Sai phạm rồi... mất tích

Lê Anh Đức 10/07/2020 08:00

Việc nguyên Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Sáng “mất tích”, không thể liên lạc được để tống đạt quyết định khai trừ Đảng của cơ quan có thẩm quyền, khiến cho dư luận hết sức ngạc nhiên. Làm sao có thể không ngạc nhiên khi mà một người từng là tỉnh ủy viên, giám đốc sở, sau khi làm thất thoát số tiền lớn của ngân sách lại dễ dàng “bỏ đi”, mặc cho các cơ quan chức năng phải “chạy đôn, chạy đáo” đi tìm để kỷ luật?!

Ông Phạm Văn Sáng. Ảnh: NLĐ.

Câu chuyện thoạt nghe có vẻ như hoang đường, nhưng lại là việc có thật một trăm phần trăm. Từ năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kết luận thanh tra khẳng định ông Sáng có những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm thất thoát số tiền ngân sách lớn. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ các vi phạm của ông Sáng. Song, cơ quan chức năng lại không có biện pháphiệu quả ngăn chặn để ông Sáng “biến mất”.

Nói như vậy, sẽ có ý kiến cho rằng, sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kết luận thanh tra, ông Sáng đã có đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền nên cơ quan công an chưa thể đụng tới. Song, đây là cách lý giải khiên cưỡng. Bởi lẽ, trong Luật Phòng chống tham nhũng, hình sự... cũng đã có quy định về các biện pháp ngăn chặn khi có dấu hiệu phạm tội, tránh việc bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ.

Đáng tiếc là có không ít cán bộ ở cơ quan cả Trung ương và địa phương có thái độ làm việc nửa vời, vô cảm như vậy nên khó thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát. Đó chính là lý do vì sao hàng năm có khá nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý, nhưng số tiền thu hồi cho ngân sách nhà nước là rất ít. Làm sao có thể thu hồi triệt để tài sản tham nhũng khi mà các đối tượng phạm tội có cơ hội và thời gian để tẩu tán tài sản, thậm chí còn biết trước việc sẽ bị cơ quan công an sẽ “sờ gáy” để rồi cao chạy xa bay?!

Trường hợp của Bùi Quang Huy (Giám đốc Công ty Nhật Cường) chẳng phải là một ví dụ hay sao? Trước khi cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam về các tội buôn lậu, rửa tiền... thì Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ lúc nào rồi. Đến nay dư luận vẫn chưa thể trả lời được thắc mắc: Vì sao Bùi Quang Huy có thể biết trước hành động của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), để bỏ trốn trước thời điểm bị bắt giam?

Thắc mắc trên tất nhiên là phải đợi đến khi nào cơ quan công an bắt được Bùi Quang Huy mới có thể sáng tỏ. Song, dư luận lâu nay vẫn xì xầm việc một số cán bộ của TP Hà Nội có dính dáng đến bị can này, nên việc Bùi Quang Huy bỏ trốn là điều có lợi cho họ. Có ý kiến còn cho rằng, việc công ty của Huy luôn trúng thầu những dự án đầu tư công của TP Hà Nội là có sự chống lưng của một số người. Do vậy, nếu không bắt được bị can này thì không có cách nào đụng đến họ.

Hay như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh cũng vậy. Trước khi cơ quan công an tống đạt các quyết định tố tụng thì bị can này đã xuất cảnh ra nước ngoài. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng mới đưa được Trịnh Xuân Thanh về nước quy án. Và lẽ đương nhiên là chỉ sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh mới có thể điều tra, làm rõ hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế có dính dáng đến Đinh La Thăng (lúc đó đang là Bí thư Thành ủy TP HCM).

Trở lại câu chuyện cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai không biết hiện giờ nguyên Giám đốc Sở KH-CN Phạm Văn Sáng đang ở đâu để tống đạt quyết định khai trừ Đảng. Việc ông Sáng cố tình vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng khi “rót” ngân sách nhà nước vào công ty của vợ là rõ ràng và đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận. Vậy thì vì lẽ gì cơ quan công an tỉnh Đồng Nai không triển khai các biện pháp ngăn chặn tiền tố tụng, để đảm bảo ông Sáng không thể bỏ trốn, không thể tẩu tán tài sản?

Nói như vậy để thấy, mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quyết tâm phòng chống tham nhũng, nhưng nếu chỉ “nóng” ở trên mà lại “lạnh” ở dưới thì công cuộc phòng chống tham nhũng khó mà đạt hiệu quả như mong muốn. Việc không ít cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm không chỉ tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội bỏ trốn, tẩu tán tài sản hoặc phi tang chứng cứ, mà còn khiến pháp luật không được thực thi nghiêm minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sai phạm rồi... mất tích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO