Rủi ro hỏa hoạn tại các công trình cao tầng

P.Vân – M.Sang 18/12/2021 08:05

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2015 - 2019, trên cả nước đã xảy ra khoảng 17.844 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông cơ giới và cháy rừng. Trong đó, cháy nổ tại các cơ sở là 7.445 vụ, số vụ cháy nhà dân là 7.850 vụ; số vụ cháy ở thành thị chiếm khoảng 55,5% số lượng các vụ cháy.

Tại hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và Giải pháp” do Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 17/12, Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, với đặc điểm công năng đa dạng, thường xuyên tập trung đông người, việc bố trí mặt bằng, đường thoát nạn phức tạp, công trình cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến công tác PCCC ở nhà cao tầng là ý thức của người đứng đầu cơ sở, đơn vị quản lý vận hành công trình.

Theo Đại tá Bùi Quang Việt, thực tế nhiều công trình cao tầng hoạt động trong nhiều năm (chung cư mini, văn phòng khách sạn, nhà nghỉ cao tầng), nhà dân sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước PCCC.

Việc triển khai các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về PCCC còn một số khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận chủ đầu tư, cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.

TS Hoàng Anh Giang, Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành kết cấu xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, quy định kỹ thuật về phòng cháy của công trình dựa trên hai yếu tố chính: Công năng và quy mô (diện tích, chiều cao) của công trình. Trong đó, vai trò của vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà là quan trọng, giúp hạn chế các yếu tố nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng (khói, khí độc, nhiệt độ cao). Quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hành của Việt Nam chủ yếu được biên soạn, xây dựng dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước ngoài, tuy đã điều chỉnh theo điều kiện quốc gia song cũng chưa thể cân nhắc được hết tất cả các yếu tố liên quan. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa hiện chưa đầy đủ...

Còn theo Th.S Cao Tiến Phú, Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sự cố cháy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân cháy gây nhiều thiệt hại chủ yếu là do lửa lan rộng, khói phát ra quá nhanh gây khó khăn trong công tác cứu hộ.

Theo TS Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tại các công trình xảy ra cháy, kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy, nổ của người dân còn thấp, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Do đó, việc tập huấn, huấn luyện PCCC là giải pháp cốt lõi giảm thiểu nguy cơ, thiệt hại do cháy gây ra. Việc phòng cháy cần phải trở thành một nguyên tắc, ý thức của từng người dân, người lao động, chủ tòa nhà, công trình...

Nêu giải pháp, Đại tá Bùi Quang Việt cho rằng, cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC. Mặt khác, phải tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng. Thống nhất việc thẩm định phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rủi ro hỏa hoạn tại các công trình cao tầng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO