Mạng xã hội: Con dao hai lưỡi

Phố Hoa 30/06/2019 08:00

Theo từ điển mở Wikipedia: “Dịch vụ mạng xã hội (tiếng Anh: Social Networking Service - SNS) là dịch vụ kết nối các thành viên có cùng sở thích trên mạng Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng.

Hiện nay trên thế giới có hàng trăm dịch vụ mạng xã hội trong đó có những mạng đông người sử dụng nhất phải kể đến Facebook, Twitter, Instagram”… Và ở Việt Nam, mạng xã hội phổ biến nhất có lẽ là Facebook nên trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ chủ yếu nói về mạng xã hội Facebook.

Mạng xã hội: Con dao hai lưỡi

Mark Zuckerberg lập nên trang Facebook từ ngày 4 tháng 2 năm 2004 cùng với bạn bè là sinh viên khoa máy tính và trở thành CEO của công ty sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook với hơn hai tỉ người dùng hoạt động thường xuyên. Nhưng phải mãi cho đến năm 2013, tôi mới bắt đầu dò dẫm, làm quen, tập tành sử dụng Facebook và nhanh chóng trở thành một Facebooker cần mẫn.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn khủng khiếp đến mức gây nghiện của mạng xã hội bởi những tính năng rất hiện đại, hữu ích, thân thiện và luôn đặt người dùng vào vị trí trung tâm. Bạn thử nghĩ xem có ai tốt với bạn đến mức luôn đồng hành bên bạn, luôn “quan tâm, hỏi han” xem hôm nay bạn nghĩ gì, tâm trạng của bạn như thế nào không? Có ai luôn phơi bày ra trước mắt bạn những thứ bạn yêu thích, dẫn lối, gợi ý cho bạn kết bạn với những người có thể có liên quan tới bạn, hướng bạn tới những sản phẩm, dịch vụ, những vấn đề phù hợp với bạn không? Có ai luôn giúp bạn chia sẻ tâm trạng, niềm vui; “vỗ về, an ủi” những khi bạn buồn; giúp bạn chia sẻ những hình ảnh đẹp đẽ, lung linh nhất của bạn; giúp bạn kết nối với cả thế giới bên ngoài; giúp bạn thể hiện cá tính, bản sắc riêng của mình? Ai là cầu nối giúp bạn học hành, phát triển sự nghiệp, hợp tác với các đối tác quan trọng?… Người đó không phải là cha, mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp hay người yêu, anh, chị, em, bạn, dì… Người luôn “yêu thương, tôn vinh” bạn hết mình theo kiểu ảo như vậy chỉ có thể là mạng xã hội mà thôi. Bởi thế cho nên, số lượng người tham gia sử dụng mạng xã hội tăng một cách chóng mặt, tạo nên những cộng đồng mạng vô cùng đông đúc với rất nhiều tiện ích nhưng cũng vô cùng phức tạp bởi mặt trái “ảo” của nó.

Trong thế giới ảo của mạng xã hội, người ta có thể núp dưới thân phận của nhiều người khác nhau, người xấu tốt thế nào là do bản thân người ấy tự xây dựng hình ảnh cho mình. Mỗi tài khoản Facebook, mỗi trang cá nhân là đại diện cho một con người, có thể là thật, có thể là giả tham gia tương tác trong mạng xã hội. Cũng có một số người thờ ơ, đứng ngoài dòng chảy thời đại , nói không với mạng xã hội. Nhưng có vô số những người một ngày không vào Facebook vài lần thì không chịu được. Mục đích và cách sử dụng mạng xã hội của mỗi người cũng khác nhau. Nhiều người coi mạng xã hội đơn thuần chỉ để giải trí, là nơi giao lưu với bạn bè, xả stress sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Có nhiều người sử dụng mạng xã hội thành một kênh kinh doanh online, một công việc kiếm tiền nghiêm túc. Các văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ… dùng mạng xã hội để chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật của mình đến với công chúng, độc giả, khán giả nhanh hơn, sâu rộng hơn và tương tác với người hâm mộ hiệu quả hơn. Và tất nhiên, cũng có không ít kẻ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, thậm chí tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, câu view, câu like, câu share để trục lợi bất chính.

Không chỉ có người dân thường mới thích sử dụng mạng xã hội. Mặc dù không nhiều, nhưng cũng có một số chính khách nổi tiếng thế giới thích dùng mạng xã hội, điển hình nhất phải kể đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có thể nói ông là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao nghiện dùng Twitter nhất thế giới. Ông thường xuyên chia sẻ các quan điểm của mình trên Twitter nhiều đến mức Twitter trở thành một kênh truyền thông phi truyền thống chủ lực, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của ông trong cuộc vận động tranh cử giành chức Tổng thống Mỹ năm 2017. Người dân Mỹ và cả cánh phóng viên, nhà báo chủ yếu nắm bắt thông tin về ông qua trang Twitter của ông chứ không phải các kênh truyền thông truyền thống khác. Nhiều chính khách khác cũng đã học ông dùng mạng xã hội để gần gũi và thu hút được sự ủng hộ của cử tri.

Mạng xã hội: Con dao hai lưỡi - 1

Không những thế, mạng xã hội còn mang lại rất nhiều điều bất ngờ thú vị cho người sử dụng. Nhiều người đã tìm lại được người thân, bạn bè sau nhiều năm bị thất lạc nhờ mạng xã hội, thậm chí nhiều tội phạm bị truy nã cũng đã bị phát hiện thông qua mạng xã hội. Cuộc sống hiện đại quá nhiều bận rộn khiến chúng ta ít có dịp gặp gỡ, thăm hỏi người thân quen thì bây giờ, nhờ kết bạn trên mạng xã hội, hàng ngày chúng ta vẫn có thể nhìn thấy mặt nhau, biết được tâm tư, tình cảm, mọi sinh hoạt đời thường của nhau nếu chúng ta thường xuyên chia sẻ. Có rất nhiều vấn đề xã hội nóng tưởng chừng rất nan giải. Nhưng nhờ có sự đấu tranh, chia sẻ, kêu gọi mạnh mẽ từ cộng đồng mạng mà vấn đề đã được giải quyết. Các phong trào hiến máu tình nguyện, quyên góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền bảo vệ môi trường, phản đối uống bia rượu khi lái xe… của các hội nhóm cư dân mạng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và làm thay đổi ý thức của người dân rất tích cực.

Đánh giá một cách khách quan thì mạng xã hội là công cụ truyền thông đắc lực cho mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan từ cấp địa phương đến nhà nước và quốc tế.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tận dụng và sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan và thông thái. Nhiều người đã không đủ tỉnh táo để cho bản thân mình bị cuốn vào cơn bão sống ảo, bị mất rất nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc, mải đắm chìm trong thế giới ảo mà xa rời cuộc sống thực, thiếu quan tâm đến gia đình, bạn bè, người thân ở ngoài đời, bị lừa đảo khi mua hàng online hoặc bị lừa tiền bạc, tài sản. Đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị dụ dỗ, lừa đảo nhất là trẻ em và phụ nữ. Đã có nhiều người bị bắt cóc, xâm hại tình dục hoặc bị lừa bán qua biên giới, bị giết hại rất thương tâm. Nhiều gia đình lục đục, thậm chí tan vỡ khi vợ hoặc chồng hoặc cả hai chia sẻ quá nhiều chuyện riêng tư trên Facebook. Có người còn nhẹ dạ cả tin, u mê, mông muội nên bị các giáo phái lôi kéo vào con đường tà đạo, làm những việc xấu xa hoặc phản động và phải chịu hậu quả đáng tiếc.

Mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng luôn luôn có mặt trái và phải, hay nói một cách hoa mỹ hơn thì mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Tốt hay xấu, lợi hay hại tùy thuộc vào cách sử dụng và khai thác của mỗi người. Đứng trước bất kỳ một công nghệ mới mẻ nào, chúng ta đều phải học cách sử dụng sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Đặc biệt trẻ em là lứa tuổi luôn tò mò, thích khám phá, chinh phục những điều mới mẻ nhưng chưa có kỹ năng sàng lọc thông tin, kỹ năng phòng tránh và tự bảo vệ mình trước những cám dỗ và những mã thông tin độc hại, nên khi trẻ em sử dụng mạng xã hội phải đủ độ tuổi và sự trưởng thành cần thiết. Nếu các em còn nhỏ thì phải có sự hướng dẫn, chỉ bảo và giám sát của người lớn, cha mẹ, thầy cô. Chúng ta cũng cần bảo mật thông tin cá nhân một cách cẩn thận, hạn chế chia sẻ chuyện riêng tư của bản thân và gia đình lên mạng xã hội. Không nên than vãn, công kích, nói xấu người khác. Hãy like, comment và share có trách nhiệm, không cổ súy cho những hiện tượng xấu hay phản cảm. Tích cực truyền cảm hứng sống tốt đẹp, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, những việc làm nhân ái để đời sống ảo hay thực ngày một nhân văn, văn minh hơn. Hãy là một cư dân mạng thông thái, biết tận dụng và khai thác tối đa những lợi ích từ mạng xã hội, để mạng xã hội là cầu nối, là cánh cửa đưa chúng ta ra ngoài thế giới chứ đừng là nô lệ, là nạn nhân của mạng xã hội!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạng xã hội: Con dao hai lưỡi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO