Sa Pa – Em không là nàng thơ

Nguyễn Quý 21/03/2023 10:43

Tôi nhớ lần đầu đến Sa Pa cách đây hơn 20 năm, đó là chuyến đi dã ngoại của 2 khoa thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sa Pa trong ấn tượng của tôi ngày đó là một giọt nước trong veo, khẽ lay đọng trên cành hoa mận…

Vừa đặt chân đến Sa Pa, tôi và Mạnh - một cậu bạn sinh viên trường Y tôi mới quen, liền tách đoàn, thuê chiếc Minsk tự lái. 2 thằng chúng tôi đều chưa đến Sa Pa bao giờ, nhưng xục xạo khắp hang cùng ngõ hẻm của thị trấn mù sương, như những gã trai bản địa thực thụ.

Dưới những dinh thự cũ kỹ của người Pháp để lại, vài cô gái Mèo mang theo những thếp khăn thổ cẩm ra đường bán lẻ; bà cụ đeo khuyên nặng trễ tai, xỏ mớ vòng bằng bạc, hay đồng đầy ắp cánh tay…Chẳng phải chèo kéo ai, họ vẫn thu hút đám đông khách hiếu kỳ vây quanh. Dù khách mua hay không, hoặc chỉ níu lại để chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, bà lão vẫn nhoẻn nụ cười móm mém.

Những đứa trẻ ngồi lê la khắp các vỉa hè ở Sa Pa để xin tiền.

Ngẩng mặt nhìn qua những nóc nhà thưa thớt trong thị trấn, là trập trùng những ngọn núi xanh thẫm. Núi lầm lì như vị già làng bên bếp củi, lặng lẽ dang tay bao bọc, ôm ấp lấy Sa Pa.

Chiều xuống, Sa Pa phảng phất u buồn, như cô gái Mèo 16 tuổi đã phải làm mẹ. Khoảng cách từ chiều đến tối chỉ ngắn bằng thời gian đun sôi siêu nước. Chưa kịp hưởng chút se lạnh vùng cao, khách đã phải co ro khoác lên mình đủ thứ khăn, áo, mũ…

Tôi quay lại Sa Pa vào mùa xuân năm 2023. Hơn 20 năm mới trở lại lần thứ hai, đủ để coi như mình chưa từng đến. Nhưng trong trí não của mình, tôi vẫn mường tượng về Sa Pa như thế.

Dù đã đọc báo, xem những thước phim về Sa Pa hiện tại, tôi vẫn không thể tin nổi Sa Pa đã thay đổi ra thế này. Cô gái Mèo 16 ngày xưa, giờ giống như một mẹ xề ăn mặc diêm dúa nhảy lò cò trên bục đám cưới mà tôi xem đâu đó trên mạng. Hàng trăm tòa nhà xây mới đã mọc lên cùng những khối bê tông sừng sững che khuất núi đồi. Xe ngựa thồ trước kia, nay đã được thay bằng những chiếc xe điện chen chúc, xuôi ngược ra vào khu trung tâm thị trấn. Không còn bóng dáng những cô gái Mèo, hay bà lão bán dạo trên phố cổ, thay vào đó là hàng dãy những cửa hàng tấp nập.

Buổi tối ở Sa Pa giờ chỉ còn là thiên đường của thực khách. Khách ăn nhậu, hò nhau chúc tụng ồn ã tới sáng, với đủ các món lẩu, nướng khiến ai nấy đều hê hả. Tôi bẫng lẫng bước qua những dãy phố ăn uống đông người, đến một cửa hàng bán hạt dẻ. Tôi thích những hạt dẻ bé bỏng ngày xưa, chỉ có nguyên một vị ngọt bùi nơi cuối họng, nhưng ở đây chủ quán chỉ rang loại hạt dẻ to bằng đầu ngón tay cái, tẩm bơ vàng óng, và nói rằng “hạt dẻ này mới ngon, giờ không ai ăn loại kia nữa”.

Tôi mua vài chiếc bánh nhân hạt dẻ, đi bộ trên vỉa hè hướng về phía nhà thờ. Một khoảnh khắc miếng bánh gần rơi ra khỏi miệng. Đó là khi tôi nhìn thấy một đứa bé nằm cuộn trên vỉa hè. Chiếc áo len không che kín rốn. Dưới gạch đá vỉa hè và cái rét ngăn ngắt vùng cao, đứa bé nằm im bất động. Trong túi quần còn thò ra tờ tiền 20.000 đồng. Khi nhìn thấy bụng bé phập phồng, tôi mới chắc rằng đứa bé vẫn sống. Đứa bé mới khoảng hơn 2 tuổi!

Người bạn kéo tôi đi, nói rằng chắc mẹ đứa bé, hay một nhóm người “quản trị” nó đang đứng đâu đây, nếu mình cho tiền thì gián tiếp hành hạ nó, bắt nó phải nằm trên vỉa hè dưới trời sương giá như vậy.

Không, tôi không có ý định cho tiền. Mà thực ra chưa kịp định hình sẽ làm gì trước hình ảnh ấy. Điều tôi thấy yên tâm nhất là đứa bé vẫn còn thở. Tôi ngoái lại. Từng đoàn người vẫn bước qua đoạn vỉa hè có đứa bé đang nằm. Có người khựng lại, có người vội vã bước qua. Những người bán hàng phía đối diện đứa bé dường như đã quen với hình ảnh đó rồi.

Biết làm sao được khi người ta đang phải dần quen với một Sa Pa đông đúc, hay quen với một khung cảnh đào nguyên xưa bị cày xới bởi những bàn tay bạo chúa. Nhưng sao có thể quen với hình ảnh đầy sát thương như thế, ở giữa phố đông người?

Sa Pa giờ không còn là giọt nước trong veo nữa. Chợt nhớ lời bài hát “Nàng thơ” của Hoàng Dũng:

Em, ngày em đánh rơi nụ cười vào anh

Có nghĩ sau này em sẽ chờ

Và vô tư cho đi hết những ngây thơ

Anh, một người hát mãi những điều mong manh

Lang thang tìm niềm vui đã lỡ

Chẳng buồn dặn lòng quên hết những chơ vơ

Ta yêu nhau bằng nỗi nhớ chưa khô trên những bức thư

Ta đâu bao giờ có lỗi khi không nghe tim chối từ

Chỉ tiếc rằng

Em không là nàng thơ

….

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sa Pa – Em không là nàng thơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO