Săn cá dứa trên Đại Môn Giang

Quốc Trung - Hoàng Nguyên 26/07/2015 10:00

Bước chân về nơi tận cùng của đất nước, được nghe các “cần thủ” bàn tán nhau về câu chuyện đi “săn” cá dứa khiến cho chúng tôi tò mò. Hôm rồi, Ba Trung - một cần thủ của vùng Đại Môn Giang đã tạo điều kiện để anh em được tận mắt trải nghiệm thú vui hái ra tiền này…

Một con cá dứa mắc câu.

Không biết từ khi nào bến cảng của thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau) là điểm tập kết của các cần thủ. Đúng hẹn Ba Trung và vài “cần thủ” đã chờ sẵn chúng tôi trên thuyền. Khác với những chuyến câu khác, giờ xuất phát của chúng tôi khoảng 6 giờ chiều, lúc đó mặt trời cũng vừa khuất bóng. Chiếc thuyền thong dong từ bến cảng hướng thẳng ra sông Tam Giang.

Trải nghiệm cùng “cần thủ”

Cảm giác về câu cá chưa được tận hưởng nhưng với bầu không khí trong lành dọc trên đường đi cũng là một trải nghiệm khiếm có. Lâu lâu một vài cơn gió biển ùa vào mạn thuyền mang theo mùi vị mặn mòi đầm đậm. Nhìn về phía xa xa, Ba Trung nói: “Sông Tam Giang xưa còn có tên gọi khác là Đại Môn Giang, dài 58km. Đây là con sông duy nhất ở Việt Nam nối hai vùng biển Đông và biển Tây, gần với mũi Cà Mau. Điểm đặc biệt tuy nối hai biển Đông và biển Tây nhưng nước của sông Tam Giang lại là nước lợ vì có được nguồn nước của ba con sông nhỏ (sông Đầm Dơi, sông Đầm Cùng và sông Cái Ngang) đổ vào hòa lẫn làm dịu đi độ mặn của nước biển. Nhiều năm qua, sông Tam Giang được ngư dân ở đây ví von như là “nồi cơm” của ngư dân nghèo từ khắp nơi quy tụ về đây.

Cũng có lần chúng tôi từng đi qua con sông Tam Giang này, nhưng với tư thế du lịch nên khi vượt qua nó cũng chỉ như những đường thủy khác. Nhưng hôm nay qua câu chuyện của Ba Trung khiến cho anh em chúng tôi chăm chú lắng nghe như hồi xưa được ngồi nghe chuyện cổ tích, giờ đây sông Tam Giang như một huyền thoại. Ba Trung có thâm niên cầm câu cả hai chục năm nay, kinh nghiệm có thừa. Như có người chăm chú lắng nghe mà câu chuyện giữa chúng tôi với Ba Trung cứ thế nối dài cho đến khi thuyền dừng tại ngã ba Trại Lưới mấy anh em mới cười xòa.

Chuẩn bị đồ nghề đâu vào đó, Ba Trung đứng quan sát một hồi rồi phán, những nơi có dòng nước chảy xiết là nơi lý tưởng để câu cá dứa. “Nghề câu cá dứa thấy dễ chứ không phải dễ. Nó đòi hỏi người cầm cần phải có nghệ thuật quăng mồi, con mắt quan sát luồng cá…” Ba Trung nói như cụ non.

Đây là lần đầu tiên được trải nghiệm thú vui này nên hai anh em ngồi, quan sát một cách tỉ mỉ, không bỏ sót công đoạn nào từ móc mồi vào lưỡi câu, chọn góc đứng để quăng mồi, điểm thả mồi. Hôm nay ánh trăng sáng quá, cả mặt nước của sông Tam Giang như một chậu bạc lớn lấp lánh.

Thường chúng tôi đi câu đâu có phức tạp như các cần thủ, chỉ chọn một điểm nào đó rồi thả câu, lâu lâu lại chuyển địa điểm khác. Nhưng với nhóm cần thủ của Ba Trung thì đó là cả một sự trải nghiệm lý thú. Hơn nửa tiếng thả mồi, một tiếng “vèo” phát ra, đó tiếng dây câu (một loại dây gân cỡ lớn). Phát câu đầu tiên được thu về vừa móc mồi Ba Trung vừa lầm bầm, đủ cho chúng tôi nghe thấy: Mấy con cá gì đâu, phá mồi của ông. Thả miếng mồi thứ 2, vừa quăng mạnh tay Ba Trung vừa giải thích, cá dứa không ăn ở gần, phải đưa ra xa.

Ba Trung chia sẻ thêm kinh nghiệm: Nhiều năm đi câu cá dứa nên anh em cũng rành đường đi nước bước, thậm chí biết được cả tính nết của con cá dứa. Nó luôn ở dòng nước trong và luôn đi cặp, câu dính một con, lát sau thế nào con còn lại cũng cắn câu. Đặc biệt muốn bắt chúng phải thật nhẫn nại.

Tiếng bụp nhẹ nhưng ở không gian tĩnh mịch này cũng khiến cho chúng tôi phải giật mình. Thì ra tiếng đó phát ra từ cần câu của Ba Trung. Dùng lực giật mạnh cần câu trong tay Ba Trung reo lên: Ái chà con cá này lớn đây! Thấy vậy chúng tôi lại vừa giục anh kéo dây vừa muốn giúp anh mau chóng bắt con cá này. Nhưng Ba Trung nói như ra lệnh, không được, phải từ từ, nóng quá là đứt dây câu ngay.

Thấy Ba Trung dính cá bự, một vài anh em khác bỏ câu lại tiếp sức với Ba Trung, một chiếc vợt có khung bằng sắt, túi vợt làm bằng lưới 4 phân lỗ, đường kính bằng vòng tay người được chờ sẵn. Phải mất gần 15 phút Ba Trung mới kéo được nó vào mạn thuyền, những người bạn của anh dùng vợt xúc cá lên thuyền. Lôi được con cá lên thuyền, mấy anh em đoán, con cá dứa này phải nặng hơn 6 kg, loại cá này có hình dạng tựa như cá tra.

Hình như có đợt, chẳng mấy chốc hàng chục con cá dứa khác lần lượt nằm gọn trên thuyền chỉ sau vài giờ vật lộn của các cần thủ, đúng là khi câu được cá, thời gian trôi đi nhanh thật, thế mà đã 2 giờ sáng.

Nỗi niềm trên Đại Môn Giang

Theo các “cần thủ”, cá dứa là loại có thịt thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa thích, vì vậy mà giá của nó lúc nào cũng cao. Cá biệt có lúc đến đến gần 500 ngàn đồng/kg.

Nhìn mấy con cá nhảy nhót trên thuyền Ba Trung và một số anh em cũng cảm thấy vừa lòng với chuyến đi này. Thường những cần thủ, họ đi đâu luôn biết thế nào là đủ. Theo như anh em ước tính chuyến đi này cũng được vài chục kg, quy ra tiền cũng có tiền triệu rồi. Tiếng cười nói, hả hê của anh em trên thuyền làm náo động không gian tĩnh mịch. Anh em thu dọn đồ nhổ neo thả thuyền trở về. Lúc này chuyến đi như được thêm vui.

Ba Trung hồi tưởng lại cách đây cả chục năm trước. Ai là cư dân gốc của đất mũi Cà Mau đều biết nắm rõ về khoảng thời gian mà con cá dứa này trở về, từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Đây cũng là thời gian mà trái mắm bắt đầu rụng dày đặc trên các con sông, mắm là thức ăn ưa thích của cá dứa. Lúc thủy triều bắt đầu rút, cũng là lúc từng đàn cá dứa lội ngược dòng hứng những trái mắm rụng để ăn.

Ba Trung trầm ngâm kể: Sông Tam Giang hồi ấy cá dứa hồi nhiều vô số kể. Người dân lựa lúc cá dứa ăn trái mắm no căng bụng, bơi không được nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Người dân chỉ cần dùng chỉa ngồi trên thuyền hay đi dọc bờ đâm trúng là lượm lên, một đêm người nào siêng cũng kiếm được vài chục kg.

Ba Trung nói như tiếc nuối: Thời gian qua do người ta đi săn cá dứa vô tội vạ họ dùng đủ phương tiện đánh bắt, mà bắt theo kiểu tận diệt nên cá thưa dần. Để bảo vệ loài cá này, chúng tôi chỉ có cách của riêng nhóm là quyết tâm không bắt cá non, cá nhỏ, cho dù có về tay không.

Trời sáng dần, hơi ấm bắt đầu lan tỏa khắp mặt biển. Chuyến săn cá trên sông Tam Giang của chúng tôi kết thúc khi thuyền cập bến cảng thị trấn Năm Căn là điểm đầu và cũng là điểm cuối của chuyến đi kỳ thú. Mấy anh em ngồi nhâm nhi ly cà phê để vớt vát bầu không khí trong lành còn sót lại...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Săn cá dứa trên Đại Môn Giang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO