Sách giáo khoa lớp 1: Giá như tranh luận sớm hơn

Thu Hương 15/10/2020 07:45

Bài học rút ra từ những tranh luận liên quan đến sách giáo khoa (SGK) lớp 1 hiện nay chính là cần phân định rõ vai trò của ba bên: Soạn thảo chương trình, biên soạn SGK và hội đồng thẩm định. Cả ba khâu cần công khai, minh bạch. Có như vậy, tính trách nhiệm mới tăng lên.

Đó là quan điểm của ThS. Nguyễn Quốc Vương, tác giả, dịch giả của hơn 30 đầu sách về giáo dục về những tranh luận hiện nay về SGK lớp 1, đặc biệt là cuốn Tiếng Việt 1 trong bộ SGK Cánh diều.

Thực nghiệm khác với thí điểm…

Cho rằng nhận xét của độc giả khắp nơi về cuốn Tiếng Việt 1 trong bộ SGK Cánh diều có phần xác đáng, giới chuyên môn cũng như những người quan tâm cần xem xét và mổ xẻ sâu thêm, ThS. Nguyễn Quốc Vương nhìn nhận: nếu như những tranh luận này được đưa ra khi SGK mới là bản mẫu hoặc sau khi được phê duyệt, đưa công khai lên website trước khi lựa chọn thì sẽ tốt hơn. Còn những tranh luận hiện nay là khi “việc đã rồi”.

ThS Vương cho rằng có một số nội dung trong cuốn sách này mâu thuẫn với chính những tiêu chí đặt ra trong Thông tư năm 2017 của Bộ GDĐT quy định về việc biên soạn SGK. Ví dụ, có một tiêu chuẩn là sách phải đảm bảo phổ thông, trong sáng và dễ hiểu. Nhưng nhiều độc giả miền Nam, phụ huynh thậm chí giáo viên cho biết họ không hiểu những từ như nhá cỏ, nhá dưa hay dưa đỏ… Phải chăng, quá trình thực nghiệm của cuốn sách dường như chưa cọ xát ở nhiều vùng miền, nhiều đối tượng? Việt Nam có đông các dân tộc anh em, sự khác nhau giữa 3 miền Bắc Trung Nam và giữa thành thị và nông thôn, miền núi… nên đòi hỏi việc thực nghiệm rộng rãi hơn.

“Nếu đây là một bộ sách tham khảo thì hẳn dư luận sẽ không nóng đến như vậy. Còn SGK, dù là xã hội hóa biên soạn nhưng cũng được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, tức là đại diện cho tính chất công của nền giáo dục nên công chúng khắt khe nhìn nhận là đương nhiên” – ThS Vương nêu quan điểm.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên kiêm chủ biên cuốn Tiếng Việt lớp 1 bộ SGK Cánh diều cho rằng, cả 5 bộ sách mới đều đã qua dạy thực nghiệm, trình hồ sơ thực nghiệm ra Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Trước đó, có thực nghiệm để đánh giá tác động bằng nhiều hình thức: Biên soạn, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến giáo viên và chuyên gia, lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân. Riêng bộ Cánh diều, khi đưa sách đi dạy thực nghiệm hai năm liền, từ bài 1 đến bài cuối cùng, nhóm tác giả nhận nhiều góp ý của các giáo viên đứng lớp.

Tại họp báo thường kỳ quý III/2020 của Bộ GDĐT chiều 30/9, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có chương trình các môn học lớp 1 đã qua nhiều công đoạn với quy trình chặt chẽ trước khi ban hành; trong đó có thực nghiệm, lấy ý kiến góp ý rộng rãi, được Hội đồng quốc gia công bố.

Tuy nhiên, một số đề xuất cho rằng, thực nghiệm khác với thí điểm. Cần thí điểm trước rồi mới áp dụng dạy đại trà trên toàn quốc với số lượng HS đủ lớn, mang tính đại diện, có yếu tố vùng miền, trình độ và tiến hành trong một năm để rút kinh nghiệm. Bởi thực tế áp dụng trên lớp khác hoàn toàn với suy nghĩ chủ quan của người viết.

Trách nhiệm của Hội đồng Thẩm định

Theo GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1, trong quá trình thẩm định, một số vấn đề dư luận phản ứng về SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều hiện nay như dùng từ ngữ khó hiểu, khó nhớ, ngữ liệu bài đọc không hay, thiếu tính giáo dục…, cũng đã từng được Hội đồng Thẩm định góp ý và đề nghị tác giả điều chỉnh. Các bài tập đọc như “Cua cò và đàn cá”, “Hai con ngựa”…, Hội đồng cũng đã yêu cầu nhóm tác giả thay ngữ liệu này bằng ngữ liệu khác.

Sau đó, các tác giả được quyền bảo vệ quan điểm của mình. Nhóm tác giả cho rằng các bài học trên không phải dạy thói khôn lỏi, mà bài học là nếu lừa lọc sẽ bị trả giá. Khi dạy trên lớp, cô giáo sẽ rút ra bài học để dạy HS, là các em phải sống chân thật. Cuối cùng quan điểm này được chấp nhận và các thành viên trong hội đồng Thẩm định đã đánh giá cuốn sách ở mức độ “đạt”.

Đây cũng là bộ sách duy nhất được 15/15 thành viên của Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1 đánh giá là “Đạt”. Như vậy, với những tranh cãi hiện nay, vai trò của Hội đồng thẩm định ra sao?

Một chuyên gia cho rằng trên thực tế, Hội đồng thẩm định là người quyết định thông qua và cho lưu hành cuốn SGK. Do đó, nếu có sai sót, hội đồng Thẩm định là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên sau đó mới xét đến ban biên tập, nhà xuất bản… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị.

Nếu sửa thì thế nào?

Hiện nay, SGK đã in ra rồi, mặc dù Hội đồng Thẩm định đang tiến hành rà soát lại nhưng trên thực tế, nếu có những thay đổi, điều chỉnh diễn ra thì phải là năm sau. Vậy việc dạy và học của cô và trò với những bài được đánh giá là có sạn sẽ ra sao?

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết theo tinh thần mở của chương trình và của SGK, ở những bài nhất định, thầy cô, phụ huynh có thể tham khảo, sử dụng ngữ liệu của SGK khác, miễn là bảo đảm phù hợp với các chữ, các vần mà học sinh đang học.

Như vậy, giáo viên cần linh hoạt và chủ động lựa chọn những gì thầy cô cho là phù hợp hơn để dạy cho HS, không nhất thiết đã chọn sách nào thì phải tuân thủ y nguyên sách đó.

TS Phan Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội - Thăng Long, thành viên Hội đồng Thẩm định SGK Tiếng Việt 1 cho rằng đối với ý kiến băn khoăn về ngữ liệu và tính giáo dục của một số truyện từ một số phụ huynh, giáo viên và nhà trường đã xem xét, giải thích SGK về cơ bản là tốt, giúp HS đạt chuẩn theo chương trình. Để dạy học tốt hơn, nhà trường thống nhất giảm tải dung lượng đọc cho những học sinh chưa thuộc chữ cái, tăng cường học chữ và đánh vần. Chú ý giải thích từ ngữ học sinh không quen dùng bằng biện pháp giải nghĩa thích hợp. Có thể soạn, chọn thay ngữ liệu đọc cho một số bài nhưng phải đảm bảo không có âm/vần học sinh chưa học trong ngữ liệu đọc, đồng thời các ngữ liệu thay thế trong sách tối ưu hơn ngữ liệu trong bài của SGK. Ngữ liệu thay thế phải được ban giám hiệu phê duyệt.

Với một vài bài đọc là những đoạn văn được phỏng theo truyện nước ngoài, nếu khó hiểu với HS, cần có câu hỏi gợi mở để các em nhận biết nhân vật tốt, nhân vật xấu, hành động đẹp và chưa đẹp.

Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, ban hành 22/12/2017 của Bộ GDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định. Tại Điều 9, Bộ GDĐT tổ chức thẩm định bản mẫu. Nhà xuất bản có sách được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK hoàn thiện bản mẫu sau thẩm định. Bộ trưởng GDĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK. Điều 9 cũng nêu trong quá trình sử dụng, SGK có thể được chỉnh sửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa lớp 1: Giá như tranh luận sớm hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO