Sân khấu dành cho thiếu nhi Hè 2019: Loay hoay chọn 'món ngon'

Hoàng Minh 19/05/2019 08:00

“Đến hẹn lại lên”, chào Hè 2019 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 các nhà hát, sân khấu tại Thủ đô vừa đồng loạt cho ra mắt các chương trình phục vụ cho thiếu nhi. Tuy nhiên, giữa một bữa tiệc “thịnh soạn” để tìm được những “món ăn” thích hợp dành cho khán giả “nhí” vẫn đang là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Sân khấu dành cho thiếu nhi Hè 2019: Loay hoay chọn 'món ngon'

Vở diễn Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc.

“Bữa tiệc” cổ tích

“Mở màn” cho sân khấu thiếu nhi Hè 2019 tại Hà Nội là sân khấu Lệ Ngọc với vở diễn “Tấm Cám” dựa trên kịch bản chuyển thể của nhà văn Nguyễn Hiếu từ chuyện cổ tích cùng tên, do đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên phiên bản “Tấm Cám” này đã được thay đổi so với nguyên gốc để phù hợp với đối tượng khán giả thiếu nhi: Ở đó, những chi tiết rùng rợn như như dì ghẻ chặt cây để Tấm ngã chết hay việc Tấm trả thù bằng cách muối Cám trong vại, gửi cho dì ghẻ ăn đã hoàn toàn được lược bỏ. Thay vào đó, vở diễn qua bàn tay của đạo diễn Singapore Chua Soo Pong đã được làm mới với những chi tiết hài hước thông qua sự thể hiện của các diễn viên nhí bên cạnh các thông điệp nhân văn.

Đơn cử như vẫn còn đó những phép màu, đặc biệt là người mẹ đã khuất của Tấm luôn luôn hiện về giúp đỡ con gái nhỏ mỗi khi Tấm gặp chuyện... Hay với tội ác của mẹ con Cám - ở cái kết của vở kịch, Tấm và Hoàng tử quyết định cho mẹ con nhà Cám một cơ hội để hoàn lương bằng cách làm nhiều việc tốt…

Cũng dựa trên kịch bản từ các câu chuyện cổ tích, Nhà hát Tuổi trẻ năm nay lại cho ra mắt nhiều chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi vào dịp hè gồm “Sơn Tinh -Thủy Tinh”, “Con chim xanh”, “Giấc mơ của nàng tiên cá”, trong đó, vở diễn mới được dàn dựng “Sơn Tinh-Thủy Tinh” là vẫn dựa trên câu chuyện cùng tên đã được sân khấu hóa với một không gian nghệ thuật rực rỡ sắc màu và âm nhạc sôi động, cộng cùng nhiều tình tiết trong cốt truyện gốc được làm mới để câu chuyện trở nên hấp dẫn và thu hút, kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay sẽ được Nhà hát Múa rối Thăng Long “làm mới” bằng việc ra chương trình nghệ thuật tổng hợp dàn dựng với phong cách hiện đại dành cho các em nhỏ với chủ đề “Các con là tất cả”. Chương trình được kết hợp giữa các tiết mục múa rối nước, múa rối cạn cùng với hề xiếc và các điệu nhảy “hot” nhất hiện nay.

NSƯT Đức Hùng-Trưởng Đoàn diễn viên I Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: Với thông điệp là tình yêu thương kết nối thế giới, luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh, các em thiếu nhi sẽ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật thật độc đáo, mang đậm chất giải trí. Thông qua sự dẫn dắt của nhân vật chú Tễu, các em sẽ được chiêm ngưỡng một thế giới kỳ diệu, những phút giây vui vẻ và ý nghĩa với các nhân vật huyền thoại như Rồng, Lân, Trăn tinh khổng lồ cùng các con vật đáng yêu như gia đình lợn con, mèo con hay những chàng siêu nhân dũng mãnh…

Đặc biệt, vở hài kịch “Bạch tuyết, Hoàng hậu và bảy chú lùn” lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu rối sẽ được xây dựng bởi những tình tiết hoàn toàn mới, cũng với những hình tượng quen thuộc đã gắn liền tuổi thơ. Cách xử lý đầy sáng tạo độc đáo, tính giáo dục nhẹ nhàng và nhân văn sâu sắc, các em sẽ tận mắt chứng kiến một Bạch Tuyết xinh đẹp nhân từ, đã cảm hóa Hoàng hậu độc ác thành người lương thiện.

Những chú lùn ngộ nghĩnh hóm hỉnh, thoắt biến dạng từ bé tí sang to tướng bởi cây gậy thần của bà Hoàng hậu, một quả táo to đùng nhìn thấy ai cũng muốn có...

Sân khấu dành cho thiếu nhi Hè 2019: Loay hoay chọn 'món ngon' - 1

Những khán giả “khó tính”

Có thể nói, cùng với những đơn vị tiên phong như sân khấu Lệ Ngọc, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Thăng Long… và sắp tới đây là Liên đoàn Xiếc Việt Nam với chương trình “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu”, Nhà hát Múa rối Việt Nam với vở diễn “Cậu bé rừng xanh”… các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đang có màn “chào sân” khá rầm rộ.

Tuy nhiên, bên cạnh cuộc “ra quân” hoành tráng này vẫn là những âu lo từ những người tổ chức và cả sự băn khoăn của các bậc phụ huynh. Bởi thực tế làmkhấu thiếu nhi không đơn giản, thậm chí còn khó hơn sân khấu cho người lớn rất nhiều lần. Ở đó, để giữ chân, hấp dẫn khán giả “nhí” thì ngoài câu chuyện kịch, các yếu tố phụ trợ rất cần được quan tâm để thu hút đối tượng khán giả “tưởng dễ mà khó” này.

Giám đốc điều hành sân khấu Lệ Ngọc - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - Nguyễn Thế Vinh cho biết: “Các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay đang chạy theo nhu cầu thị hiếu của khán giả “nhí” nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời. Cứ đến dịp 1/6 hay Tết Trung Thu các nhà hát đua nhau làm chương trình biểu diễn cho thiếu nhi, rất phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức... đấy là cái được. Nhưng cái chưa được là đang thiếu sự định hướng và đầu tư một cách nghiêm túc từ phía nhà nước, đặc biệt là đối với các đơn vị nghệ thuật Trung ương, nên nhiều chương trình chất lượng nghệ thuật chưa cao, nội dung nghèo nàn, đôi khi nhảm nhí, phản cảm làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nhận thức của trẻ nhỏ...

Ở Việt Nam hiện nay hầu hết các địa phương, kể cả thủ đô Hà Nội và TPHCM đều không có một nhà hát chuyên biệt dành riêng cho trẻ em trong khi hầu hết các nước phát triển họ rất quan tâm đến sân khấu dành cho trẻ em, có rất nhiều đoàn nghệ thuật và sân khấu dành riêng cho thiếu nhi”.

Bên cạnh tình trạng đang loay hoay tìm sự hoàn thiện thì vẫn còn có một nghịch lý là kịch bản. Mảng đề tài kịch bản dành cho thiếu nhi vẫn đang trong tình trạng “yếu và thiếu”. Ngay như nhà văn Nguyễn Hiếu, người chuyển thể kịch bản vở diễn “Tấm Cám”, cũng phải thừa nhận: “Sân khấu thiếu nhi đang khủng hoảng vì hầu như các đơn vị sân khấu không coi trọng khán giả nhỏ tuổi. Trừ Nhà hát Tuổi trẻ với chức năng của mình và trong các dịp dành cho thiếu niên, nhi đồng vẫn thực hiện các vở kịch thiếu nhi. Từ thực trạng đáng buồn đó nên lực lượng tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi teo tóp dần, kịch bản dành cho các cháu cũng ngày càng hiếm hoi”.

Lời tâm sự của nhà văn Nguyễn Hiếu cũng dễ hiểu bởi thời gian qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật ở các địa phương thường xuyên tổ chức các trại sáng tác. Thế nhưng, số lượng tác giả tham dự thường đông đảo và thường có tác phẩm được trao giải A, nhưng kịch bản hay vẫn khan hiếm. Hằng năm, các liên hoan, hội diễn sân khấu về đề tài hiện đại vẫn diễn ra, song, những vở đoạt giải cao về chuyên môn nhiều khi không đủ sức thu hút công chúng, nên biểu diễn xong lại cất vào kho. Còn với sân khấu thiếu nhi dường như trong các cuộc vinh danh đó vẫn đang bị bỏ quên. Bởi lý do đơn giản: thu nhập từ kịch bản sân khấu so với kịch bản điện ảnh, ca nhạc kém hơn rất nhiều, chỉ một số nhà viết kịch lâu năm mới đủ kiên trì với nghề, còn các tác giả trẻ có tài đều bị hút về các lĩnh vực hấp dẫn hơn. Do vậy, lâu nay các nhà hát thường phải “bóp mồm, bóp miệng”, dựng vở của người già thì không mới, còn dựng của người trẻ lại chưa tới tầm.

Một vấn đề nữa là công tác đào tạo trong lĩnh vực sân khấu đang còn nhiều lỗ hổng, nhất là đào tạo người viết kịch bản. Việc phát hiện, bồi dưỡng người tài viết kịch bản sân khấu đang bỏ trống. Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng đã có những cố gắng, nhưng vì kinh phí hạn hẹp, người tâm huyết không có nhiều, nên kết quả không đáng là bao. Công việc này phải cần đến sự hỗ trợ của ngành Văn hóa.

Một người “lão luyện” trong lĩnh vực sân khấu như đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong cũng phải thừa nhận: “Đừng nghĩ vở diễn dành cho thiếu nhi thì dễ, mà ngược lại, vở kịch làm cho thiếu nhi không hề đơn giản, thậm chí còn là vở kịch rất khó xây dựng. Bởi các câu chuyện kể cho thiếu nhi phải dí dỏm và hài hước, với những tình tiết không thật phải làm thế nào để kể cho các em tin là thật. Làm sao tạo được sự hài hước, nhưng thuyết phục được trẻ em tin tưởng là điều không dễ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu dành cho thiếu nhi Hè 2019: Loay hoay chọn 'món ngon'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO