột quỵ, tai biến mạch máu não mà nguyên nhân là do đi tập thể dục quá sớm trong thời tiết lạnh giá. Hầu hết những trường hợp này, các bác sĩ chỉ có thể xử lý cấp cứu ban đầu sau đó phải khẩn trương chuyển tuyến vì tình trạng bệnh rất nặng.
Chú trọng giữ sức khỏe mùa lạnh
Lý giải về nguyên nhân người bệnh tim mạch, đột quỵ gia tăng trong mùa lạnh, bác sĩ Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho hay: Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện tại Bệnh viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Trong mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch nguyên nhân là do thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp, từ đó, nguy cơ các bệnh tim mạch và đột quỵ gia tăng hơn so với khi thời tiết thông thường.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quang Lĩnh - Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết: Người cao tuổi huyết áp thường không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa... Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.