Sách giáo khoa cho trẻ khuyết tật

Vi Cầm 07/12/2021 09:11

Lâu nay việc giáo dục học sinh khuyết tật gặp muôn vàn cái khó, trong đó có việc những trẻ khiếm thính, khiếm thị… không có sách giáo khoa (SGK) riêng, và giáo trình cũng không được đổi mới thường xuyên. Việc này đã gây hạn chế trong quá trình đào tạo trẻ khuyết tật hiện nay.

Ghi nhận từ nhiều địa phương cho thấy, hiện nhiều nơi vẫn chưa có trung tâm, trường chuyên biệt hay đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập dành riêng cho học sinh khuyết tật; giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục trẻ khuyết tật cũng rất thiếu nên việc chăm sóc, dạy dỗ các em còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp trẻ đến trường nhưng khả năng nhận thức kém, quá hiếu động hoặc khả năng nghe kém, gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy.

Trong khi đó, giáo viên tham gia dạy trẻ khuyết tật hiện nay chưa được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy chuyên biệt, khả năng truyền thụ cũng như kỹ năng giảng dạy để các em hiểu còn hạn chế. Mặt khác, không phải giáo viên nào cũng đủ kiên trì để quan tâm đặc biệt đến các em trong quá trình giảng dạy cũng như quan tâm, gần gũi đến các em để giảm bớt sự tự ti, có khả năng giao tiếp để hòa nhập. Không ít học sinh khuyết tật lại học cùng với học sinh phát triển bình thường, thời gian ở trên lớp hạn hẹp, nếu giáo viên dành nhiều thời gian để quan tâm đến trẻ khuyết tật sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác…

Thầy giáo Võ Duy Quang (Trường nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng) phân tích: Ngôn ngữ sơ khai của người khiếm thính là ký hiệu, ngôn ngữ tiếng Việt nói - viết chỉ là thứ yếu, do đó phương pháp dạy học cho trẻ mắc khuyết tật này rất đặc thù. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay không được thiết kế để phù hợp với việc dạy và học của người khiếm thính. Các em không có SGK riêng nên việc học gặp nhiều trở ngại… Thầy Quang mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có những chính sách thúc đẩy giáo dục cho trẻ khiếm thính, đồng thời biên soạn chương trình, SGK riêng, phù hợp với học sinh sử dụng ngôn ngữ ký hiệu

Hay như theo chia sẻ của các giáo viên Trung tâm giáo dục dạy nghề trẻ khuyết tật tỉnh Nghệ An: Tài liệu, SGK cho trẻ khiếm thính có nhưng thiếu nhiều so với nhu cầu. Hiện mới chỉ có bộ sách kí hiệu bằng kênh hình nhưng chưa có ngôn ngữ viết (chữ). Bộ sách này cũng mới chỉ được 3.750 từ, còn rất ít so với lượng từ mà người khiếm thính cần sử dụng hàng ngày. Do đó, tâm tư của các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trẻ khiếm thính nói chung là mong mỏi Bộ GDĐT sớm cho ra đời những bộ SGK đầy đủ dành cho trẻ khiếm thính.

Hơn 3 năm, sau cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ GDĐT và các giáo viên dạy trẻ khuyết tật (trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô) - khi ấy mong muốn lớn nhất mà các giáo viên đề đạt là việc có bộ SGK riêng dành cho các em, thì đầu tháng 12 vừa qua, Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành Giáo dục. Trong đó có đề cập tới việc biên soạn SGK cho trẻ khuyết tật.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 là xây dựng chương trình, SGK cho trẻ em khuyết tật; hỗ trợ kinh phí cho trẻ em thuộc diện chính sách, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Trẻ khuyết tật vốn đã chịu thiệt thòi, một mong ước về một bộ SGK riêng biệt để các em được trang bị kiến thức phổ thông - âu cũng là khát khao chính đáng. Nói như Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, giáo dục trẻ em khuyết tật là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì thế, ngoài trách nhiệm của ngành Giáo dục, cần lắm sự tâm huyết để kế hoạch biên soạn, xây dựng SGK cho các em sớm thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa cho trẻ khuyết tật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO