Rừng phòng hộ bị rút ruột

Phạm Hưởng 10/12/2015 09:06

Đầu tháng 12, chúng tôi trở lại “điểm nóng” phá rừng thuộc xã Ia Rsai, huyện Krông Pa (Gia Lai), thâm nhập khu rừng do Ban Quản lí rừng phòng hộ Ia Rsai tiếp quản. Nhìn xa những vạt rừng xanh ngút ngàn, cây cao chót vót nằm ngay bìa rừng. Nhưng những gì chúng tôi ghi lại được trong vùng lõi rừng lại là một sự thật khác: Rừng ở đây đang bị rút ruột, băm nát đến tan hoang...

Rừng phòng hộ bị rút ruột

Một cây gỗ có đường kính gần 1m bị đón hạ ngay tại rừng.

Băm nát rừng phòng hộ

Theo chân thợ rừng H, chúng tôi vượt hơn 20km từ trung tâm xã Ia Rsai, băng qua nhiều nương rẫy để “mục sở thị” cảnh hoang tàn của những cánh rừng già này. Dọc hai bên con đường dù được treo những tấm bảng cảnh báo “cấm chặt phá, lấn chiếm đất rừng”, nhưng ngay phía dưới, lâm tặc ngang nhiên xẻ thịt hàng chục cây gỗ đủ kích cỡ nằm ngổn ngang. Điều bất ngờ là hoạt động phá rừng diễn ra chỉ cách Trạm quản lí bảo vệ rừng này chẳng bao xa, lại nằm ngay trên đường tuần tra, nhưng dường như không có sự can thiệp từ cơ quan chức năng. Tại tiểu khu 1307, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nhiều héc ta rừng vừa mới bị đốn hạ, cây cối nằm la liệt, lá còn xanh, gỗ tươi rói. Nhiều chỗ rừng bị đốt cháy nham nhở, loang lổ...cứ như rừng vô chủ.(!)

Theo con đường mà lâm tặc mở rộng khoảng 3m, vượt hàng cây số tiến sâu vào tiểu khu 1325, cảnh tượng không thể xót xa hơn. Rừng bị tàn phá, thảm sát không thương tiếc. Hàng trăm cây gỗ đủ kích cỡ và chủng loại đã bị lâm tặc đốn hạ và xẻ thành cột, phách gỗ nằm rải rác khắp rừng. Mật độ cây rừng bị đốn hạ đến mức chỉ vài ba bước chân lại có một mô cưa hoặc một gốc cây nằm trơ trọi trong cảnh hoang tàn của rừng. Nhiều cột tròn, phách gỗ đã được ra sản phẩm, quy cách có đường kính từ 30 - 70 cm, dài từ 5 - 7 mét vẫn nằm sát ngay đường tuần tra, chưa kịp được tẩu tán.

Theo quan sát của PV, mật độ cây rừng ở đây rất thưa thớt, những cây gỗ đường kính từ 20 - 30cm thuộc (nhóm I, II) đã bị lâm tặc bức tử, đào tận gốc. Mọi hoạt động của lâm tặc diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” và nhộn nhịp chẳng khác nào khu dân cư. Tiếng xe máy vận chuyển gỗ xen lẫn tiếng máy cưa chuyên dụng rít vang rừng. Táo tợn hơn, lâm tặc còn làm cả cây cầu bắc qua suối để làm đường vận chuyển gỗ và điều đáng nói, ngay đó là Trạm quản lí bảo vệ rừng được dựng lên để túc trực, nhưng gần như mất tác dụng.

Lâm tặc vô tư đưa gỗ ra khỏi rừng...

Gỗ từ trong rừng ra ngoài đều phải vượt qua các Trạm quản lí bảo vệ rừng của đơn vị này, đặc biệt phải vượt qua trụ sở chính của BQLRPH, UBND xã Ia Rsai nhưng lâm tặc vẫn thản nhiên băng qua một cách trót lọt. Thợ rừng H khẳng định: Nếu muốn “đầu xuôi, đuôi lọt” thì chỉ có cách làm luật. Mỗi lần đưa gỗ ra khỏi rừng bằng xe máy độ chế thì cần từ 50.000 - 100.000 ngàn đồng lót tay là có thể vượt qua trạm, còn với xe cẩu độ chế, số tiền cũng phải 500.000 ngàn đồng/lượt.

Người thợ rừng này còn tiết lộ thêm: Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe máy độ chế đua nhau vào rừng. Nhưng đều phải làm luật! Và đã làm luật rồi thì cứ thế mà đi, chỉ sợ rừng không còn gỗ thôi! Khi “bị động” sẽ có người thông tin. Gỗ sẽ được cất giấu tại rừng và tự ý rút khỏi rừng để tránh sự truy bắt. Cứ vào khoảng 17 - 18 giờ là hàng loạt xe gỗ bắt đầu xuất kích ra khỏi rừng. Nếu các anh muốn biết thì cứ đứng ngay tại trụ sở BQLRPH sẽ rõ hết. Nếu không làm luật, cánh thợ rừng có chạy đằng trời!

Theo H, thông thường muốn đưa gỗ ra khỏi rừng, gỗ sẽ được tập kết thành từng bãi, sau đó dùng xe máy độ chế, xe cần cẩu để vận chuyển theo 2 đến 3 con đường chính, nhưng đến cách Trạm quản lí bảo vệ rừng vài trăm mét cánh thợ rừng phải có ý tứ một chút, tức là né trạm để tránh sự nhòm ngó của người lạ.

Để kiểm chứng thông tin trên, chúng tôi đã lân la đi vào tuyến đường tránh của “lâm tặc” do “thợ rừng” H. chỉ điểm. Thực ra, đó chỉ là một lối mòn nhỏ chạy vòng cung xuyên qua bìa rừng và cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng chẳng bao xa. Trên lối mòn này vẫn còn in hằn nhiều vết xe mà theo khẳng định của H thì đó là những vết xe vận chuyển gỗ của “lâm tặc”. Đáng chú ý hơn, không chỉ có cánh “lâm tặc” mà nhiều người dân sống trên địa bàn cũng biết tường tận về “tuyến đường tránh” này.

Có dấu hiệu tiếp tay?

Trước cảnh rừng bị tàn phá và hoạt động vận chuyển gỗ diễn ra công khai, thậm chí là bất chấp trong lâm phận của BQLRPH Ia Rsai, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc BQLRPH Ia Rsai chỉ than vãn rằng: Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng không thể quản lí hết. Ông Sơn còn khẳng định rằng, công tác quản lí bảo vệ rừng rất nghiêm, nếu có chỉ mất vài cây lẻ tẻ do người dân chặt phá. Còn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa - Bùi Đức Việt thì có dấu hiệu thoái thác, né tránh trách nhiệm và phải nhờ tới sự chỉ đạo của ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện, vị Hạt trưởng này mới chịu hợp tác. Và khi chúng tôi, trưng ra những hình ảnh, tư liệu thu thập được thì ông Bùi Đức Việt tỏ ra bất ngờ và hứa sẽ cho cán bộ đi kiểm tra, xác minh.

Trao đổi với PV, ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa bức xúc cho biết: Kiểm lâm mà “né” thì ai cung cấp thông tin cho chính xác.“Liên quan đến công tác hoạt động quản lí bảo vệ rừng trên địa bàn, từ đầu năm đến nay chúng tôi đã ra hàng chục văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác truy quét lâm tặc. Hàng chục kiểm lâm viên được tăng cường xuống huyện mà để mất rừng thì phải xem xét lại.” - ông Chánh cho biết thêm.

Được biết, rừng phòng hộ Ia Rsai với diện tích hơn 17.000 ha có vai trò duy trì giá trị sinh thái, chức năng phòng hộ đầu nguồn. Mỗi năm đơn vị này được Quỹ bảo vệ chi trả Dịch vụ môi trường rừng chi trả lên đến 690 triệu đồng để quản lí bảo vệ rừng, nhưng thực tế những gì đang diễn ra thì số tiền trên đang đặt niềm tin nhầm chỗ.

Trước đó, vào khoảng 2h ngày 26/11/2015, Hạt Kiểm lâm Krông Pa đã bắt giữ xe tải BKS: 78K-2566 do tài xế Tô Văn Ba, thường trú tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (Gia Lai) điều khiển, chở gần 9m3 gồm 159 hộp gỗ từ (nhóm I -VII) tại địa phận thôn Quỳnh 3, xã Chư Rcăm. Theo thông tin ban đầu, số gỗ trên được xác định của ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc BQLRPH vận chuyển không phù hợp với hồ sơ lâm sản kèm theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng phòng hộ bị rút ruột

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO