‘Rứa mà chừ nó chết rồi, tôi biết sống ra sao’

Tấn Thành - Chí Đại 16/04/2016 13:49

Anh Lê Thuyền, cha của em Đô (một trong 9 học sinh đuối nước hôm qua) khóc tức tưởi, rồi cho biết thêm: “Gia đình tôi quanh năm quần quật, cực khổ cam chịu mong làm để nuôi con khôn lớn sau này thoát cảnh nghèo như cha mẹ nó. Rứa mà chừ nó chết rồi, tôi cũng không thiết sống nữa!”.

Sáng ngày 16/4, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình của em học sinh Phạm Xu Sum và Lê Văn Đô, học sinh lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà là hai em có hoàn cảnh hết sức khó khăn trong vụ 9 học sinh chết đuối thương tâm.

Đường về xã Nghĩa Hà không khí tang thương bao trùm lên quê nghèo, dưới cái nắng chói chang là không khí u buồn, đau thương. Đâu đâu cũng bắt gặp những khuôn mặt buồn thiu, ở đâu cũng bàn tán về những cái chết quá thương tâm.

Trong những gia đình có các em tử nạn, trên bàn thờ khói hương nghi ngút, tiếng khóc xé lòng của mẹ cha, người thân,…

Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình em Phạm Xu Sum, không có vật dụng gì đáng giá, chỉ có những tiếng khóc than gọi con, gọi cháu đau đến xé lòng.

Bà Nguyễn Thị Dung (65 tuổi), ngụ thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà, là bà ngoại của em Phạm Xu Xum đang ngồi thẩn thờ trước hiên nhà, ánh mắt hướng về bàn thờ nơi để di ảnh của cháu Xum. Rồi cụ la khóc rất thảm thương.

Biết được hoàn cảnh của cháu Sum thì không ai có thể cầm được nước mắt. Mới sinh Sum, mẹ đã bỏ nhà ra đi biền biệt, cha cũng không biết là ai, chỉ có gia đình ngoại cưu mang, nuôi nấng cháu.

Anh Phạm Hiếu (40 tuổi) cậu của em Sum cho biết: “Cháu Sum hồi mới sinh ra được một tháng tuổi thì mẹ nó đã bỏ nhà đi xa, biệt vô âm tín. Còn ba của cháu thì tôi cũng chưa hề nghe mẹ của nó nói năng gì. Ngay từ nhỏ cháu Xum được ông, bà ngoại đùm bọc cưu mang nuôi dạy, lo cho cháu ăn học, khôn lớn.

Do ông, bà ngoại tuổi cao sức yếu nên việc chi phí kinh tế gia đình hết sức khó khăn nên các anh, em tôi cũng có đóng góp một ít tiền để cho ông, bà nuôi cháu Sum ăn học. Dù khó khăn nhưng chúng tôi thương yêu cháu vô cùng. Cháu nó cũng rất ngoan hiền. Rứa mà ai ngờ cháu lại bỏ chúng tôi mà ra đi. Quả thật đau đớn quá!”.

Bà Nguyễn Thị Dung cho biết: “Thấy chúng tôi đã già yếu, nên cháu Sum rất chăm ngoan, Những lúc được nghỉ học, cháu nó thường xuyên phụ giúp gia đình chăn giữ bò, nấu cơm, rửa chén bát, quét nhà. Mọi việc nó làm tất và rất ngoan hiền, lễ phép. Cháu rất hiếu thảo với ông bà ngoại. Chúng tôi thương cháu lắm, vì ngay từ nhỏ cháu đã thiếu đi tình thương của ba, mẹ. Đó là một sự bất công quá lớn đối với cháu. Mỗi lần đến ngày lễ thấy mấy bạn bè ở cùng thôn được ba, mẹ đưa đi chơi cháu Sum rất buồn, tôi nhìn cảnh ấy mà đứt ruột, đứt gan. Nhưng được cái không vì thế mà cháu nản bỏ học, hư hỏng. Mà nó coi đó là động lực để phấn đấu vươn lên trong học tập. Thế mà nó gánh cái bất công nữa là đuối nước mà chết. Trời ơi là trời!”. Nói rồi bà đấm ngực lại khóc đến ngất xỉu.

Anh Hiếu nói thêm: “Lúc đó khoảng chừng 1h chiều, ngày 15/4, gia đình tôi đang làm việc đồng áng ở nhà thì nghe người dân gần đó chạy đến báo tin việc cháu Sum tắm sông cùng với các bạn dẫn đến chết đuối. Tôi nghe như sét đánh vào tai mình. Ông trời sao nỡ bất công đối với cháu tôi như vậy! Gia đình cháu đã nghèo, đã khổ lại còn đau đớn như ri thì làm sao mà ngoại nó sống nỗi”.

Cách đó không xa cũng trong không khí tang thương, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, ngụ xã Nghĩa Hà, mẹ của em Lê Văn Đô ngồi bên quan tài đang than khóc đến nao lòng: “Con ơi là con, sao con lại nỡ ra đi bỏ lại mẹ một mình vậy! Con không chờ mẹ về sao hỡi con”. Tiếng khóc xé lòng của người mẹ này không ai có thể cầm được nước mắt.

Anh Lê Thuyền, cha của em Đô cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn nên ăn tết Bính Thân xong mẹ nó vào tận Sài Gòn để đi phụ bán chè cho họ để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Còn tôi đi làm phụ hồ cho các chủ thầu xây dựng để nuôi 3 đứa con nhỏ. Nên ít có thời gian quan tâm, lo lắng chăm sóc cho các con”.

Nói đến đây, người đàn ông này khóc tức tưởi, rồi cho biết thêm: “Gia đình tôi quanh năm quần quật, cực khổ cam chịu mong làm để nuôi con khôn lớn sau này thoát cảnh nghèo như cha mẹ nó. Rứa mà chừ nó chết rồi, tôi cũng không thiết sống nữa!”

Anh lại khóc! Nhìn người đàn ông khuôn mặt rám nắng, tay chân chai sạn, lăn những dòng nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ ai ai cũng nao lòng.

Trong chiều hôm qua, điều mà khiến cho nhiều người vô cùng đau xót nhất, đó là lúc cháu mất đi nhưng không có người thân ở bên cạnh.

Chị Hồng tức tốc đi trong đêm mới vừa trở về. Bởi mưu sinh chị phải lặn lội nơi phương xa Sài Gòn để có tiền gửi về cùng với anh Thuyền lo cho mọi việc chi tiêu của gia đình.

Em Đoàn Thị Hồng Dung, bạn học cùng lớp với 9 em học sinh, lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà cho biết: “Khi em nghe tin 9 bạn học cùng lớp em rủ nhau đi tắm sông sau giờ học dẫn đến chết đuối em rất đau buồn vì mất đi một số người bạn thân thương. Giờ đây lớp học em sẽ trống vắng, thiếu đi những tiếng cười nói của các bạn. Hiện tại, em và các bạn trong lớp đã đi đến từng nhà bạn bị chết đuối để thăm hỏi và chia sẻ”.

Ông Trần Thanh Trọng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: “Trước sự việc 9 em học sinh ở trường THCS Nghĩa Hà rủ nhau đi tắm sông Trà Khúc bị chết đuối, là sự mất mát quá lớn đối với địa phương. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành tỉnh đến từng nhà để thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân. Trong thời gian tới, tôi sẽ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước và đặt biển báo cấm để cho các em biết mà phòng tránh, hạn chế đáng tiếc như sự việc trên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Rứa mà chừ nó chết rồi, tôi biết sống ra sao’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO