Sân khấu chuyển mình

Quỳnh Chi 25/10/2020 08:30

Gượng dậy sau những làn sóng Covid-19, sân khấu đang cho thấy sự chuyển mình để sáng đèn trở lại, mang tới cho công chúng những kịch mục hấp dẫn, mới mẻ.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân, người ta còn nhận ra những dấu hiệu mới cho thấy sự xoay trục khi có đơn vị nghệ thuật đã mời đạo diễn danh tiếng nước ngoài về làm việc.

Cảnh trong vở “Cậu Vanya”.

Bắt tay với đạo diễn ngoại

Mới đây, câu chuyện đạo diễn nổi tiếng người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama chính thức đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ nhận được sự quan tâm của giới làm nghề.

Ông Tsuyoshi Sugiyama hợp tác với đơn vị nghệ thuật “đầu tàu” ở Thủ đô trong vai trò là đạo diễn sân khấu - cố vấn nghệ thuật. Việc làm này xưa nay “chưa có tiền lệ”, vì thế, người ta kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi và diện mạo mới cho một địa chỉ sân khấu vẫn đang được đánh giá là sôi động nhất của cả nước trong những năm qua...

Tất nhiên, ông Tsuyoshi Sugiyama không phải là cái tên “từ trên trời rơi xuống”. Vốn được biết tới từ dạo Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Nhật Bản dàn dựng vở kịch “Uncle Vanya” (Cậu Vanya), rồi sau đó vở diễn “Chim hải âu” của Nhà hát Không Giới Hạn (Nhật Bản), đoạt giải thưởng xuất sắc khi tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần thứ III-2016 tại Việt Nam nên cái tên Tsuyoshi Sugiyamaái đã được nhiều người biết đến.

Theo NSƯT Chí Trung- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, việc mời các đạo diễn, nghệ sĩ nước ngoài tới cộng tác lâu dài tại Việt Nam là một trong những lựa chọn táo bạo nhưng rất đúng đắn của các đơn vị nghệ thuật trong nước hiện nay. “Hướng đi mới mẻ này đã từng được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam triển khai rất thành công với dự án mời nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji đảm nhận vai trò cố vấn âm nhạc, chỉ huy chính của dàn nhạc trong 20 năm qua cũng là một bài học kinh nghiệm thiết thực đối với chúng tôi”- ông Trung chia sẻ.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc mở rộng hợp tác là điều tất yếu. Những tài năng đích thực sẽ có nhiều cơ hội chứ không chỉ bó hẹp trong những không gian quen thuộc. Trong khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ từ lâu cũng đã có nhiều dự án hợp tác quốc tế thành công, trở thành dấu ấn của đơn vị này trong lĩnh vực biểu diễn cũng như khẳng định tên tuổi của mình với các đối tác quốc tế.

Đơn cử như từ năm 2011, Nhà hát Tuổi trẻ đã có vở diễn “Tất cả đều là con tôi” (Kịch bản Athur Miller - Đạo diễn Neil Simon Fleckman), là một dự án hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đến năm 2014, với vở “Vòng phấn Kavkaz” (kịch bản Bertolt Brecht - đạo diễn: Dominik Gunther) hợp tác với Viện Goethe Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp đối với khán giả. Gần đây, phiên bản “Romeo và Juliet” 2019 được dàn dựng bởi bàn tay của đạo diễn Beverly Blankenship - nữ đạo diễn người áo đã nổi danh ở châu Âu trong nhiều năm qua cho thấy những kết quả từ sự hợp tác với các nhà hát, đạo diễn tài năng nước ngoài.

Là đạo diễn từng tham gia dự án hợp tác với đạo diễn nước ngoài với vở “Con chim xanh”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định: “Trong những năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt thành công nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc ở cả loại hình kịch kinh điển và đương đại do các đạo diễn nước ngoài dàn dựng. Nhưng đây là lần đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ mời một đạo diễn nước ngoài sang hợp tác trong một chiến lược phát triển dài hơi, nhằm chủ động đón đầu lộ trình xã hội hóa nghệ thuật, mang đến một diện mạo và định hướng nghệ thuật mới mẻ cho Nhà hát Tuổi trẻ”.

Từ phía đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, ông bày tỏ tâm huyết, tình cảm và mong muốn được tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung qua các hoạt động nghệ thuật, mở rộng cơ hội hợp tác, cùng nhau sáng tạo, hướng đến xây dựng một diện mạo nghệ thuật trẻ trung dành cho khán giả trẻ và thanh thiếu nhi tại Việt Nam.

Nỗ lực mở lối đi riêng

Sau một thời gian dài phải đóng cửa để bảo đảm công tác phòng chống dịch, sân khấu tại những thành phố lớn gần đây đã sáng đèn trở lại. Trung tuần tháng 10 vừa qua, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM đã ra mắt vở “Kỳ án xứ mặt trời”. Trước đó, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, cũng đã ra mắt vở “Bàn tay của trời”. Sân khấu kịch Hồng Vân cũng tái dựng vở “Số đỏ”…

Còn tại Hà Nội, Sân khấu Lệ Ngọc cũng là đơn vị nghệ thuật có thể nói là “kiên cường”, bền bỉ sáng đèn. Trước đó, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã mạnh dạn mở thêm sân khấu kịch Quảng Lạc tại địa chỉ 8B Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội). NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, đây là sân khấu thứ hai của Nhà hát Kịch Hà Nội, bên cạnh Rạp Công nhân ở địa chỉ 42 Tràng Tiền.

Mục đích tổ chức sân khấu Quảng Lạc, theo ông Hiếu, là tạo không gian mới cho các nghệ sĩ biểu diễn, phục vụ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn để lan tỏa niềm vui, tình yêu nghệ thuật kịch nói đến đông đảo khán giả. Buổi biểu diễn đầu tiên của Nhà hát Kịch Hà Nội trên sân khấu kịch Quảng Lạc là 3 vở hài kịch: “Phòng tìm duyên”,” Thử thách tình yêu”, “Di sản văn hoá” diễn ra thành công, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Quan sát sân khấu thời gian qua còn có thể ghi nhận tín hiệu tích cực từ Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020. Với 13 vở diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tham dự cùng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên tham gia diễn xuất, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV năm 2020 có thể coi là cú khởi động trở lại đầy ngoạn mục của sân khấu Việt Nam sau thời gian dài tạm nghỉ do dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, các vở diễn dự liên hoan đa dạng về thể loại (có kịch nói, cải lương, chèo) và đề tài, được đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng, chất lượng nghệ thuật khá tốt. Có những vở diễn mới và cả nhiều vở được dựng lại hoặc khai thác từ các kịch bản cũ, song vẫn mang tính thời sự và được khán giả yêu thích bởi những giá trị nhân văn sâu sắc, vững bền khi thể hiện dưới những góc nhìn mới, đưa vào các yếu tố đương đại, tạo hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả. Có thể thấy rõ điều đó qua một số vở diễn nổi bật, trong đó có vở “Bạch đàn liễu” (dựng lại từ kịch bản của nhà viết kịch Xuân Trình) của Sân khấu Lucteam do đạo diễn - NSƯT Trần Lực đạo diễn với thông điệp chống tham nhũng...

Theo NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Ban giám khảo, một điều đáng ghi nhận tại liên hoan lần này là sự xuất hiện của nhiều đạo diễn trẻ có tiềm năng cùng những đạo diễn đã thành danh, đã đóng góp nhiều cho sân khấu nước nhà. Bên cạnh đó là sự kế cận của nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng sẵn sàng tiếp bước các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đi trước. Ngoài ra, thiết kế sân khấu cũng ngày càng hiện đại, với nhiều trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đa dạng…

Để động viên các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi cho rằng, rất cần đến sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân nhà tài trợ để các sân khấu “sáng đèn” thường xuyên và có điều kiện đổi mới để thu hút khán giả trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO