‘Săn’ lộc biển

ĐOÀN XÁ 05/02/2023 08:08

Gắn bó với biển cả, đầu năm là dịp hàng trăm ngư dân vùng biển Phan Thiết, Vĩnh Hảo, Tuy Phong, La Gi... (tỉnh Bình Thuận) khởi đầu công việc của mình. Ở đó, niềm vui mở biển với họ là những bao sò, ốc móng tay hay cá đuối, cá chình và cả mực ống có giá trị kinh tế cao.

Bắt đầu một ca lặn biển.

Đầu năm đi lặn sò

Khi mặt trời vừa nhô lên trên biển, chiếc ghe dài 15 mét của nhóm ngư dân lặn biển ở xã Tân Bình (thị xã La Gi, Bình Thuận) cũng vừa ra khỏi của sông Dinh, hướng về phía ngọn hải đăng Kê Gà phía xa xa. Ông Đinh Văn Triều, 61 tuổi, chủ ghe và cũng là một thợ lặn biển lâu năm cho biết, thời gian này dễ kiếm bạn đi biển lắm vì nhiều lộc.

“Hồi trong năm có bữa tôi gọi điện suốt ngày mà chỉ có 3-5 bạn ghe thôi. Bữa nay có 11 bạn ghe tất cả. Đi biển nghề nào cũng vậy phải đông mới dễ kiếm cơm. Thời gian này là bắt đầu mùa biển chính trong năm với anh em thợ lặn. Thôi thì đủ cả, từ ốc móng tay, ốc hoàng đế, ốc mỡ cho tới sò tộ, sò huyết, sò bạch hay cả cá, chình và mực nữa. Đại dương mênh mông, lặn dưới đó có gì bán ra tiền thì mình bắt thôi”, ông Triều chia sẻ.

Cũng theo ông Triều, ông sinh ra và lớn lên ở vùng biển La Gi, gắn bó với nghề biển từ khi còn trẻ. “Ngày trước tôi cũng đi xa lắm, ra tận Trường Sa để câu cá ngừ, mực ống, cá mú đỏ và lặn ốc hoàng đế, bào ngư. Nhưng mấy năm gần đây có tuổi rồi, không đi biển xa được nữa và cũng không lặn được. Thế là hùn tiền với cậu em vợ mua cái ghe này. Ghe nhỏ thôi nhưng cũng nhiều bạn ghe ưng bụng mà đi cùng. Tiền xăng dầu, cơm nước tôi lo hết. Mỗi ngày ăn ba bữa dù chỉ tầm 2 giờ chiều là về lại cảng rồi. Mà tôi cũng chỉ xin ăn chia 3-7 với thợ lặn thôi”, ông Triều kể thêm.

Để tiết kiệm chi phí và cũng vì nhiều thợ lặn là ngư dân nghèo, người trẻ mới vào nghề chưa có đủ tiền để mua ghe lớn trị giá hàng trăm triệu đồng nên ở khu vực biển La Gi, ngư dân thường đi chung ghe với các chủ tàu. Mỗi chủ tàu thường tìm các bạn ghe chung nghề lặn và thỏa thuận ăn chia. Thợ lặn được chủ ghe chở ra ngư trường, bao tiền ăn cũng như các chi phí xăng dầu duy trì chuyến biển. Bù lại nếu săn bắt được bao nhiêu, thợ phải chia lại một phần sản phẩm cho chủ ghe. Việc đi biển ghép chung như vậy khá phổ biến và được nhiều ngư dân, chủ ghe ở khu vực này chấp nhận vì giảm bớt chi phí rất nhiều.

Vừa cẩn thận gắn từng cuộn dây đai buộc chì vào quanh bụng, vừa kiểm tra lại ống thở đang gắn vào chiếc bình ôxy lớn, anh Nguyễn Văn Mỹ - một thợ lặn ngụ tại phường Tân Tiến (thị xã La Gi) vừa cười bảo nghề lặn là nghề vất vả nhất trong những nghề đi biển. “Nghề lặn biển cực khổ lắm mà lại kén người. Không phải ai cũng lặn biển được đâu. Dưới đó áp lực nước lớn lắm, không khỏe mạnh là bật lên liền. Những nghề khác giờ đều có ngư cụ hiện đại để đánh bắt nhưng nghề lặn thì vẫn như từ xưa tới giờ, thợ phải mò mẫm dưới đáy biển sâu để tìm kiếm vậy”, anh Mỹ chia sẻ.

Anh Mỹ theo nghề lặn biển đã được gần 10 năm. Tuy nhiên ngư trường chủ yếu chỉ quanh khu vực từ đảo Hòn Bà tới mũi Kê Gà chứ ít khi di chuyển đi nơi khác. “Lặn biển là nghề kiếm cơm dưới đáy đại dương. Mà dưới đáy đại dương tiềm ẩn nhiều nguy hiểm lắm, mình đi ngư trường mới không quen thuộc địa hình rất khó để lặn. Còn khu vực này tôi gắn bó nhiều năm, thuộc từng bãi đá, vụng cát dưới đại dương nên cũng thấy an tâm lắm. Đang dưới đáy biển mà trời nổi mây, mưa trút xuống không thấy đường cũng tìm về ghe được”, anh Mỹ cho biết.

Không chỉ riêng vùng biển La Gi mà chạy ngược lên hướng Bắc hàng trăm cây số, vùng ven biển Bình Thuận ở Hòn Rơm, Mũi Né, Hàm Thắng, Phan Rí Cửa... đều có điều kiện tự nhiên phong phú, trữ lượng hải sản dồi dào thích hợp với nghề lặn biển. Ở đó, dưới đáy biển có những bãi san hô, đá nhỏ xen kẽ các vụng cát nên việc đánh bắt bằng các nghề khác, dù ngư cụ hiện đại cũng gặp khó khăn và không năng suất. Ngược lại, với nghề lặn biển thì ngư dân có thể đánh bắt được nhiều loại hải sản ẩn nấp trong các khu vực bãi đá dưới đáy biển. Vì thế, nghề lặn xuất hiện ở ven biển Bình Thuận từ rất sớm và tồn tại hàng trăm tới nay, không bị mai một hay thay thế như một số nghề khác.

Thành quả của người thợ lặn.

Cuộc "đấu trí" dưới đáy đại dương

Thông thường mỗi ngày làm việc của ngư dân nghề lặn kéo dài khoảng 6 giờ đồng hồ nhưng chỉ có 3 giờ ở dưới đáy biển, còn lại là thời gian di chuyển, nghỉ ngơi trên ghe và ăn cơm. “Vùng biển này sâu từ 4 tới 10 sải (khoảng 1,5 mét) nên nhiệt độ dưới đáy biển rất lạnh. Thợ lặn cũng nhanh đói nên thường chỉ ở dưới nước khoảng 1 giờ đồng hồ mà thôi dù có ống thở. Sau đó lên ghe ngồi nghỉ ngơi và lấy lại thân nhiệt để lặn tiếp. Những lần nghỉ ngơi cũng là lúc anh em lặn ăn cơm bởi nhiệt độ lạnh rất nhanh đói. Ở đây cứ một ca lặn lại ăn một lần. Còn thành quả thì để trên ghe, có chủ ghe phân loại và chia theo thỏa thuận”, anh Mỹ kể.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi thợ lặn ngoài đeo một dải chì nặng chừng 15 kg thì đeo thêm một chiếc túi ở trước để bỏ chiến lợi phẩm và ngậm ống thở ôxy. Những chiếc ống thở này thiết kế kép (vừa thở ra/hít vào) dài cả trăm mét, được đấu nối vào bình ôxy lớn có máy phát chạy bằng xăng để cung cấp ôxy cho thợ lặn. Nếu có tai nạn bất thường thì thợ lặn chỉ cần giật mạnh dây ống thở là người trên ghe có thể ứng cứu.

Điều bất ngờ nhất khi nghe những thợ lặn tâm sự là dù trên mặt nước sóng gió lớn nhưng ở dưới đáy biển lại rất êm, lâu lâu mới có sóng ngầm. Nhưng điều nguy hiểm nhất với thợ lặn không phải là sóng gió, mà là những tai nạn chực chờ dưới đáy biển. “Nhiều người phải bỏ nghề, thậm chí mang thương tật bởi những động vật dưới đáy biển. Nhẹ thì bị cầu gai, ốc chích vào tay chân, nặng thì bị một vài con giáp xác khác tấn công. Nếu mình không cẩn thận thì rất dễ bị thương bởi những sinh vật dưới đáy biển luôn biết cách ẩn mình, ngụy trang rất khó nhận biết”, anh Mỹ tiếp tục chia sẻ.

Theo ngư dân này, mỗi ngày đi lặn là một lần đấu trí căng thẳng với đáy biển. “Đôi khi nhìn thấy con mực lá bự lắm mà không bắt được bởi chúng bơi nhanh, có khi phun mực chống trả. Rồi cá đìa, cá đuối nữa khi thấy bóng người là chúng lẩn trốn. Khi ấy mấy anh em thợ lặn phải sử dụng tay ra ký hiệu vây nó lại truy bắt”, anh Mỹ kể.

Đầu năm là thời gian ngư dân ở nhiều vùng biển bắt đầu mùa khai thác, với những món quà từ biển. Với người thợ lặn ở ven biển Bình Thuận cũng vậy, chỉ khác là để có được những món quà dưới đáy đại dương kia họ phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi công sức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Săn’ lộc biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO