Sai lầm khi chăm trẻ biếng ăn

Nghĩa Toàn 18/03/2023 10:00

Hễ thấy con bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn nhiều phụ huynh đã cho trẻ dùng men tiêu hóa, dù không có chỉ định của bác sĩ. Việc tùy tiện dùng kéo dài các chế phẩm này sẽ không tốt cho sức khỏe.

Ảnh minh họa.

Thấy cậu con trai 5 tuổi ăn uống kém và thấp bé hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa, chị L.B. (ở Bắc Giang) đã cho con dùng men tiêu hóa, sau khi nghe quảng cáo về một loại men có tác dụng giúp trẻ ăn ngon và tăng cân. Theo chị B., thời gian đầu dùng men tiêu hóa này, quả thực, con chị ăn ngon miệng hẳn khiến vợ chồng chị rất mừng. Chị cho con uống 4 hộp men tiêu hóa và thử dừng uống một thời gian, thì con chị lại lười ăn y như trước. Lo lắng nên đưa con đi khám dinh dưỡng thì được biết, cơ thể trẻ đã bị phụ thuộc vào men tiêu hóa quá nhiều nên sinh ra “lười” tiết men nội sinh. Điều này rất có hại cho sức khỏe của trẻ sau này.

PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia lý giải, biếng ăn không phải là một bệnh mà là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Biếng ăn ở trẻ là tình trạng trẻ nhỏ giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn nên không thu nạp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu cơ thể.

Ở trường hợp trên, theo BS Mai, do cha mẹ nhầm lẫn giữa men vi sinh và men tiêu hóa: “Thực tế, đây là 2 chế phẩm hoàn toàn khác nhau. Men vi sinh (men vi sinh vật) là loại men có chứa những vi sinh vật có lợi cho đường ruột, có chức năng cân bằng hệ tạp khuẩn ruột, những vi sinh vật có lợi này sẽ giúp bảo vệ đường ruột, làm cho những vi khuẩn có hại sẽ không có khả năng gây bệnh cho cơ thể. Còn men tiêu hóa là loại men được chính các tuyến trong cơ thể tự tiết ra để tiêu hóa, cắt nhỏ và hấp thu thức ăn. Khi thức ăn được đưa xuống dạ dày thì sẽ cần đến những chất men có sẵn trong cơ thể để cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để hấp thu vào máu. Tuy nhiên, dùng men tiêu hóa dài ngày lại có tác dụng ngược, khiến các lợi khuẩn đường ruột chết và mật cũng mất khả năng tự tiết ra enzyme tiêu hóa trong ruột do nồng độ enzyme trong ruột (do men tiêu hóa cung cấp) đã quá cao rồi. Cơ thể sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào men tiêu hóa, nếu không dùng là hệ tiêu hóa lại có vấn đề”- BS Mai nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương cho hay: Một số bà mẹ thường xay nhuyễn thức ăn hoặc ngược lại để thô hoàn toàn, trẻ ăn đi ăn lại một loại thức ăn gây cho trẻ cảm giác chán ngán, không cảm nhận được sự khác biệt của các loại thức ăn, một thời gian sẽ biếng ăn. Một sai lầm nữa các bậc phụ huynh cũng thường hay mắc phải, là cho con ăn không phù hợp với độ tuổi, thức ăn quá đặc hoặc quá mềm khiến bé không chịu ăn hoặc sẽ nuốt chửng, Việc không nhai sẽ không kích thích phát triển các mầm răng. Đồng thời, không nhai làm cho các tuyến tiêu hóa không tiết ra enzym để tiêu hóa thức ăn, gây hiện tượng đầy ứ và khó chịu, các bé sẽ không nhận đủ được năng lượng để đảm bảo sự tăng trưởng. Mặt khác, cho ăn không đúng bữa, ăn bất kể lúc nào bé thích, ăn lai rai cả ngày là thói quen không tốt khiến trẻ không ăn được nhiều, không có cảm giác đói, không ngon miệng và không quan tâm đến bữa ăn chính, vô tình khiến việc ăn uống của trẻ vất vả hơn và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh trẻ mắc chứng biếng ăn, cha mẹ nên tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi cho trẻ ăn. Hãy khen ngợi khi trẻ chịu ăn dù chỉ là lượng thức ăn nhỏ để trẻ thích thú với việc ăn. Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm tròn 6 tháng tuổi, không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn. Đây là thời điểm hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ. Khẩu phần của trẻ cần phù hợp với độ tuổi. Nếu trẻ từ chối ăn một loại thức ăn mới, cha mẹ đừng cố ép mà nên để con thử vào dịp khác. Không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, đi rong,…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sai lầm khi chăm trẻ biếng ăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO