Samsung công bố lãi khủng dù người thừa kế bị đề nghị 12 năm tù giam

08/08/2017 09:00

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc - một trong những tập đoàn gia đình trị lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất nước này - đang có cú lội ngược dòng ngoạn mục sau một năm đầy biến cố và khủng hoảng, bất chấp việc người thừa kế tập đoàn, ông Lee Jae-yong bị đề nghị mức án 12 năm tù hôm 7/8.

Người thừa kế Samsung, ông Lee Jae-yong, xuất hiện tại tòa án Seoul hôm 2/8 vừa qua. (Nguồn: AFP).

Một trong số các công ty thuộc tập đoàn này, Samsung Electronics, mới đây tuyên bố mức doanh thu kỷ lục trong quý 2 năm 2017, nhờ đợt bùng nổ trong sản xuất chất bán dẫn và doanh thu từ mẫu smartphone mới nhất của họ. Doanh thu của công ty này đã đạt 10 tỷ USD, tức vượt mức dự báo mà giới phân tích đưa ra về lợi nhuận mà đối thủ Apple đạt được trong cùng kỳ.

Con số ấn tượng trên đã mang lại sức sống mới cho một tập đoàn và một đất nước đã trải qua một năm 2016 đầy khủng hoảng. Vốn là một câu chuyện thành câu nổi tiếng trên thế giới, Samsung trong năm qua đã chịu ảnh hưởng lớn do mẫu smartphone gặp sự cố cùng vụ bê bối tham nhũng liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Đối với các nhà phê bình, vụ bê bối đó được xem như chứng cứ cho thấy các vấn đề kinh niên của nền kinh tế Hàn Quốc, vốn bị thống trị bởi các đế chế gia đình trị còn được gọi là “Chaebol”.

Samsung là Chaebol lớn nhất của Hàn Quốc khi làm ăn ở rất nhiều lĩnh vực chủ chốt gồm đồ điện tử, đồ gia dụng, đóng tàu và xây dựng. Chỉ riêng công ty Samsung Electronics cũng đã đóng góp tới 1/5 lượng mặt hàng xuất khẩu của cả quốc gia. Nhưng chính tầm cỡ và tầm ảnh hưởng của Chaebol đã khiến người dân và cả chính quyền Hàn Quốc không khỏi lo ngại, khi là nguồn gốc của tệ nạn tham nhũng.

Mức tăng trưởng đáng kinh ngạc mà Samsung mới công bố xuất phát từ thành công của họ trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Các con số thống kê mới nhất cho thấy Samsung đã vượt qua Intel để trở thành nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới xét về doanh số bán hàng. Samsung từ lâu đã là một thế lực trong ngành chế tạo chip điện tử và màn hình smartphone. Công ty này cho hay họ sẽ tiếp tục đầu tư 18,6 tỷ USD cho ngành sản xuất bán dẫn ở Hàn Quốc.

Doanh thu khủng của Samsung một phần cũng nhờ vào sự thành công của mẫu smartphone mới nhất của họ, Galaxy S8, cho thấy tín hiệu rằng họ hoàn toàn có thể ngăn chặn tầm ảnh hưởng tiêu cực của đợt thu hồi mẫu Galaxy Note 7 năm ngoái.

Được biết, Galaxy Note 7 đã gặp phải vấn đề pin dễ bắt lửa và thậm chí phát nổ. Điều này đã buộc Samsung phải thu hồi lại toàn bộ sản phẩm này trên khắp thế giới, và suy giảm uy tín củ công ty.

Vấn đề với mẫu Galaxy Note 7 đã quét sạch doanh thu quý 3 năm ngoái của Samsung, dù cho doanh thu từ bán chip điện tử trong quý 4 vẫn mang tới cho họ 25,2 tỷ USD.

Mẫu Galaxy S8, ra mắt trong tháng 4 vừa qua, đã nhận được đánh giá hết sức tích cực khi mà giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng của màn hình và camera của nó. Mẫu smartphone này cũng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của hệ thống hỗ trợ bằng giọng nói của Samsung - có tên Bixby - được xem là một kỳ phùng địch thủ với Siri của Apple hay Alexa của Amazon.

Nhưng dù Samsung đang giành lại được uy tín của mình, thì sự cố pin hồi năm ngoái vẫn cho thấy một vấn đề về nền văn hóa. Các cựu nhân viên, nhà cung ứng cũ và giới phân tích từng nhiều lần nói rằng cách quản lý của Samsung khiến cho nhiều công nhân viên dưới quyền không dám bày tỏ ý kiến của họ hoặc nói về các lỗi của sản phẩm.

Trong khi đó, ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung, đã bị buộc tội hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye để bà này ủng hộ thương vụ sáp nhập 2 chi nhánh của Samsung hồi năm 2015. Vụ sáp nhập này đã giúp ông Lee củng cố quyền lực đối với tập đoàn Samsung.

Cha của ông Lee, Lee Kun-hee, cũng từng bị kết án vì tham nhũng và trốn thuế đến 2 lần, nhưng ông lại chưa từng phải ngồi tù. Lee Kun-hee, người đã bị một cơn đau tim hồi năm 2014, luôn được các đời Tổng thống Hàn Quốc xá tội, và cuối cùng trở thành người đứng đầu một đế chế kinh tế hùng mạnh.

Nhưng đến đời lãnh đạo tiếp theo, người nắm quyền lực hùng mạnh nhất Samsung là Lee Jae-yong lại phải ngồi sau song sắt. Ông bị kết án vào tháng 2 vừa qua.

Trong hôm 7/8, giới công tố Hàn Quốc đã đề nghị mức án 12 năm tù đối với Lee Jae-yong, phó Chủ tịch tập đoàn Samsung, vì cáo buộc đưa hối lộ liên quan đến tổng thống đã bị phế truất Park Geun Hye. Trong phiên tòa cuối cùng xét xử Lee, các công tố viên cho rằng ông Lee là "người hưởng lợi lớn nhất" với những tội danh trong vụ bê bối gây chấn động Hàn Quốc dẫn đến việc phế truất và khởi tố Tổng thống Park Geun Hye.

"Các bị cáo có quan hệ gần gũi với giới quyền lực và mưu cầu lợi ích cá nhân", AFP dẫn lời cơ quan công tố, thêm rằng giới công tố đề nghị mức án 12 năm tù đối với Lee và từ 7 đến 10 năm tù đối với 3 bị cáo còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Samsung công bố lãi khủng dù người thừa kế bị đề nghị 12 năm tù giam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO