Rửa tay, một trong những cách để tránh nhiễm bệnh và lây lan vi khuẩn

An Chi 04/06/2021 08:00

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn. Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả giúp hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (chủng mới của virus Corona) lây lan khi dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp chứa virus xâm nhập vào cơ thể chúng ta từ mắt, mũi, họng qua giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc thông qua bàn tay chạm vào những vật dụng trung gian chứa virus rồi đưa lên mặt.

Vì vậy, “Bàn tay không an toàn” cũng chính là “công cụ” phổ biến nhất khiến virus lây lan từ người này sang người khác. Do đó, để chặn đứng con đường virus xâm nhập vào cơ thể, việc rửa tay thường xuyên và sạch sẽ là hết sức quan trọng.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), sau 20 giây rửa tay với nước và xà bông hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn, chúng ta có thể ngăn ngừa được tới 200 bệnh. Chưa hết, vệ sinh cá nhân, trong đó có đôi tay là hàng rào bảo vệ đầu tiên ngăn ngừa khoảng 30% bệnh tật liên quan đến tiêu chảy và khoảng 20% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (như cảm lạnh).

Để lý giải điều này, các nhà khoa học cho biết thêm: Xà phòng có thể vô hiệu hóa SARS-CoV-2 và các loại virus khác có lớp phủ ngoài gọi là “phong bì” vốn giúp cho mầm bệnh có thể bám và xâm nhập các tế bào mới. Các “phong bì” virus và những phân tử xà phòng đều chứa các chất béo mà có khuynh hướng tương tác lẫn nhau khi chúng đặt gần nhau, xà phòng sẽ phá vỡ các “phong bì” và “chặt cụt” mầm bệnh của virus. Các chất khử trùng tay có chứa cồn cũng nhắm mục tiêu vào những “phong bì” virus dạng này.

Ông Benhur Lee - một nhà Vi sinh học tại Trường y học Icahn (Mount Sinai, New York) giải thích: “Trong khi xà phòng dùng tính vật lý để phá hủy “phong bì” bằng một lực cực mạnh thì cồn làm thay đổi các đặc tính hóa học của “phong bì” khiến cho nó mất ổn định và dễ bị thấm ra ngoài (lưu ý rằng cồn ở đây là một dạng hóa chất như ethanol hay isopropyl).

Cồn cũng xâm nhập sâu vào “nội thất” của mầm bệnh, phá vỡ chất đạm của virus. Các chất khử trùng tay được sản xuất mà không có cồn (như được quảng cáo trên thị trường là “an toàn cho trẻ em” hay “tự nhiên”) đều không có cùng tác dụng như chất khử trùng có chứa cồn.

CDC khuyến nghị nên dùng các chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% nồng độ cồn (40% còn lại là nước để phá vỡ các chất đạm của mầm bệnh, nếu là 100% cồn thì không hoàn toàn tốt). Nhưng theo CDC, chất khử trùng tay tỏ ra bất tiện hơn cách rửa tay bằng nước và xà phòng, đồng thời chất khử trùng tay chứa cồn chỉ có chức năng khử khuẩn chứ không hoàn toàn khiến tay sạch như xà phòng và nước.

Nên sử dụng nước rửa tay nào?

Rửa tay bằng xà phòng/xà bông và nước là cách tốt nhất để loại bỏ vi trùng trong hầu hết các tình huống, nhưng trong trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, bạn có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Bạn có thể kiểm tra nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn bằng cách quan sát nhãn sản phẩm.

Dung dịch sát khuẩn có thể nhanh chóng làm giảm số lượng vi trùng lưu trú trên bàn tay trong nhiều tình huống. Tuy nhiên cần lưu ý:

Dung dịch sát khuẩn không thể loại bỏ tất cả các loại vi trùng.

Dung dịch sát khuẩn có thể không hiệu quả khi tay bạn bị lấm bẩn hoặc dính dầu mỡ.

Dung dịch sát khuẩn có thể không loại bỏ các hóa chất độc hại khỏi tay như thuốc trừ sâu và kim loại nặng.

Do đó, chỉ dùng nước sát khuẩn tay nhanh trong những trường hợp cần thiết, rửa tay với xà phòng/xà bông và nước sạch đúng cách vẫn là cách tốt nhất.

Tác hại của việc không rửa tay đúng cách

Cho dù là do thói quen cá nhân hoặc thiếu các cách rửa tay, việc áp dụng rửa, sấy khô và vệ sinh đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho bạn. Dưới đây là một số tác hại nếu bạn rửa tay không đúng cách:

80% bệnh tật có thể lây lan qua xúc giác, do đó có nhiều khả năng bạn sẽ lây cho người khác hoặc bị lây các loại vi khuẩn có hại như Salmonella và E. Coli.

Nếu rửa tay nhưng không làm khô thì khả năng lây lan vi khuẩn từ đôi bàn tay ướt của chính mình (cũng như của các đồng nghiệp) sẽ tăng 1000 lần.

Vi khuẩn sẽ truyền sang môi trường làm việc. Ví dụ, bàn làm việc trung bình có nhiều vi khuẩn gấp 400 lần so với bàn ngồi bồn vệ sinh.

Theo đó, rửa tay đúng cách và đúng thời điểm là một trong những cách đơn giản để tránh nhiễm bệnh và lây lan vi khuẩn. Chúng ta nên rửa tay bất cứ lúc nào thấy tay bẩn. Tuy nhiên, để loại bỏ được hoàn toàn virus, vi khuẩn bám trên tay, chúng ta cần rửa tay đúng cách theo 6 bước đơn giản:

Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay dưới vòi nước. Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều.

Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay và các kẽ ngón, móng tay trong vòng ít nhất 20 giây.

Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 6: Tráng sạch tay dưới vòi nước. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn sử dụng một lần

Lưu ý: Dung dịch sát khuẩn có cồn có thể gây ngộ độc nếu uống, nuốt. Nên để xa tầm tay trẻ nhỏ và giám sát việc sử dụng.

Thời điểm rửa tay giúp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 tốt nhất

Để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, chúng ta cần rửa tay vào những thời điểm sau:

Sau khi trở về từ nơi công cộng: Những nơi công cộng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiếp xúc với nhiều người, cầm nắm vào nhiều vật dụng chung.

Trước và sau khi ăn uống: Vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp hay miệng, vì vậy cần rửa tay đúng cách trước khi ăn để tránh virus đi trực tiếp vào cơ thể và sau khi ăn để giữ đôi tay luôn sạch sẽ nếu có cầm, chạm vào thức ăn.

Sau khi đi vệ sinh: Nhà vệ sinh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh và một số nghiên cứu mới đây cảnh báo SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua đường phân. Vì vậy, rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh là rất cần thiết.

Ngoài ra, trước khi chuẩn bị thức ăn, điều trị vết thương, chạm vào người bệnh và sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, chạm vào động vật và vật nuôi, thay tã lót cho em bé hoặc giúp trẻ đi vệ sinh, xử lý rác thải… cũng cần rửa tay đúng cách để kịp thời loại bỏ virus, vi khuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rửa tay, một trong những cách để tránh nhiễm bệnh và lây lan vi khuẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO