Rưng rưng tiếng Việt

Lam Phương 27/09/2020 08:30

Nhiều khán giả người Pháp gốc Việt bày tỏ sự xúc động khi nghe điệu bản nhạc “Bonjour Vietnam” vang lên trên sóng truyền hình Pháp trong chương trình The Voice Kids France mới đây.

Từ những nốt nhạc đầu tiên, có người đã rưng rưng nước mắt. Ở xa quê hương, mỗi khi nghe một bài hát tiếng Việt hay gặp một người Việt, ai nấy đều chung một cảm xúc thương nhớ quê hương…

Trẻ em người Việt tại Pháp hào hứng trong một buổi biểu diễn nghệ thuật. Nguồn ảnh: nhandan.vn.

Cô bé trình diễn ca khúc này là Ana - con gái của một cặp cha mẹ người Việt đang sống tại Pháp. Cô chọn ca khúc Bonjour Vietnam cho vòng thi giấu mặt và trình diễn cả bằng 3 thứ tiếng Pháp, Anh và Việt Nam. Ngay khi bước lên sân khấu Ana đã gây cảm giác thân thuộc với khán giả người Pháp gốc Việt vì mái tóc đen nhánh và chiếc áo hoa trông rất Việt Nam.

Phần trình diễn của Ana được đánh giá là khá tinh tế khi cô bé chủ yếu hát bằng bản tiếng Pháp nhưng xen một câu tiếng Việt khiến nhiều người thấy rưng rưng “Ước mong về thăm chốn thiêng. Mong sao quê hương dang tay đón tôi”… Có lẽ phải là người sống xa quê hương thì mới hiểu hết niềm vui và xúc động khi được nghe câu hát tiếng Việt trên một sân khấu lớn như vậy.

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện có khoảng 300 nghìn người thuộc nhiều thế hệ, sinh sống và làm việc tại nhiều vùng miền khác nhau trên toàn nước Pháp. Người Việt là một trong 80 cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Pháp nổi tiếng nhờ sự hội nhập thành công vào xã hội Pháp, mối quan hệ tốt đẹp với người dân địa phương và niềm đam mê tri thức.

Phần đông người Việt định cư tại Pháp làm việc trong các công sở, một số người mở các nhà hàng Việt Nam rải rác khắp thành phố. Ngoài ra còn có một số là trí thức trong các trường đại học hay hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…Theo thống kê, có khoảng 40.000 người Việt Nam có bằng đại học hoặc sau đại học trong các chuyên ngành khác nhau. Đa phần người Việt định cư ở các thành phố lớn và sầm uất như thủ đô Paris với khoảng 70.000 người và thành phố cảng Marseille hơn 20.000 người...

Và dù sống trên nước Pháp, làm bất cứ ngành nghề gì, trí thức hay doanh nhân, bà con vẫn luôn đau đáu về cội nguồn và không quên những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của quê nhà, nhất là tiếng Việt. Với các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra trên đất Pháp, cho dù điều kiện để học tiếng Việt ở mỗi nơi khác nhau nhưng các gia đình luôn cố gắng để 1 tuần hoặc 1 tháng các con được đến lớp học tiếng Việt, cũng là để bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho bọn trẻ qua mỗi bài học, mỗi câu chuyện ở quê nhà.

Chị Hải Yến, hiện đang sống ở Paris (Pháp), cho biết dù bận đến đâu, dù con có thích học tiếng gì thì tiếng Việt các cháu vẫn phải thông thạo. “Ngay từ khi con học mẫu giáo tôi đã ra quy định, hàng ngày trước khi đi học và khi trở về nhà con phải chào bố mẹ bằng tiếng Việt. Đến bữa ăn cũng vậy, tôi thường giới thiệu cho các cháu đây là rau bắp cải, nước mắm, chả giò…Hay ở Việt Nam buổi sáng hay ăn bánh cuốn, phở, bánh mỳ kẹp thịt. Bọn trẻ thích và nhớ tên những món ăn tức là mình đã thành công một phần rồi”, Chị Yến chia sẻ.

Nhưng chị cũng bật mí rằng, khi mình nói tiếng Việt với con thì phải chuẩn 100%. Ví dụ như “mẹ con mình đi công viên chơi nhé”, thì không thể nói thành “Mẹ con mình đi Park nhé”. “Và phải thật kiên trì, lựa chọn lúc bọn trẻ hào hứng. Bởi nhiều hôm con bé nhà tôi than thở, tiếng Việt có quá nhiều thanh, rồi nghĩa đen, nghĩa bóng…Nhưng khi hiểu rồi, thấm rồi các cháu lại rất thích” – chị Yến nói và kể thêm rằng, khi thấy tôi nói, mình vô cùng nhớ nhà, thèm ai đó nói vài câu tiếng Việt thì con bé đã rất chững chạc: “Để con nói với mẹ”. Và trong dịp nghỉ do dịch Covid-19 vừa qua, con bé liên tục gọi điện về nhà nói chuyện với ông bà ngoại bằng tiếng Việt.

Theo lời kể của chị Yến, tết nguyên đán vừa qua bà con người Việt và bạn bè Pháp vô cùng hào hứng khi được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có cả các tiết mục múa truyền thống và hiện đại của thanh niên Việt Nam tại Pháp, màn trình diễn của nhóm Võ Sơn Long, các tiết mục của tốp ca thiếu nhi của các lớp tiếng Việt và Hợp ca Quê Hương với các tiết mục Hùng Vương, Bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa, Người Hà Nội và Sông Lô…

Ở Pháp, có nhóm Cánh diều – nơi bọn trẻ có thể thực hành tiếng Việt thông qua các hoạt động múa, vẽ, tập tô và ca hát thu hút rất nhiều phụ huynh cho con tham gia. Mỗi tháng hai lần, vào ngày Chủ nhật, văn phòng của nhóm ở quận trung tâm thành phố Paris lại rộn ràng tiếng cười đùa của khoảng 30 đứa trẻ người Việt. Chúng học múa, học vẽ, học võ và ca hát kể chuyện.

Sau một thời gian học, nhiều bậc phụ huynh thừa nhận rằng ban đầu bọn trẻ không hào hứng, chúng đến đây nhưng vẫn trò chuyện, giao tiếp bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia, những đứa trẻ cùng trang lứa đã có thể nói cùng lúc hai thứ tiếng Việt và Pháp. Thậm chí các cháu còn kể cho nhau nghe những câu chuyện ở lớp bằng tiếng Việt.

Chị Quỳnh Mai, một thành viên sáng lập nhóm cũng cho rằng: “Với tôi, các con có thể nói tốt tiếng Việt vô cùng quan trọng. Hiểu về cội nguồn của mình là một nhu cầu rất tất yếu của con người. Khi biết tiếng Việt, bọn trẻ sẽ hiểu về văn hóa của dân tộc và tính cách của người Việt Nam. Như vậy các con sẽ trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”. Cũng như nói được tiếng Việt, bọn trẻ mới có thể tự hào để khẳng định mình là người Việt.

Phần đông người Việt định cư tại Pháp làm việc trong các công sở, một số người mở các nhà hàng Việt Nam rải rác khắp thành phố. Ngoài ra còn có một số là trí thức trong các trường đại học hay hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật… Theo thống kê, có khoảng 40.000 người Việt Nam có bằng đại học hoặc sau đại học trong các chuyên ngành khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rưng rưng tiếng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO