Sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục: Tuyển sinh, quản lý đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ 'chưa đảm bảo quy định'?

Hoàng Sa 14/02/2022 07:42

Vượt 132 chỉ tiêu trình độ đại học, chưa kịp thời điều chỉnh đối với tuyển sinh vượt chỉ tiêu trình độ thạc sĩ và nhiều vi phạm quy định trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là một trong những hạn chế, thiếu sót, sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục (Học viện) được chỉ rõ bởi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục được chỉ rõ sau quá trình thanh tra đột xuất.

Thông báo về kết luận thanh tra đối với 4 nội dung được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra đột xuất (giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 9/2021) đối với Học viện gồm: Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; triển khai các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chỉ ra hàng loạt những hạn chế, thiếu sót và sai phạm.

Những vấn đề hạn chế, thiếu sót, sai phạm này được đánh giá là do lãnh đạo Học viện đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, làm trái quy định của Đảng, Nhà nước; không thực hiện các kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Thông báo quyết toán hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, sai phạm trong các lĩnh vực được thanh tra. Chưa quán triệt, cập nhật kịp thời và đầy đủ các quy định của pháp luật, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ. Các chủ thể chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật dẫn đến thực hiện quy định nội dung và quy trình trong công tác tổ chức, nhân sự không đúng quy định của pháp luật. Tập thể lãnh đạo của Học viện và cá nhân mất đoàn kết nội bộ. Công tác tham mưu về tổ chức, nhân sự; quản lý tài chính, tài sản, đầu tư; đào tạo, bồi dưỡng; thanh tra nội bộ của Học viện chưa bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, sai phạm. Các đơn vị quản lý nhiều về số lượng nhưng không phát huy hiệu quả tham mưu, đề xuất, cảnh báo những hạn chế, thiếu sót, sai phạm… Chính vì vậy, hoạt động của Học viện đã dẫn đến những hạn chế, thiếu sót và sai phạm điển hình như:

Trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự: Từ năm 2018 đến ngày 6/12/2019, Học viện không có Hội đồng Học viện để thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định; chưa có văn bản quy định và chưa có sự thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; thành lập mới 2 trung tâm là không cân đối, không phù hợp với số lượng viên chức và chủ trương giảm đơn vị theo Nghị quyết 19-NQ/TW.

Bên cạnh đó, Học viện chậm kiện toàn đủ số lượng lãnh đạo; không bảo đảm tỷ lệ cơ cấu chức danh giảng viên, nghiên cứu viên và tỷ lệ cơ cấu viên chức, người lao động thuộc khối hành chính, hỗ trợ; bố trí 13 đơn vị có số lượng dưới 7 người, cá biệt có đơn vị chỉ có từ 2 đến 3 nhân sự là không phù hợp với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2018 không đúng quy định; Chủ tịch Hội đồng thi tuyển không có văn bản phân công theo quy định; một số ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ chưa đảm bảo.

Về vấn đề quản lý tài chính, tài sản: Từ năm 2018 đến năm 2020, Hội đồng Học viện không ban hành Nghị quyết về Kế hoạch tài chính năm theo quy định khoản 2 Điều 16 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Học viện chưa thực hiện sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ hàng nằm trong kỳ thanh tra theo Kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thông báo xét duyệt ngân sách hàng năm của Bộ Giáo Dục và Đào tạo. Ban hành tờ trình, hợp đồng, thông báo, biên bản liên quan các khoản thu ngoài học phí, lệ phí đều không có căn cứ cho khoản thu, dự toán khoản thu, nội dung chi... Chậm thanh toán tiền dạy cho giảng viên hình thức trực tiếp tại một số địa phương. Từ năm 2018 đến nay, chưa chi trả tiền giảng dạy cho giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ… Chi phụ cấp ưu đãi (40-45%) cho 124 lượt giảng viên khi không xác định được giờ giảng của giảng viên là không đúng quy định.

Đối với công tác quản lý tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản, Học viện cho thuê diện tích của cơ sở hoạt động sự nghiệp các năm 2018, 2019, 2020 chưa thực hiện đúng việc đấu giá cho thuê tài sản theo quy định. Học viện không tổ chức lập, thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu lựa chọn đơn vị thực hiện xuất bản giáo trình phục vụ đào tạo trình độ đại học...

Đáng chú ý, trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ đại học, năm 2019 và năm 2020, Học viện chưa thực hiện xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo chỉ đạo của Bộ. Năm 2020 tuyển sinh vượt 132 chỉ tiêu trình độ đại học ngành Ngôn ngữ Anh; không báo cáo về việc phối hợp đặt lớp đào tạo trình độ đại học đối với các đơn vị: Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường ĐHSP - Đại học Thái Nguyên. Đặc biệt là trong công tác tuyển sinh quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chưa kịp thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2021 theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hành vi tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2020 vượt chỉ tiêu; không biên soạn giáo trình của trình độ thạc sĩ, thành lập hội đồng đánh giá luận văn chưa đảm bảo quy định; không ban hành quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ; không thực hiện rà soát, cập nhật chương trình đào tạo tiến sĩ theo quy định...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục: Tuyển sinh, quản lý đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ 'chưa đảm bảo quy định'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO