Rưng rưng tháng bảy

Trần Duy Hưng 27/07/2021 10:19

Từ năm 1947, ngày 27/7 hằng năm đã được chọn là Ngày Thương binh-Liệt sĩ. 74 năm qua, ngày này, tháng này đã trở thành dịp cả đất nước, dân tộc cùng tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, qua đó tiếp nối, nuôi dưỡng, nhân lên truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chít (93 tuổi, ở thôn Vĩnh Ninh, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Trần Duy Hưng.

Trong tâm thức ấy, cách đây ít ngày, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi được đi theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác về thăm gia đình một số người có công là Thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, thăm một số nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở tỉnh Thái Bình. Qua chuyến đi ấy, thêm một lần nữa được cảm nhận rõ hơn công lao to lớn, những hy sinh, đau thương, mất mát không thể bù đắp của họ cho hòa bình, độc lập, tự do của đất nước, dân tộc, cho hạnh phúc của đồng bào.

Tỉnh Thái Bình một thời nổi tiếng với phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong các cuộc chiến tranh của dân tộc, lớp lớp các thế hệ con em Thái Bình đã ra trận, phục vụ chiến đấu. Trong số đó, hơn 7 vạn người đã hy sinh, hơn 30 nghìn người phải để lại chiến trường một phần xương máu; gần 30 nghìn người mang di chứng của chất độc da cam/dioxin. Những bài ca “đi cùng năm tháng” ca ngợi tinh thần chiến đấu, hy sinh, ca ngượi tinh thần lao động để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: “Đất nước”, “Dấu chân tròn trên cát”, “Bài ca 5 tấn”… đều được các tác giả thơ, nhạc lấy thực tế tại tỉnh Thái Bình để sáng tác.

Chuyện kể rằng, khoảng năm 1980, khi đi thực tế tại huyện Hưng Hà (Thái Bình), đại tá quân đội, nhà thơ Tạ Hữu Yên được gặp rất nhiều bà mẹ từng có con đi chiến đấu. Trong đó có một bà mẹ sinh được ba người con trai. Hai người con đầu vào miền Nam chiến đấu rồi lần lượt hy sinh. Người con thứ ba đang học phổ thông lại tiếp bước hai anh, vào Nam chiến đấu sau khi được mẹ đồng ý và rồi lại… hy sinh. Xóm giềng kể rằng, khi hay tin hai người con đầu hy sinh, mẹ đã khóc rất nhiều nhưng không dám khóc to mà chỉ “khóc vụng” vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của các bà mẹ khác cũng có con đang đi chiến đấu, ảnh hưởng đến tinh thần của những thanh niên ở địa phương sắp nhập ngũ. Đến khi hay tin người con thứ ba hy sinh thì bà mẹ không khóc nữa. Nhưng từ đó, bà sống trong im lặng. Và, cứ đêm đêm, khi nghe tiếng gió xào xạc ở bờ tre, khóm chuối quanh nhà, tưởng các con về, mẹ lại dậy mở cửa. Đêm nào bà cũng trở dậy vài lần như vậy, nhưng có người con nào trở về đâu? Bà lại vào giường, nằm thao thức, một mình lẩm bẩm chuyện trò, như hờn như dỗi với các con.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà nạn nhân chất độc da ở tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trần Duy Hưng.

Theo nhà thơ Tạ Hữu Yên, câu chuyện về bà mẹ khi ấy khiến ông rất xúc động, thành nguồn cảm hứng để ông viết ra bài thơ “Đất nước” (sau này được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng cùng tên). Trong bài hát có câu “Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Theo tác giả, nếu đúng theo nguyên mẫu thì phải viết là “Ba lần tiễn con đi/ Ba lần khóc thầm lặng lẽ” nhưng viết như vậy thì đau đớn quá nên ông chỉ viết có hai anh hy sinh thôi, “phải” để một anh trở về với mẹ, dù chỉ là trở về trong tưởng tượng.

Nhớ hôm theo chân Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến về Thái Bình, khi nắm chặt tay bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chít, chạm vào các vết thương trên thân thể thương binh nặng Lại Thanh Hùng (huyện Đông Hưng) hay khi đứng trước các cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh đang điều trị, an dưỡng tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng tâm thần tỉnh; rồi khi đứng trước rất đông nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở tỉnh Thái Bình; trò chuyện, tâm tình với họ, trao tới họ những suất quà, chúng tôi thấy người đứng đầu MTTQ Việt Nam rất xúc động.

Ông thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao, sự hy sinh, những đau thương, mất mát không thể bù đắp của những Thương binh, gia đình Liệt sĩ, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những nạn nhân chiến tranh trên cả nước và ở tỉnh Thái Bình. Khẳng định, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các địa phương và toàn thể nhân dân luôn ghi nhớ công ơn, đã và đang làm hết sức mình, thông qua việc ban hành, thực hiện ngày càng nhiều chế độ, chính sách để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những người có công, trong đó có gia đình các thương binh, thân nhân các liệt sĩ, những nạn nhân của chất độc trong chiến tranh, thiết thực tri ân, bù đắp phần nào công lao, sự hy sinh, mất mát không thể bù đắp. Trong đó có các chế độ rất thiết thực như trợ cấp tiền hằng tháng, cấp thẻ BHYT, chế độ điều trị, an dưỡng, hỗ trợ nhà ở, các điều kiện học hành, việc làm, thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết.

Ngoài những chế độ, chính sách của Nhà nước, trong nhiều năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp cũng rất quan tâm, có nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ, giúp đỡ gia đình những người có công, nạn nhân của chiến tranh, thiết thực thể hiện sự tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tất cả cùng hướng vào mục tiêu đảm bảo cho gia đình những người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của cộng đồng ở địa phương. Thật mừng khi điều đó đã thành hiện thực. Theo đoàn công tác tới các địa chỉ trên, chúng tôi chứng kiến từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, chính quyền, cộng đồng ở địa phương, nỗ lực vươn lên của bản thân, gia đình các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình các thương binh, bệnh binh ở Thái Bình đều có cuộc sống vật chất đủ đầy. Riêng các thương binh, bệnh binh nặng đều đã và đang được điều trị, chăm sóc tại những cơ sở điều trị, chăm sóc tập trung với những điều kiện tốt nhất; những người được xác định bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đều được hưởng các chế độ trợ cấp; những tồn tại, vướng mắc trong giải quyết chế độ đang được các cơ quan liên quan nỗ lực tháo gỡ.

Năm nay, dù không tổ chức được các hoạt động tri ân, tưởng nhớ quy mô lớn, đông người như thường lệ do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng chính sách dành cho các thương binh, thân nhân các Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công vẫn được Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam quan tâm chỉ đạo thực hiện cụ thể, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân ở các địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời.

Tháng bảy, tháng của lòng tri ân, của sự sẻ chia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rưng rưng tháng bảy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO