Sa Ná trong cơn lũ dữ

Anh Tuấn 05/08/2019 00:00

Lũ đổ về nhanh quá, cuốn theo cây rừng từ thượng nguồn về con suối Son nhanh như cơn lốc ập đến bất ngờ khiến người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) không kịp trở tay. Nhiều người bị mất tích trong trận lũ cuốn hiện vẫn chưa có thông tin. Đến chiều 4/8, Quan Sơn đã ngớt mưa, lũ rút nhiều nhưng việc cứu trợ đồng bào ở Sa Ná đang gặp vô vàn khó khăn bởi con sông Luồng vẫn gầm gào dữ dội.

Sa Ná trong cơn lũ dữ

Lũ đổ về, cuốn theo cây rừng từ thượng nguồn.

Cận kề cái chết

Câu chuyện ông Lương Văn Chon, trú bản Sa Ná bám được vào bụi cây dại giữa dòng lũ trên sông Luồng suốt nhiều giờ rồi may mắn được nam thanh niên Phạm Bá Huy ở xã Sơn Điện cứu sống, khiến ai cũng khâm phục.

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn, chiều 4/8, ông Chon đang dần hồi phục nhưng trên cơ thể thì chằng chịt các vết bầm dập vẫn đang còn rỉ máu. Ông Chon nhớ rằng, khoảng 5 giờ sáng ngày 3/8, ông thức dậy, thấy lũ đổ về trên suối Son. Ông cùng các hộ khác sống gần con suối này di chuyển đồ đạc lên chỗ cao hơn. Rồi trận lũ rút khá nhanh nên bà con tưởng như mọi chuyện đã trở nên yên bình.

Nhưng tới khoảng 7h30 sáng cùng ngày lũ lại ào về lần nữa với tầng tầng, lớp lớp cây rừng cổ thụ từ thượng nguồn lao xuống. “Lũ tràn qua nhanh như một cơn lốc. Tôi đang chuyển các bao lúa lên chỗ cao hơn thì lũ ào tới, ngập ngang thắt lưng. Vợ tôi đứng gần đó nhảy lên bám vào thành cửa công trình phụ. Rồi lũ tiếp tục tấn công, ngập tới cổ tôi. Tôi cố đưa tay để cứu vợ mà không sao với tới. Nhưng may mắn bà ấy nhảy được lên nóc nhà tắm chứ nếu hai vợ chồng nắm được tay nhau chắc nhà tôi chết rồi”- ông Chon nhớ lại. Nước lũ phóng với tốc độ phi mã kèm theo cây rừng đã càn nát nhà cửa rồi đẩy ông Chon lẫn trong bùn nước. Ông cố ngoi lên để thở nhưng vẫn bị trôi nhanh ra phía dòng sông Luồng. Vớ được tấm đệm trườn người lên nằm thở, nhưng chỉ sau đó vài phút, một cơn sóng lớn cuốn ông cùng tấm đệm lăn lóc như muốn nhấn chìm xuống đáy sông.

Ông Chon kể: “Tôi lại cố ngoi lên lần nữa và bám được vào một cây gỗ lớn đang bị nước lũ đẩy rất nhanh. Sau đó, cây gỗ này càn ngang mấy bụi luồng bị ngập nước, tôi buông ra và bám được vào bụi cây này. Một cây gỗ khác lao tới càn qua, nhấn chìm cả bụi luồng xuống, một lần nữa tôi may mắn bám được vào bụi cây không lớn lắm nằm trên gò sỏi cao ở giữa dòng sông nhưng không bị lũ phóng thẳng vào”. Cứ như vậy, ông Chon bám trụ mặc cho dòng nước cứ đe dọa liên tục như muốn nhổ cả bụi cây này đưa về xuôi. “Ở trên bờ, tôi thấy người đông lắm, nhưng không làm sao tiếp cận được để đưa tôi vào bờ. Trong khi trời cứ đổ mưa tầm tã, tôi gần như kiệt sức. Phải tới khoảng 3 giờ chiều, từ việc hỗ trợ của lực lượng chức năng, cháu Phạm Bá Huy đã quyết định lao ra cứu tôi. Nếu chậm thêm nữa chắc tôi không còn đủ khả năng đứng vững giữa dòng lũ hung hãn này”- ông Chon kể.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bản Sa Ná trở nên hoang tàn đến khủng khiếp. Hàng chục ngôi nhà bị san phẳng chỉ còn lại bãi bùn lầy hoặc những bãi đá trơ trọi. Ông Lương Văn Chon kể rằng: Gia đình ông bị cuốn trôi mất ba căn nhà, hai xe máy, máy sát, máy nghiền, hai máy cắt cỏ, máy vò lúa, khoảng 3,5 tấn lúa... thiệt hại lên tới cả tỷ đồng. Con số thống kê sơ bộ của chính quyền huyện Quan Sơn tính đến 10 giờ ngày 4/8 cho thấy, ngoài thiệt hại về người còn thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế lên tới khoảng 20 tỷ đồng trong trận lũ vừa xảy ra. Tuyến QL217, đoạn nối từ thị trấn Quan Sơn đi cửa khẩu quốc tế Na Mèo bị sụt lở mái ta luy tại nhiều vị trí...

Sa Ná trong cơn lũ dữ - 1

Lực lượng cứu hộ vượt sông Luồng cứu dân.

Người hùng trong lũ

Tên tuổi Phạm Bá Huy sẽ còn được nhắc tới nhiều về tinh thần dũng cảm của anh. Huy vốn người xã Sơn Điện nhưng lên Na Mèo làm việc trong một xưởng sản xuất thủ công nghiệp đóng gần khu vực ông Chon gặp nạn. Khi thấy tính mạng ông Chon đang bị đe dọa nghiêm trọng, Huy đã trao đổi với lực lượng cứu hộ, cứu nạn để nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ. Sau đó, chàng trai trẻ có nụ cười hiền hậu mang theo áo phao, can nhựa phóng vào dòng lũ dữ tiếp cận vị trí ông Chon đang đứng. “Cháu động viên tôi, ông cứ bình tĩnh rồi Huy cởi áo phao đưa cho tôi mặc. Tiếp đó, Huy buộc dây vào ngang ngực để mọi người đứng trên bờ kéo tôi vào bờ”- ông Chon kể. Nhưng điều trớ trêu đã xảy ra, khi cứu được ông Chon thì chính Huy đã phải thế chỗ, bị mắc kẹt tại bụi cây này do dây cáp tụt.

Anh thanh niên từ người hùng giờ đây trở thành nạn nhân trong bão lũ. Tôi đặt ra câu hỏi, liệu Huy có thấy ân hận về hành động của mình? Huy cười hiền khô: “Em không sợ chết và không có ân hận điều gì cả. Khi nhìn thấy bác ấy lên bờ an toàn em thấy rất mừng rồi. Tuy nhiên, do mưa lớn, nước lũ mỗi lúc một dâng cao, hơn thế trời lại sắp tối nên em cũng có thoáng qua suy nghĩ, thấy thương nhất con mình đang còn thơ dại. Bên cạnh đó, do lực lượng chức năng yêu cầu em không được nhảy xuống sông bơi bộ, em đành đu bám trên bụi cây này tới hơn hai tiếng đồng hồ”. Tới khoảng 18 giờ 10 phút ngày 3/8, không còn cách nào khác, Huy cầm theo can nhựa, nhảy xuống dòng lũ, bơi hướng về phía bờ tả dòng sông Luồng. Mất khoảng 5 phút, mới tiếp cận được bờ trong tình trạng rã rời tới mức gần như kiệt sức. Ghi nhận tinh thần dũng cảm của Phạm Bá Huy, ông Nguyễn Đình Xứng- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã về tận nơi Huy làm việc động viên và trao phần thưởng.

Sa Ná trong cơn lũ dữ - 2

“Người hùng” Phạm Bá Huy và con trai.

Tập trung cứu trợ

Tới cuối ngày 4/8, ở Quan Sơn, trời đã ngừng mưa, lũ cũng rút cơ bản, song công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do bản Sa Ná còn bị cô lập trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Vào sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn đang phải vận chuyển từng thùng mì tôm bằng mô tô nước đưa vào tiếp tế cho dân. Cũng trong ngày, ông Vũ Văn Đạt- Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác tiếp cận được bản Sa Ná để động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn với những hộ bị mất toàn bộ tài sản. Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn đến thăm hỏi các gia đình có người đang mất tích, giúp bà con vợi bớt những khó khăn trong lúc hoạn nạn này. Ông Vũ Văn Đạt cho biết, chiều cùng ngày Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Xứng cũng đã trực tiếp vào bản Sa Ná để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bà con.

Ông Đạt cho biết, trước mắt, huyện đang tập trung mọi nỗ lực hỗ trợ những gia đình có nhà cửa bị cuốn trôi, không để bà con bị đói, khát, thiếu thuốc chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm những người mất tích. Khắc phục hệ thống điện lưới bị mưa lũ làm đứt đường dây, đổ cột. UBND huyện Quan Sơn cũng đã phân công 17 tổ công tác cùng với lực lượng cứu hộ trực tiếp vận chuyển phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng của mưa, lũ.

Còn Chủ tịch UBND xã Na Mèo là ông Phạm Văn Tiệu, cho biết thêm: Chính quyền địa phương đang phối hợp với các xã lân cận, các huyện liên quan để tiếp tục tìm kiếm những người mất tích, nhưng công việc rất khó khăn.

* Trong ngày 4/8, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa lớn tại nhiều tỉnh/thành Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc: Tại Lạng Sơn, kể từ chiều 3/8, do mưa lớn, nước sông Kỳ Cùng dâng cao. Sáng ngày 4/8, lượng mưa tuy có giảm nhưng nước từ đầu nguồn vẫn dồn về, đoạn sông chảy qua thị trấn Na Sầm dâng cao làm ngập cầu Na Sầm. Trong 3 ngày mưa kéo dài, riêng tại huyện Yên Lãng có tới 44 điểm giao thông bị sạt lở, tắc nghẽn đường xuất nhập khẩu hàng hóa vào Cửa khẩu Na Hình.

Tại tỉnh Sơn La, trên địa bàn huyện Vân Hồ đã xảy ra mưa lớn, giông lốc. Tính đến ngày 4/8, mưa to gió lớn đã làm 1 nhà dân ở bản Bó, xã Quang Minh bị sập đổ; 7 hộ bị sạt lở, đá lăn phải di chuyển khẩn cấp người và tài sản tại các xã Quang Minh, Chiềng Xuân, Tân Xuân, Mường Tè; 13 hộ nhà bị tốc mái tại xã Mường Men, Mường Tè; 1 ha ngô bị đổ, gãy; tuyến đường từ xã Chiềng Khoa đi xã Mường Men tại cầu tràn Nà Tén bị nước ngập sâu. Tuyến quốc lộ 6 cũ từ xã Lóng Luông đi xã Chiềng Yên bị sạt lở, ô tô không di chuyển được… Còn tại huyện Mộc Châu, nhiều tuyến đường bị ngập lụt do mưa lớn. Nhiều điểm tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, thị trấn Mộc Châu và các xã Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập..., cùng nhiều đoạn đường khác trên quốc lộ 6 chạy qua huyện Mộc Châu bị ngập lụt. Mưa lớn đã kéo theo bùn đất tràn vào một số nhà dân.

Tại tỉnh Quảng Ninh, sông Ka Long và sông Tiên Yên nước lũ dâng cao. Nước đục ngầu cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mấp mé hai bờ và dự báo có thể dâng cao hơn nữa nếu mưa vẫn tiếp tục. Các hoạt động trên sông phải tạm ngừng… (P.V)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sa Ná trong cơn lũ dữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO