Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động sẽ rất thiệt thòi

Đoàn Xá-Ngọc Mai 09/12/2022 08:29

Những ngày gần đây có khá đông người tập trung tại một số cơ quan Bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có người rút do khó khăn thực sự nhưng cũng có người rút theo phong trào. Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần tưởng rằng lợi trước mắt nhưng hại lâu dài, bởi quyền lợi người lao động bị hạn chế nhiều so với việc hưởng lương hưu.

Người dân xếp hàng dài chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại BHXH TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Đại Trí.

Có mặt ở trước cửa trụ sở BHXH huyện Hóc Môn (đường Lê Thị Hà, huyện Hóc Môn, TPHCM), chị Nguyễn Thị Phương, 46 tuổi cho biết chị đã đợi ở đây mấy ngày nhưng chưa thể rút được vì bốc số lớn, chờ tới chiều nhưng chưa tới lượt.

Vì sao nhiều người rút bảo hiểm một lần?

“Hôm nay tôi quyết định đi từ 3 giờ sáng ngồi canh cho kịp lấy số. Hy vọng sẽ rút được trong ngày. Tôi làm cho công ty may áo khoác nhồi bông, đóng bảo hiểm được 6 năm rồi. Hy vọng rút được mấy chục triệu rồi cùng chồng về quê dưới Thạnh Hóa, Long An mở quán bán nước mía nhỏ sống qua ngày. Ở thành phố mà không có việc làm thì không chịu nổi tiền ăn, tiền thuê trọ nửa năm đâu” - chị Phương chia sẻ.

Chị Phương cho biết, công ty chị chủ yếu làm áo ấm xuất khẩu đi châu Âu nhưng thời gian qua gặp khó khăn, phải giải thể. Nhiều người phải chuyển nghề, còn bản thân chị do lớn tuổi nên khó xin việc ở những công ty có chế độ bảo hiểm, chị đành quyết định rút một lần để tìm sinh kế khác.

Nhiều ngày qua, trước cửa trụ sở Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Hóc Môn luôn tập trung rất đông đúc người dân tới chờ đợi bốc số để rút bảo hiểm. Nhiều hôm, để phục vụ người dân từ 6 giờ sáng nhân viên bảo vệ đã mở cửa, phát số thứ tự cho những người chờ đợi để giải quyết tốt hơn.

Tại TPThủ Đức, cũng tương tự, nhiều người phải tới trụ sở cơ quan này chờ đợi từ rạng sáng. Anh Sơn, là người chờ nhiều giờ đồng hồ tại trụ sở cơ quan BHXH TP cho biết, trước anh làm công nhân điện lạnh, đóng bảo hiểm gần 10 năm qua. Đợt dịch năm 2021 công ty cắt giảm nhân sự nên anh phải nghỉ việc, chuyển qua chạy giao hàng nhanh.

“Lúc đầu tôi cũng nộp hồ sơ vào mấy công ty hy vọng sẽ kiếm được việc làm, đóng tiếp bảo hiểm để sau này có lương hưu nhưng hơn năm qua không nơi nào nhận cả. Công ty nhận mấy người trẻ thì chế độ đóng ít hơn. Mình lớn tuổi đóng bảo hiểm nhiều, lương nhiều nên khó xin việc lắm. Thế nên tôi rút bảo hiểm về sang năm sửa nhà. Giờ chấp nhận làm việc thời vụ, tự mình dành dụm tiền, biết là thiệt thòi nhưng phải chịu thôi” - anh Sơn giãi bày.

Do khó khăn về sản xuất kinh doanh, một số công ty phải cắt giảm nhân sự. Trong khi đó tình hình tuyển dụng khó khăn khiến nhiều người quyết định rút BHXH một lần để có một khoản tiền nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt.

Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, thống kê của đơn vị này thì lượng hồ sơ người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần thời gian qua ở TPHCM tăng so với trước, trung bình khoảng 10.000 hồ sơ/tháng (tức hơn 330 người/ngày).

Ông Thanh cũng cho rằng nguyên nhân một số cơ quan BHXH thời gian qua tập trung đông người lao động tới làm hồ sơ hưởng một lần ở các địa phương vùng ven là do người lao động các tỉnh, thành lân cận tìm về nộp hồ sơ. Vẫn theo ông Thanh, người lao động hiện có tâm lý e ngại việc chính sách BHXH có thể thay đổi trong thời gian tới, nhất là về rút ngắn thời gian tính lương hưu và đề xuất rút BHXH một lần chỉ 8%.

"Tuy nhiên, người lao động không nên lo lắng, vì đây mới chỉ là dự thảo, đề xuất. Hiện nay việc rút BHXH một lần rất thiệt thòi cho người dân bởi số tiền khi nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng" - ông Thanh nói.

Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM hiện có 2,5 triệu người tham gia BHXH trong tổng số 4,7 triệu lao động.

Người lao động chờ rút BHXH một lần tại Thủ Đức (TPHCM).

Nhiều thiệt thòi khi hưởng BHXH một lần

Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm là 22% mức tiền lương tháng. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%.

Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, nếu rút BHXH một lần ở thời điểm hiện nay, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.

Về việc rút BHXH một lần, về nguyên tắc đó là quyền của người tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc rút “theo phong trào” sẽ đưa đến nhiều thiệt thòi.

Theo quy định pháp luật, khi đã chọn hưởng BHXH một lần, người lao động sẽ không còn được hưởng các phúc lợi đi kèm việc hưởng lương hưu, gồm: Trợ cấp mai táng dành cho gia đình/người lo mai táng trong trường hợp người lao động chết: 10 lần mức lương cơ sở; Trợ cấp tử tuất dành cho thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết: Tùy từng trường hợp mà được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.

Mức trợ cấp tử tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân là từ 50% - 70% mức lương cơ sở. Số thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng không quá 4 người. Trường hợp có từ 2 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 2 lần mức trợ cấp.

Mức trợ cấp tử tuất một lần đối với thân nhân của người lao động được tính như BHXH một lần (tức tính theo số năm người lao động đã đóng BHXH): Đối với những năm trước 2014, mức hưởng là 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đã đóng BHXH.

Đối với những năm từ 2014 trở đi, mức hưởng là 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đã đóng BHXH.

Tuy nhiên, mức hưởng BHXH một lần thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế và được chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật BHYT.

Không nên rút bảo hiểm “theo phong trào”

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động rút BHXH ồ ạt trong thời gian qua. Thứ nhất là do kinh tế, một bộ phận người lao động có việc làm, thu nhập không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh; thứ hai là chính sách chưa đủ hấp dẫn; thứ 3 là thủ tục rút bảo hiểm 1 lần dễ dàng; thứ 4 là việc giải thích, tuyên truyền chưa tốt, chưa làm cho người lao động tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội. “Có người rút do khó khăn thực sự nhưng cũng có người rút theo phong trào vì họ thấy không yên tâm liệu đến khi không đủ sức lao động có rút được hết hay không. Việc nhận BHXH một lần có thể được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi quyền lợi người lao động bị hạn chế nhiều so với việc hưởng lương hưu. Tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này. Bởi vậy, song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động thì việc sửa đổi, điều chỉnh Luật BHXH phù hợp với yêu cầu thực tiễn là phương án thực tế để tạo niềm tin và giúp người lao động an tâm đóng BHXH” - ông Huân nói.

Lan Hương(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động sẽ rất thiệt thòi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO