Rút BHXH một lần: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Nguyễn Hoài 19/04/2022 12:04

Nhiều người lao động chọn hưởng BHXH một lần, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình trạng này càng gia tăng và kéo dài cho đến thời điểm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc rút BHXH một lần đem lại lợi ích trước mắt cho người lao động song về lâu dài, quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế, đặc biệt là không được hưởng lương hưu, chế độ BHYT lúc ốm đau, bệnh tật.

Người lao động không còn mặn mà?

Theo BHXH Việt Nam, người lao động làm thủ tục hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022 số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là 208.943 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống của nhiều người dân, trong đó có không ít người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến những ngày gần đây, tình trạng rút BHXH một lần gia tăng đột biến. Tại các quận, huyện, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, lượng lớn người dân đổ dồn về để làm thủ tục rút BHXH một lần.

Rất đông người dân đến làm thủ tục rút BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức. Ảnh: tuoitre.vn.

Theo BHXH TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khoảng 500 - 600 hồ sơ làm thủ tục rút BHXH một lần, có những ngày lên tới cả nghìn hồ sơ, giờ hành chính được ưu tiên để giải quyết hồ sơ nộp trực tiếp, các hồ sơ qua đường bưu điện được giải quyết ngoài giờ.

Kẽo kẹt đóng BHXH được hơn 10 năm, đến thời điểm này chị Nguyễn Quỳnh Nga (36 tuổi, quê Thái Bình) đang có ý định làm thủ tục rút BHXH một lần. Chị Nga cho biết, với đồng lương hơn 4 triệu đồng/tháng của chị thì việc phải chi vài trăm ngàn đồng/tháng để đóng BHXH là một khoản đáng kể.

“Cuộc sống còn bao nhiêu thứ phải lo toan nên có số tiền một cục từ BHXH tôi sẽ trang trải khó khăn hiện tại. Cứ cầm tiền trước đã rồi tới đâu lại tính tiếp”, chị Nga nói.

Bện cạnh việc giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt, nhiều người cho rằng quy định hưởng lương hưu ở tuổi quá cao khiến người lao động không mặn mà đóng BHXH. Chị Nguyễn Thị Minh Tân năm nay 46 tuổi, đã đủ 20 năm tham gia BHXH nhưng cũng đang muốn được rút BHXH một lần.

Chị Tân chia sẻ: “Nếu tính tuổi hưu thì còn lâu tôi mới được nghỉ. Cứ đóng BHXH như vậy trong khi lương hiện tại còn không đủ trang trải cuộc sống, đến lúc nghỉ hưu nhận được lương chỉ 1, 2 triệu đồng/tháng thì không thể giữ chân người lao động tham gia BHXH”.

Để lương tối thiểu đủ trang trải cuộc sống

Theo quy định BHXH hiện hành, với mức lương trung bình giả định làm căn cứ đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng, người dân đóng BHXH 20 năm nếu rút BHXH một lần sẽ lĩnh khoảng 134 triệu đồng. Trong khi nếu lĩnh lương hưu họ có thể nhận gấp 2, gấp 3.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, việc rút BHXH một lần đem lại lợi ích trước mắt cho người lao động song về lâu dài trong tương lai, quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế, đặc biệt là không được hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già, lúc ốm đau, bệnh tật.

Trước tình trạng gia tăng việc rút BHXH một lần, các chuyên gia cho rằng, người lao động chưa hiểu chính sách rút BHXH 1 lần bởi thời gian càng dài đóng càng cao thì được hưởng càng cao. Tâm lý cứ cầm tiền trước rồi tính mới chỉ thấy cái lợi cái cần trước mắt mà quên đi ích lợi lâu dài hơn.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, đã đến lúc các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc tìm hiểu, khảo sát tâm tư, cuộc sống của người dân.

Một mặt tìm hiểu lý do người dân muốn rút BHXH một lần để có những hỗ trợ kịp thời cho người dân, đặc biệt là người đang gặp khó khăn, một mặt tuyên truyền để họ hiểu quyền lợi của BHXH.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ sự trăn trở trước thực tế trong số 13 triệu người cao tuổi hiện nay chỉ có 4 triệu người có lương hưu, còn 9 triệu người không có. Thực tế này dẫn đến tình trạng thiếu ổn định, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm: “Tôi cho rằng các đoàn thể, các tổ chức chính trị, nghề nghiệp phải vào cuộc ngay và trao trách nhiệm cho địa phương làm thế nào để an dân, tìm cách hỗ trợ cho người dân nếu không tình trạng rút BHXH một lần vẫn xảy ra”.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi chính sách tiền lương sao cho lương tối thiểu phải đủ cho người dân trang trải cuộc sống ở mức bình thường của bản thân và dành một ít để chăm sóc cho người mà họ có trách nhiệm như: con cái, bố mẹ già. Hoặc đưa ra chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp có mức lương thấp.

“Đây là gốc rễ của vấn đề. Nếu không giải quyết được phần gốc thì bài toán này sẽ mãi không tìm được lời giải”, PGS. TS Bùi Thị An cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rút BHXH một lần: Lợi trước mắt, hại lâu dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO